Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Công bố nhân sự trước Đại hội để nhân dân giám sát

Ông Đào Đức Toàn, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội cho rằng, cần công bố công khai rộng rãi đề án nhân sự trước đại hội để tăng cường dân chủ, để nhân dân giám sát.

5 năm luân chuyển 145 cán bộ lãnh đạo

Đánh giá về kết quả Đại hội Đảng bộ cấp trên cơ sở của Đảng bộ thành phố Hà Nội, Thành ủy Hà Nội cho biết, thời gian qua, công tác đào tạo, quy hoạch, luân chuyển, bố trí cán bộ đạt nhiều kết quả. Trong nhiệm kỳ vừa qua đã luân chuyển, điều động 145 cán bộ thuộc diện Thành ủy quản lý.

“Bây giờ đi luân chuyển không còn là nghĩa vụ nữa mà đã trở thành quyền lợi. Rất nhiều cán bộ mong muốn được luân chuyển”, ông Đào Đức Toàn nói.

Bỏ phiếu bầu BCH Đảng bộ huyện Ba Vì.
Bỏ phiếu bầu BCH Đảng bộ huyện Ba Vì.

Nhiều cán bộ sau khi luân chuyển đã không muốn quay về nơi làm cũ nữa vì thấy công việc mới hợp với mình hơn, cống hiến được nhiều hơn. Đây cũng là cơ sở để chuẩn bị tốt nhân sự cho cấp ủy khóa mới. Những đồng chí mới tham gia cấp ủy lần đầu đều nằm trong quy hoạch. Nhiều cấp ủy xây dựng số dư nhân sự đưa ra bầu tới 20%. 

Tỷ lệ cán bộ đổi mới (tham gia lần đầu) đều đạt trên 30%, tỷ lệ cán bộ nữ đạt 17% vượt so quy định của trung ương (15%), thậm chí có quận, huyện đạt 30-40% cán bộ nữ như quận Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Hà Đông.

Công khai đề án nhân sự để nhân dân giám sát

Cũng theo ông Đào Đức Toàn, hạn chế vừa qua là tỷ lệ cán bộ trẻ tham gia cấp ủy chưa cao, mới đạt khoảng 3%. Trong khi yêu cầu đặt ra là tới 10%. Nguyên nhân do cán bộ trẻ thường chưa có cương vị công tác chủ chốt và là cấp phó. Do nhận thức, tâm lý của nhiều cấp ủy, đại biểu về cán bộ trẻ chưa thực sự mạnh dạn.

Tuy nhiên, điểm sáng là số cán bộ trẻ trúng cử tuy chưa đạt tỷ lệ nhưng chất lượng hơn, đều là cán bộ lãnh đạo, chứ không phải là “quân xanh” đưa ra để bầu. Ví dụ quận Thanh Xuân đạt trên 5% cán bộ trẻ. 

Có đồng chí 35 tuổi đã làm Bí thư Đảng ủy phường. Tuổi trung bình Bí thư, Chủ tịch các quận huyện kỳ này đã trẻ hơn. Trách nhiệm này trước hết là do cấp ủy chưa quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, tạo môi trường cho cán bộ trẻ thể hiện mình. 

“Tôi cho rằng phải quan tâm hơn đến sử dụng cán bộ trẻ, ưu tiên hơn cho lớp trẻ, thậm chí có thể bầu thiếu rồi sau này bầu bổ sung nếu chọn được cán bộ trẻ có khả năng phát triển”, ông Toàn nói.

 ông Đào Đức Toàn, Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội.
Ông Đào Đức Toàn, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội.

Một hạn chế nữa đó là văn kiện một số nơi xây dựng chưa sâu sắc, thiếu toàn diện; kiểm điểm về công tác xây dựng đảng chưa ngang tầm nhiệm vụ. Trao đổi, thảo luận tại một số đại hội còn khô cứng, chưa tạo được sự sôi nổi. 

Một số nơi công tác chuẩn bị nhân sự chưa kỹ, nội bộ chưa thực sự đoàn kết thống nhất, có tư tưởng cục bộ địa phương. Đã có một trường hợp bị xử lý theo quy định của pháp luật. 

