Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Công bố Lệnh của Chủ tịch nước về Luật An ninh mạng

Trung tướng Hoàng Phước Thuận khẳng định Luật này không hạn chế quyền tự do, dân chủ của công dân. Đây là hành lang pháp lý vững chắc để người dân yên tâm buôn bán trên mạng.

Sáng 28/6, tại buổi họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước về việc công bố 7 luật vừa được Quốc hội thông qua, liên quan đến Luật An ninh mạng, trung tướng Hoàng Phước Thuận, Cục trưởng Cục An ninh mạng (Bộ Công an) khẳng định, Luật này không hạn chế quyền tự do, dân chủ của công dân. Đây là hành lang pháp lý vững chắc để người dân yên tâm buôn bán, kinh doanh, hoạt động trên không gian mạng.

Cùng với Luật An ninh mạng, 6 luật khác cũng được công bố, bao gồm: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao, Luật Đo đạc và bản đồ, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 11 luật có liên quan đến quy hoạch, Luật Quốc phòng, Luật Cạnh tranh, Luật Tố cáo.

 Dữ liệu người dùng mạng đang bị sử dụng tràn lan

Luật An ninh mạng gồm 7 chương, 43 điều quy định những nội dung cơ bản về bảo vệ an ninh mạng đối với hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia, phòng ngừa, xử lý hành vi xâm phạm an ninh mạng, triển khai hoạt động bảo vệ an ninh mạng và quy định trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Nhằm bảo vệ tối đa quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, chương III Luật An ninh mạng quy định đầy đủ các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh, xử lý nhằm loại bỏ nguy cơ đe dọa, phát hiện và xử lý hành vi vi phạm pháp luật. Bao gồm: Phòng ngừa, xử lý thông tin trên không gian mạng có nội dung tuyên truyền chống phá Nhà nước CHXHCN Việt Nam, kích động gây bạo loạn, phá rối an ninh, gây rối trật tự công cộng, làm nhục, vu khống, xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, phòng chống gián điệp mạng, bảo vệ thông tin bí mật nhà nước, bí mật công tác, thông tin cá nhân trên không gian mạng, phòng ngừa, xử lý hành vi sử dụng không gian mạng, công nghệ thông tin, phương tiện điện tử để vi phạm pháp luật về an ninh, trật tự, phòng chống tấn công mạng.

Bên cạnh đó, Luật còn quy định về phòng chống khủng bố mạng, chiến tranh mạng…. Đây là hành lang pháp lý vững chắc để người dân có thể yên tâm buôn bán, kinh doanh hay hoạt động trên không gian mạng.

Theo trung tướng Hoàng Phước Thuận, hiện nay, dữ liệu của người sử dụng Việt Nam trên không gian mạng đã và đang bị sử dụng tràn lan với mục đích thu lợi nhuận, thậm chí bị sử dụng vào các âm mưu chính trị hoặc vi phạm pháp luật. Trong khi đó, nhà nước chưa có đủ hành lang pháp lý để quản lý.

Nhằm quản lý chặt chẽ, bảo vệ nghiêm ngặt dữ liệu của nước ta trên không gian mạng, Luật An ninh mạng đã quy định doanh nghiệp trong và ngoài nước cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, Internet và các dịch vụ gia tăng trên không gian mạng tại Việt Nam có hoạt động thu thập, khai thác, phân tích, xử lý dữ liệu về thông tin cá nhân, về mối quan hệ của người sử dụng dịch vụ, dữ liệu do người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam tạo ra phải lưu trữ dữ liệu này tại Việt Nam trong thời gian theo quy định của Chính phủ.

Luat An ninh mang anh 1
Trung tướng Hoàng Phước Thuận, Cục trưởng Cục An ninh mạng - Bộ Công an báo cáo tóm tắt nội dung Luật An ninh mạng.

Quy định 2 hình thức tố cáo bằng đơn và trực tiếp

Liên quan đến Luật Tố cáo, theo Phó tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Thanh, về hình thức tố cáo, nhằm xác định rõ trách nhiệm của người tố cáo, tránh việc lợi dụng các hình thức tố cáo để tố cáo tràn lan, cố ý tố cáo sai sự thật, ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của người bị tố cáo, Luật Tố cáo tiếp tục quy định 2 hình thức tố cáo là tố cáo bằng đơn và tố cáo trực tiếp. 

Với quan điểm, bảo vệ người tố cáo nhằm khuyến khích, động viên người dân dũng cảm đấu tranh chống lại các hành vi tham nhũng, tiêu cực, vi phạm pháp luật, giúp các cơ quan nhà nước phát hiện, xử lý kịp thời nghiêm minh các hành vi này, trên cơ sở kế thừa các quy định về bảo vệ tố cáo, Luật Tố cáo  đã dành 1 chương quy định về bảo vệ người tố cáo.

Theo đó, người được bảo vệ gồm người tố cáo, vợ chồng, cha mẹ đẻ, cha mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người tố cáo. Phạm vi bảo vệ gồm: Bí mật thông tin của người tố cáo, vị trí công tác, việc làm, tính mạng, sức khỏe, danh dự, tài sản, nhân phẩm của người được bảo vệ.

Về Luật Quốc phòng, Luật này quy định đầy đủ, toàn diện chính sách nhà nước về quốc phòng nhằm đảm bảo công khai, minh bạch về tính chất, mục đích quốc phòng Việt Nam là nền quốc phòng toàn dân để bảo vệ Tổ quốc.

Đặc biệt, Luật đã quy định công nghiệp quốc phòng, an ninh nhằm xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh trong một chỉnh thể thống nhất, không tách rời nhau, do nhà nước quản lý, điều hành. Luật cũng bổ sung quy định khu vực phòng thủ thủ đô Hà Nội là bộ phận hợp thành phòng thủ đất nước cho phù hợp với tính chất, nhiệm vụ đặc thù của thủ đô Hà Nội và Luật thủ đô.

Cục trưởng A68 nói gì về Luật An ninh mạng?

"Ai đó tung tin rằng cơ quan an ninh giám sát tất cả tài khoản cá nhân nhưng chắc chắn không có chuyện đó", Cục trưởng Cục An ninh mạng Hoàng Phước Thuận trả lời báo chí.


http://anninhthudo.vn/phap-luat/cong-bo-lenh-cua-chu-tich-nuoc-ve-luat-an-ninh-mang/772966.antd

Theo Huệ Linh/An Ninh Thủ Đô

Bạn có thể quan tâm