Sáng 29/4, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong chủ trì lễ công bố và trao quyết định thành lập 5 cơ quan báo chí trực thuộc UBND TP.HCM, gồm: Báo Pháp Luật TP.HCM, tạp chí Du Lịch TP.HCM, tạp chí Giáo Dục TP.HCM, tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn, tạp chí Kinh tế Sài Gòn.
Cũng tại buổi lễ, bà Ngô Thị Hoàng Các, Phó giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM, công bố quyết định của Chủ tịch UBND TP về bổ nhiệm lãnh đạo 5 cơ quan báo chí kể trên, gồm 5 tổng biên tập và 4 phó tổng biên tập.
Chủ tịch Nguyễn Thành Phong trao quyết định cho Tổng biên tập báo Pháp Luật TP.HCM. Ảnh: T.L. |
Theo đó, ông Mai Ngọc Phước, nguyên Tổng biên tập báo Pháp Luật TP.HCM thuộc Sở Tư pháp TP.HCM, được bổ nhiệm giữ chức Tổng biên tập báo Pháp Luật TP.HCM thuộc UBND TP.HCM.
Ông Nguyễn Đức Hiển và Nguyễn Văn Chương, nguyên Phó tổng biên tập báo Pháp Luật TP.HCM thuộc Sở Tư pháp TP.HCM, được bổ nhiệm giữ chức Phó tổng biên tập báo Pháp Luật TP.HCM thuộc UBND TP.HCM.
Bà Lương Thị Bích Ngọc, nguyên Tổng biên tập tạp chí Khám Phá, giữ chức Tổng biên tập tạp chí Du Lịch TP.HCM.
Ông Nguyễn Thanh Tú, nguyên Tổng biên tập báo Giáo Dục TP.HCM thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM, giữ chức Tổng biên tập tạp chí Giáo Dục TP.HCM.
Ông Trần Hoàng, nguyên Tổng biên tập báo Doanh Nhân Sài Gòn thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM, giữ chức Tổng biên tập tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn.
Ông Trần Minh Hùng, nguyên Tổng biên tập Thời báo Kinh Tế Sài Gòn thuộc Sở Công Thương TP.HCM, giữ chức Tổng biên tập tạp chí Kinh Tế Sài Gòn. Ông Phạm Hữu Chương và Phan Chiến Thắng, nguyên Phó tổng biên tập Thời báo Kinh Tế Sài Gòn thuộc Sở Công Thương TP.HCM, được bổ nhiệm giữ chức vụ Phó tổng biên tập tạp chí Kinh Tế Sài Gòn.
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong yêu cầu báo chí phải tiến hành chuyển đổi số. Ảnh: T.L. |
Phát biểu giao nhiệm vụ, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong nhận định bối cảnh quốc tế và trong nước hiện nay đòi hỏi báo chí, người làm báo phải nỗ lực đổi mới, sáng tạo, thể hiện bản lĩnh.
Đồng thời, trước những khó khăn đặt ra, các cơ quan báo chí phải nỗ lực để tranh thủ cơ hội phát triển. Hiện nay, chuyển đổi số là yếu tố tiên quyết, sống còn cho các tờ báo, tạp chí.
Theo Đề án sắp xếp, phát triển và quản lý báo chí TP.HCM đến năm 2025, số cơ quan báo chí TP.HCM giảm từ 27 xuống 19.
Trong đó, 6 cơ quan chuyển đổi mô hình hoạt động và cơ quan chủ quản về UBND TP.HCM. Đến nay, 5/6 cơ quan báo chí đã được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp giấy phép hoạt động báo chí, đó là: Báo Pháp Luật TP.HCM, tạp chí Giáo Dục TP.HCM, tạp chí Du Lịch TP.HCM, tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn, và tạp chí Kinh Tế Sài Gòn.