Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Công chúa': Bóc tách bản năng và dục vọng con người

"Công chúa" là tác phẩm chứa đựng đầy đủ những tư tưởng sáng tạo của D.H.Lawrence, một câu chuyện vừa kỳ quái vừa đẹp mê hồn.

D.H. Lawrence là một tác giả luôn gây nên những sửng sốt. Là một người luôn có ham muốn tột cùng về việc khám phá thế giới nhân bản của loài người, ông đã kiến tạo nên những tác phẩm chấn động thời đại, với những tư tưởng bạo liệt, đam mê, nhưng cũng đầy dịu dàng, trắc ẩn và đẹp đến mê hồn về bản năng, khao khát, tình yêu và dục tính của con người.

Một người con gái chịu ảnh hưởng nặng nề của người cha cuồng tín tin mình là một người cao quý, thuần khiết, thượng đẳng. Cô sống trong một thế giới thần tiên, luôn hành xử nhã nhặn, thanh khiết, tin rằng cô hoàn toàn khác biệt so với những người khác.

Thế giới của cô chỉ luôn tồn tại mơ mộng, cùng với người cha thân thiết, tận tụy. Thế giới ấy là một thế giới không vương chút bụi trần, và cô mãi là một cô công chúa trinh nguyên. Tuy nhiên, cho sau khi cha cô qua đời, cô bắt đầu đặt những câu hỏi về thế giới. Đến lúc cô nghĩ rằng mình muốn kết hôn, để hôn nhân là cây cầu nối cô với đời sống, như những người bình thường khác.

Cô đi du lịch đến một trang trại ở Mexico, và ở đó cô đã nhận thấy mình có tình cảm với Romero, người dẫn đường của mình. Hai người đã cùng nhau vào rừng để ngắm động vật hoang dã, và tại đây, bản năng khao khát dục vọng của cô đã được đánh thức.

Nhưng cô dùng tất cả những nguyên tắc để cưỡng lại, và xem rằng đó chỉ là ham muốn của quỷ dữ. Cái nào chiếm phần hơn trong con người công chúa, là sự ước lệ xã hội hay là bản năng tự nhiên?

Người đọc phần nào cảm nhận được sự dữ dội của bản năng trong con người cô, nhưng dường như chính cái dữ dội ấy đã khiến cô không thể bước qua cây cầu về với đời sống. Cô khiến mọi thứ đều sụp đổ một cách bi thương, và cái chết ập tới, đầy man rợ, độc ác.

Người đọc sẽ phải đối mặt với đầy những phức cảm trong câu chuyện này của Lawrence. Ban đầu, dường như đó là một câu chuyện thần thoại, miêu tả một tình bạn bí ẩn và tận tụy giữa công chúa và cha cô. Sau đó, nó lại chuyển hướng như một câu chuyện tình lãng mạn pha chút hoang dã đầy quyến rũ giữa công chúa và Romero.

Ta nhấp nhổm chờ đợi chàng Romero mang trong mình sự hoang dã của núi rừng, sẽ phá bỏ được lớp băng cứng định kiến bủa vây công chúa trong suốt bao nhiêu năm, nhưng rồi, câu chuyện lại trở nên tăm tối như một cơn ác mộng.

ve tac pham Cong chua cua D.H.Lawrence anh 1
Tác phẩm Công chúa của D.H.Lawrence.

Những cảm xúc đầy xung đột mà tác giả đã dẫn dắt khiến ta ngập tràn trong cảm giác buồn thảm và băn khoăn về cá nhân. Rốt cục ta là ai? Sống cả một cuộc đời dài hay ngắn, cái ta dành cả đời truy tìm cũng chính là bản thể của ta. Những nhà văn như Camus, James Joy, Kafka... cũng  đã dùng cả đời của mình để truy tìm cái bản thể ấy của loài người.

Đoạn kết bao trùm lên toàn bộ câu chuyện một màu sắc u ám. Những định kiến và quy ước trở thành một thứ bệnh trầm kha mà công chúa đã cả đời bị nhốt chặt trong đó. Sự xuất hiện của Romero tưởng là một cơ hội đánh thức bản năng của nàng, nhưng rốt cục nàng từ bỏ, chôn chặt khoảng ký ức ấy, mà lấy một người đàn ông lớn tuổi khác.

Trong cuộc tìm kiếm bản thể của mình, công chúa đã thất bại. Sự thất bại của nàng, khiến cho mối xung đột trong câu chuyện vẫn tồn tại một cách bất lực.

ve tac pham Cong chua cua D.H.Lawrence anh 2
Nhà văn người Anh D.H.Lawrence.

Romero chính xác là một biểu tượng mà tác giả đã tạo nên để thể hiện cái dục tính mạnh mẽ sâu kín bên trong của công chúa, thứ mà nàng luôn gọi là “quỷ dữ”. Công chúa, trong cuộc giao hoan giữa núi rừng thâm u hoang dã cũng chính là biểu hiện của lớp quỷ dữ tận cùng tâm khảm con người.

Cái chết của Romero, chính là biểu hiện sự thất bại của nhân vật công chúa. Nàng đã không thể bước ra ngoài lớp băng cách xa bản năng con người của chính nàng.

Cũng giống như cách ví von của Lawrence khi ví con người giống như một củ hành tây, và khi bóc tách từng lớp từng lớp ra sẽ nhìn thấy cái mần xanh “quỷ dữ” của con người, thì truyện ngắn Công chúa cũng đầy những lớp lang, được viết rất chặt chẽ, tỏ rõ sự điêu luyện của một tài văn xuất chúng.

Có nhiều cách để tiếp cận Công chúa, và với sức nén của câu chữ, mỗi người đọc cũng sẽ chỉ có thể chạm được vào một phần nhỏ trong cuốn sách rất dữ dội và cũng đẹp đẽ vô cùng này.

D.H. Lawrence (1885 - 1930) là nhà thơ, nhà tiểu thuyết, nhà phê bình, họa sĩ nổi tiếng của Anh và được đánh giá là một trong những nhân vật vĩ đại nhất trong nền văn học Anh thế kỷ 20.

Ông đã mang đến cho văn học Anh và thế giới cái nhìn mới về bản năng, thân xác và tình yêu, cũng như cách nhìn mới về tiểu thuyết. Ông sinh ở Nottinghamshire, Anh và mất ở Vence, Pháp.

Lawrence là tác giả của mọi thể loại, từ thơ ca đến tiểu thuyết, truyện ngắn, tiểu luận, phê bình, dịch thuật... Ông nổi tiếng với hàng loạt tác phẩm thám hiểm cái đam mê của con người trong mọi chiều kích thân xác và tâm linh như: Cô gái đồng trinh và chàng du tử, Con trai và người tình, Cầu vồng, Người đàn bà đang yêu, Con rắn có lông, Người tình của phu nhân Chatterly, Công chúa... 

'Ban công lên trời': Một cõi cười mê sảng thâm u về đàn bà

Một tập truyện ngắn hiện đại, văn phong tưng tửng, dễ dàng chọc cười độc giả, cười bật thành tiếng, đến mức chảy nước mắt.

 

Phong Linh

Bạn có thể quan tâm