Hình ảnh được tạo ra từ tia X và tần số vô tuyến có màu giả này được NASA công bố vào ngày 28/5, cho thấy các luồng khí siêu nóng và từ trường ở trung tâm của Dải Ngân hà. Bức ảnh cũng mô tả hàng tỷ ngôi sao và vô số lỗ đen, theo Guardian.
NASA gọi hình ảnh từ phát hiện này là: "Các sợi từ hóa dệt tấm thảm thiên hà ngoạn mục".
Hình ảnh được tổng hợp từ 370 quan sát được thực hiện trong suốt 2 thập kỷ tại đài quan sát tia X Chandra quay theo quỹ đạo. Được phóng vào năm 1999, Chandra quay theo quỹ đạo hình bầu dục cực lớn.
Hình ảnh trung tâm Dải Ngân hà mô tả hàng tỷ ngôi sao và vô số lỗ đen. Ảnh: NASA. |
Các tia X do đài quan sát tia X Chandra của NASA phát hiện có màu cam, xanh lá cây, xanh lam và tím.
Kính viễn vọng vô tuyến MeerKAT ở Nam Phi cũng góp phần tạo nên độ tương phản cho hình ảnh.
Nhà thiên văn học Daniel Wang, Đại học Massachusetts Amherst, cho biết ông đã dành một năm để thực hiện bức ảnh, trong thời gian ở nhà vì Covid-19.
Ông Wang nói: “Những gì chúng ta nhìn thấy trong hình là một hệ sinh thái hoạt động mãnh liệt và tràn đầy năng lượng ở trung tâm thiên hà của chúng ta. Có rất nhiều tàn tích của các siêu tân tinh, lỗ đen và sao neutron ở đó. Mỗi dấu chấm hoặc mỗi nét tia X đại diện cho một nguồn năng lượng, hầu hết chúng đều nằm ở trung tâm”.
Trung tâm của Dải Ngân hà là nơi chứa nguồn năng lượng cao và hoạt động mạnh mẽ liên tục. Nó nằm cách Trái Đất khoảng 26.000 năm ánh sáng.
Tác phẩm của ông Wang được đăng trên tạp chí Monthly Notices của Hiệp hội Thiên văn Hoàng gia.