Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Góc nhìn mới về kháng chiến chống Pháp thời vua Tự Đức

Từ các châu bản triều Nguyễn, tài liệu gốc được lựa chọn từ kho lưu trữ quốc gia, nhóm tác giả hy vọng mở ra hướng nghiên cứu mới về kháng chiến chống Pháp dưới thời vua Tự Đức.

Nhân 160 năm sự kiện thực dân Pháp đánh chiếm Nam kỳ (1859 - 2019), Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước kết hợp với Hội Khoa học Lịch sử Đồng Tháp xuất bản sách Cuộc kháng chiến chống Pháp ở Nam kỳ và Đồng Tháp qua Châu bản triều Nguyễn (ra mắt bạn đọc vào cuối năm âm lịch Kỷ Hợi).

Với mong muốn cung cấp những thông tin xác thực từ tài liệu lưu trữ gốc, cuốn sách lần đầu tiên công bố 120 châu bản triều Nguyễn về cuộc kháng chiến chống Pháp ở Nam kỳ dưới triều Tự Đức, trong thời gian từ 1858 đến 1882.

Vua Tu Duc khang chien chong Phap anh 1

Vua Tự Đức và quần thần (tranh vẽ của họa sĩ Pháp).

Hiện nay có nhiều công trình nghiên cứu về công cuộc chống Pháp ở Nam kỳ dưới triều Tự Đức, hầu hết dựa vào tài liệu của Quốc sử quán triều Nguyễn qua bộ Đại Nam thực lục hay các ghi chép của người Pháp.

Đại Nam thực lục do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn theo dạng biên niên sự kiện, diễn đạt rất cô đọng, nhưng lại ít đề cập tới những sự kiện liên quan đến công cuộc chống Pháp ở Nam kỳ dưới triều Tự Đức. Đối với tư liệu tiếng Pháp, ngoài các công trình nghiên cứu của một số sử gia, còn lại là những ghi chép, báo cáo, thư từ của các giáo sĩ thừa sai và những người Pháp từng tham gia cuộc xâm chiếm Nam kỳ… Do đó, bức tranh về cuộc kháng chiến ở Nam kỳ dưới triều Tự Đức được tái hiện không đầy đủ như nó đã diễn ra.

Chính vì vậy với việc công bố 120 tài liệu gốc, khai thác thông tin trực tiếp các văn bản của triều đình, bao gồm các văn bản được hoàng đế châu phê hoặc phụng chỉ của hoàng đế, còn gọi là châu bản, nhóm tác giả cuốn sách có cách tiếp cận hoàn toàn khác so với những nghiên cứu trước đây.

Cuốn sách được bố cục thành 5 chương, gồm:

Vua Tu Duc khang chien chong Phap anh 2

Bìa sách "Cuộc kháng chiến chống Pháp ở Nam kỳ và Đồng Tháp qua Châu bản triều Nguyễn".

Chương 1. Nguyên nhân sâu xa và lý do biện minh cho việc xâm chiếm vương quốc Đại Nam của đế quốc Pháp. Tại chương này, nhóm tác giả sách đã làm rõ những vấn đề sau: Vị trí, tài nguyên của Đại Nam ở vùng Viễn Đông trong cơn thèm khát thuộc địa của giới tư sản châu Âu nói chung và tư sản Pháp nói riêng. Hoạt động của các thừa sai, chính sách cấm đạo từ Gia Long đến Tự Đức và lý do biện minh cho hành động xâm chiếm Đại Nam của đế quốc Pháp.

Chương 2. Cuộc chiến đấu chống Pháp ở Nam kỳ (1860 - 1867): Liên quân Pháp - Tây Ban Nha đánh Đà Nẵng lần thứ nhất và sự chuyển hướng vào Nam kỳ, âm mưu “nội công - ngoại kích” của Pháp sau trận Đà Nẵng, công cuộc chiến đấu bảo vệ thành Gia Định (tháng 2 năm 1859), tỉnh thành Định Tường (tháng 4 năm 1861), Pháp chiếm Biên Hoà và ba tỉnh miền Tây Nam kỳ (Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên), thái độ của triều đình và tình hình Nam kỳ sau hoà ước Nhâm tuất 1862, công cuộc chống Pháp của quân dân ba tỉnh miền Tây Nam kỳ sau tháng 6 năm 1867.

Chương 3. Công cuộc kháng chiến chống Pháp ở Đồng Tháp: Cuộc kháng chiến ở phía bắc sông Tiền với Thiên hộ Võ Duy Dương và ở phía nam sông Tiền với Hùng Dõng tướng Trí Thắng nam Nguyễn Công Nhàn.

Chương 4. Tiểu sử một số nhân vật lãnh đạo kháng chiến chống Pháp và người ứng nghĩa.

Chương 5. Một số châu bản triều Tự Đức về cuộc kháng chiến chống Pháp ở Nam kỳ.

Vua Tu Duc khang chien chong Phap anh 3

Châu bản Tự Đức tập 102 tờ số 105 ngày 29 tháng 1 năm Tự Đức thứ 12 (1859) truyền Dụ các tỉnh tăng cường gia cố đồn bảo.

Và từ các châu bản liên quan đến công cuộc chống Pháp ở Nam kỳ được trình bày trong quyển sách này, nhóm tác giả hy vọng nó sẽ gợi ra nhiều hướng nghiên cứu mới về hành trạng của một số nhân vật lịch sử bị ngộ nhận (Phan Trung là phản quốc, Nguyễn Công Nhàn là Hùng dõng tướng mà nhát gan,…), hoặc một số sự kiện bị đánh giá sai lệch (các cuộc “nổi dậy” từ sau khi Pháp đánh Đà Nẵng là do chánh sách cai trị hà khắc của Tự Đức hay đây là kế gián trị, đòn nội công - ngoại kích của người Pháp, thái độ của triều đình đối với các cuộc khởi nghĩa và các lãnh tụ nghĩa quân ở Nam kỳ sau hoà ước Nhâm Tuất…).

Vua Tu Duc khang chien chong Phap anh 4

Trước lúc hy sinh, Nguyễn Trung Trực đã thể hiện khí tiết của mình bằng câu nói bất hủ: “Bao giờ Tây nhổ hết cỏ nước Nam thì mới hết người Nam đánh Tây”. Nguồn: baolongan.vn.

Vì những sự kiện lịch sử diễn ra trên đất Nam Bộ, nên trong nhóm biên soạn, dịch giả dùng ngữ âm, địa danh trong tập sách này, cả tên một số nhân vật mà người Nam bộ nói và viết khác với vùng miền khác, ví như Đỗ Thúc Tịnh/Đỗ Thúc Tĩnh, Tôn Thất Hiệp/Tôn Thất Hợp, Võ Hiệp/Vũ Hợp, Hùng Dõng tướng/Hùng Dũng tướng…

Cuốn sách là một lời tri ân thành kính của những người viết sử đến các vị võ tướng, quân binh triều đình, nghĩa binh đã hy sinh trong công cuộc chiến đấu chống Pháp ở Nam kỳ mà nhiều người trong số đó ít được nhắc tới trong 160 năm qua, có chăng là những đánh giá trái ngược nhau về một số nhân vật, sự kiện thời kỳ này.

Nguyễn Thanh Thuận

Bạn có thể quan tâm