Chiều 13/1, ông Nguyễn Văn Tiến, Chánh Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đã cung cấp danh tính 4 công ty sản xuất, kinh doanh và chế biến nước mắm không đúng quy định.
Bốn công ty vi phạm gồm: Công ty TNHH MTV Điều Hương (ấp Hòa Phú 1, thị trấn An Châu, Châu Thành, An Giang); Công ty TNHH chế biến thực phẩm Hòa Hiệp (47 Trần Phú, phường 4, TP Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long); Công ty TTHH thực phẩm Tấn Phát (tổ 1, ấp Tân Đông, xã Tân Quới, huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long); Công ty cổ phần chế biến thủy hải sản Liên Thành (ấp 4, Tân Kiên, huyện Bình Chánh, TP.HCM).
Những công ty này đã sản xuất, chế biến không có vật che chắn để côn trùng và các động vật đi qua.
Bên cạnh đó, báo cáo cho rằng một số doanh nghiệp đã sản xuất nguyên liệu nước mắm dùng phụ gia không đúng quy định - soda công nghiệp (Na2CO3). Các doanh nghiệp vi phạm gồm Công ty TNHH MTV Điều Hương, Công ty TNHH chế biến thực phẩm Hòa Hiệp và Công ty TNHH thực phẩm Tấn Phát.
Thanh tra Bộ NN&PTNT phát hiện một số doanh nghiệp sử dụng soda công nghiệp và nguyên liệu bột ngọt Vedan để sản xuất nước mắm. Ảnh: K.L. |
Viện kiểm nghiệm an toàn thực phẩm quốc gia công bố kết quả kiểm nghiệm những mẫu nước mắm lấy tại các cơ sở vi phạm cho thấy đều không đạt yêu cầu.
Ông Tiến cho biết Thanh tra Bộ NN&PTNT đã phối hợp với Bộ Công an, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Thanh tra Sở NN&PTNT tiến hành điều tra vụ việc tại Vĩnh Long, An Giang và TP HCM từ giữa năm 2019.
Khi có kết quả, Thanh tra Bộ NN&PTNT đã chuyển hồ sơ đến các cơ quan chức năng của Bộ Công an xem xét, xử lý theo quy định.
Kết quả kiểm nghiệm những mẫu nước mắm lấy tại các cơ sở vi phạm đều không đạt yêu cầu. Ảnh: K.L. |
Theo đó, cơ quan chức năng đã ra quyết định xử phạt hành chính các công ty vi phạm tổng cộng 782 triệu đồng. Thanh tra Bộ NN&PTNT cũng buộc 3 doanh nghiệp chuyển đổi mục đích sử dụng đối với nguyên liệu đã chế biến ra còn nằm lại tại xưởng.
Trước đó ngày 10/1, Thanh tra Bộ NN&PTNT họp tổng kết năm và thông tin phát hiện, tiêu hủy hơn 48 tấn soda công nghiệp tại một số doanh nghiệp để phục vụ cho sản xuất nước mắm. Tuy nhiên, tên công ty hoặc thương hiệu nước mắm vi phạm không được nêu cụ thể.
Tại các cơ sở nói trên, nguyên liệu dùng trong sản xuất nước mắm gồm: dịch bột ngọt của Công ty CP hữu hạn Vedan Việt Nam (dung dịch có tính axit, công bố dưới dạng phụ gia thực phẩm) hoặc dùng dịch nước tôm, dịch bổi cá (nước đầu của việc ủ cá với muối).
Các nguyên liệu trên sau khi khi xử lý được cho chạy qua xác cá ủ chượp (đã loại thải sau khi thu hoạch nước mắm truyền thống). Cuối cùng cho ra các sản phẩm nước mắm bán thành phẩm có độ đạm khác nhau tùy theo việc cô đặc và phụ gia chế biến (có mùi vị của nước mắm).
Nước mắm bán thành phẩm được bán cho các cơ sở sản xuất nước mắm có quy mô lớn, nhỏ khác nhau để tiếp tục sử dụng các chất điều vị, mùi, màu hoặc tiếp tục xử lý, cô đặc để thành các sản phẩm nước mắm có giá trị khác nhau đưa ra thị trường tiêu thụ.
Na2CO3 được dùng trong ngành sản xuất công nghiệp để nấu thủy tinh, xà phòng, làm giấy, đồ gốm, phẩm nhuộm, dệt, keo dán gương, và điều chế nhiều muối khác của natri như borat, cromat...
Na2CO3 dễ bị nhầm lẫn với Na2HCO3 (natri hiđrocacbonat hay natri bicacbonat) vốn được sử dụng rộng rãi trong thực phẩm và có nhiều tên gọi khác: Bread soda, cooking soda. Trong khi đó, Na2CO3 là muối nhưng do tính ăn mòn cao nên chỉ dùng trong công nghiệp.
Trong trường hợp soda Na2CO3 tinh khiết 100% thì được phép dùng trong thực phẩm để chống đông, điều chỉnh độ axit và chất ổn định nhưng phải ở liều lượng an toàn theo quy định của Bộ y tế. Nếu không tinh khiết thì chỉ dùng trong công nghiệp.