Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Công chúa Huawei' được tại ngoại

Bà Mạnh Vãn Châu, Giám đốc tài chính và là con gái của nhà sáng lập Huawei đã được cho tại ngoại, nhưng vẫn sẽ bị giám sát chặt chẽ.

Theo tờ The Star Vancouver, quyết định trên của tòa án được đưa ra vào ngày 11/12. Thẩm phán William Ehrcke đã cho phép bà Mạnh được tại ngoại sau khi bà này nộp khoản tiền 10 triệu CAD, tương đương 7,5 triệu USD.

Mặc dù không còn bị giam giữ, bà Mạnh vẫn phải đeo một chiếc vòng an toàn, bị cấm ra khỏi nhà trong khoảng thời gian từ 23-6h sáng, chỉ được đi lại trong một số khu vực của thành phố Vancouver.

giam doc tai chinh huawei duoc tha anh 1
Bà Mạnh Vãn Châu, Giám đốc tài chính của Huawei, đã được tại ngoại. Ảnh: CNN.

Bà Mạnh sẽ được hai nhân viên bảo vệ giám sát toàn thời gian. Ngày 11/12 đã là ngày thứ ba bà Mạnh bị xét hỏi trước tòa.

Bà Mạnh bị bắt vào ngày 1/12 trong khi đang trung chuyển tại sân bay Vancouver. Mỹ đã đề nghị dẫn độ bà sang xét xử tại Mỹ, vì Huawei đã vi phạm lệnh cấm vận của Mỹ đối với Iran.

Nếu bị xét xử tại Mỹ, bà Mạnh có thể chịu án tù tới 30 năm. Sau khi bà Mạnh bị bắt, căng thẳng chính trị Mỹ, Trung đã lên cao. Những phiên trả lời của bà nhận được sự chú ý trên cả thế giới.

Mỹ có 60 ngày để cung cấp bằng chứng cho tòa án Canada, thuyết phục họ chấp nhận lệnh dẫn độ sang Mỹ. Luật sư của bà Mạnh, ông David Martin, cho biết bà chia sẻ mình rất muốn về thăm ngôi nhà tại Vancouver để gặp gia đình.

Ông kể lại lời bà Mạnh là “tôi đã làm việc suốt 25 năm qua, và nhiều năm rồi còn chưa đọc cuốn tiểu thuyết nào”. Ông Martin cũng khẳng định lời lẽ của bà Mạnh cho thấy quyết tâm tuân thủ pháp luật nếu được tại ngoại.

giam doc tai chinh huawei duoc tha anh 2
Hai người Trung Quốc giơ tấm biển đòi tự do cho bà Mạnh trước cửa tòa án tại Vancouver. Ảnh: Getty.

Nhiều bạn bè của bà Mạnh tại Vancouver cũng sẵn sàng chuyển nhà mình thành một địa điểm mà bà được phép ở lại trong thời gian tại ngoại.

Ông Martin cho biết quyết định tại ngoại được đưa ra một phần nhờ những lời cam đoan, đảm bảo và sự đóng góp của nhiều công dân Vancouver từng làm việc hoặc có quen biết với bà Mạnh.

Bà Mạnh, sinh năm 1970, là con gái của ông Nhậm Chính Phi, người sáng lập nên tập đoàn Huawei. Ngoài vị trí Giám đốc tài chính tại Huawei, bà còn là Chủ tịch hội đồng quản trị của Skycom Tech.

Mỹ cáo buộc Skycom Tech đã bán các thiết bị viễn thông cho Iran từ năm 2009-2014, trong khi Iran vẫn đang bị Mỹ cấm vận. Là công ty viễn thông hàng đầu Trung Quốc, Huawei bị Mỹ coi là một đối tượng nguy hiểm có thể phá hoại an ninh quốc gia. Mỹ tuyên bố không sử dụng các thiết bị viễn thông của Huawei.

Gần đây, Australia và New Zealand cùng một công ty viễn thông lớn của Anh quốc là BT cũng đưa ra quyết định tương tự.

Không chỉ Huawei, một công ty viễn thông khác của Trung Quốc là ZTE cũng đã bị cấm trong các giao dịch của chính phủ Mỹ. Lệnh cấm thương mại toàn diện của Mỹ không chỉ áp dụng cho linh kiện phần cứng mà còn không cho Huawei sử dụng phần mềm và các bằng sáng chế của các công ty Mỹ.

Mặc dù Huawei hiện đang dẫn đầu về số lượng thiết bị cho mạng 5G, lệnh cấm có thể ảnh hưởng lớn tới tương lai của công ty. “Nếu Huawei không được cấp phép sử dụng hệ điều hành Android từ Google hoặc các bằng sáng chế của Qualcomm trong công nghệ 4G và 5G, công ty sẽ không thể phát triển điện thoại thông minh hoặc các thiết bị mạng”, Edison Lee và Timothy Chau, hai nhà phân tích tại Jefferies Securities nhận định.

Chưa hết, các công ty gặp rắc rối pháp lý tại Mỹ cũng có thể bị ảnh hưởng tại một số thị trường khác. “Các yêu cầu về cơ sở hạ tầng viễn thông của chính phủ đã ngăn chặn nhà cung cấp Trung Quốc tại một số thị trường quan trọng. Ngoài ra, các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông không bị chính phủ ngăn cấm có thể bắt đầu hạn chế việc sử dụng thiết bị từ Huawei trong việc xây dựng mạng 5G của họ", Mark Cash, nhà phân tích tại Morningstar Research cho biết trong một email với Bloomberg.

Đế chế tỷ USD của Huawei có thể bị ông Donald Trump phá hủy

Một số lo ngại cho rằng Huawei có thể sẽ chịu lệnh trừng phạt từ Mỹ tương tự ZTE trước đó. Điều này sẽ giáng một đòn chí mạng vào công ty công nghệ Trung Quốc.

Vì sao Huawei mãi là cơn ác mộng của Mỹ và phương Tây?

Sáng lập bởi cựu sĩ quan quân đội Trung Quốc, chừng đó có lẽ đã quá đủ để Mỹ và phương Tây đưa ánh nhìn dò xét về phía Huawei.

Nhật Minh

Bạn có thể quan tâm