“Tại huyện Mỹ Đức có một đồng chí Phó Bí thư dự kiến làm Chủ tịch huyện nhưng không trúng cử Ban chấp hành; Một phó Chủ tịch huyện Đông Anh không trúng cử cấp ủy, một số trường hợp là Trưởng ban Đảng nhưng không trúng cử Ban Thường vụ. 

Đã có tình trạng đến đại hội nhắn tin vận động bầu cử, tung tin thất thiệt và thành phố đã phải xử lý theo pháp luật. Điển hình như một trường hợp tại huyện Mê Linh. Nguyên nhân sâu xa đó là vấn đề nội bộ, tư tưởng cục bộ địa phương còn nặng nề”, ông Toàn thẳng thắn.

Công tác chuẩn bị cho Đại hội Đảng bộ thành phố đã cơ bản hoàn tất như văn kiện, đề án nhân sự đã được BCH Đảng bộ thông qua. Trong tháng 9 này Bộ Chính trị sẽ phê duyệt phương án nhân sự. Theo phương án nhân sự đã được BCH Đảng bộ thông qua, nhiệm kỳ tới BCH Đảng bộ thành phố tối đa sẽ gồm 75 người, Ban Thường vụ gồm 17 người.

Vậy làm gì để tăng cường dân chủ, tăng cường sự giám sát của nhân dân? Theo ông Đào Đức Toàn, Trung ương cần nghiên cứu, có thể công khai danh sách nhân sự cấp ủy trước đại hội (tương tự như việc công khai danh sách các ứng cử viên đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp đã thực hiện) để phát huy dân chủ và tranh thủ sự đóng góp xây dựng của cán bộ, đảng viên, nhân dân.

“Đối với đề án nhân sự Đảng bộ thành phố, tôi cho rằng có thể đăng báo để nhân dân giám sát”, ông Toàn đề xuất.

Ông Lê Trương Hải Hiếu là Chủ tịch quận trẻ nhất TP HCM

Ông Lê Trương Hải Hiếu, 34 tuổi đã trở thành Chủ tịch quận kiêm Phó bí thư Quận ủy quận 12 và lãnh đạo quận huyện trẻ nhất TP HCM vào thời điểm hiện nay.

Chủ tịch UBND quận trẻ nhất TP HCM: “Có bố là Bí thư Thành ủy càng phải giữ uy tín”

Bên lề kỳ họp thứ 19 (kỳ họp bất thường) HĐND TP HCM khóa VIII ngày 26/8, trả lời câu hỏi của báo chí về việc có hay không sự ưu ái trong bổ nhiệm khi có bố là Bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải, tân Chủ tịch UBND quận 12, Lê Trương Hải Hiếu cho biết: “Tôi cũng bất ngờ nhưng ưu ái hay không cũng không dám tự đánh giá. Tôi thấy quy trình, hồ sơ thủ tục đều như các đồng chí khác”. 

Chủ tịch quận trẻ nhất TP HCM, ông Hải Hiếu cũng cho biết, có bố là Bí thư Thành ủy khiến ông phải trách nhiệm hơn để cố gắng làm sao ngoài việc giữ uy tín cho bản thân còn giữ uy tín cho gia đình.      

Khối quận, huyện, thị có 8 đồng chí ủy viên tái ứng cử không trúng BCH (1 đồng chí Phó Bí thư thường trực huyện ủy, 1 đồng chí Phó chủ tịch UBND huyện và 6 đồng chí huyện ủy viên); 2 đồng chí Trưởng ban Đảng, 1 đồng chí Phó chủ tịch UBND huyện không trúng cử ủy viên Ban Thường vụ. 

Khối đảng bộ trực thuộc: 1 đồng chí Phó Bí thư không trúng BCH, 1 đồng chí ủy viên BCH đương nhiệm dự kiến bầu Phó bí thư không trúng BCH.        

http://www.tienphong.vn/xa-hoi/cong-bo-nhan-su-truoc-dai-hoi-de-nhan-dan-giam-sat-901993.tpo

Theo Minh Tuấn/Tiền Phong

Bạn có thể quan tâm