Thực hiện chỉ đạo của Bộ Tổng tham mưu, tối 9/9, Binh chủng Công binh đã chỉ đạo Lữ đoàn Công binh vượt sông 249 khẩn trương hoàn thành công tác chuẩn bị, sẵn sàng di chuyển lên Phú Thọ tham gia cứu hộ, cứu nạn và triển khai bắc cầu phao qua sông khi điều kiện thời tiết, thủy văn cho phép. |
Thời điểm khoảng 3h30 sáng ngày 10/9, Lữ đoàn Công binh vượt sông 249 Binh chủng Công binh đã có mặt tại khu vực xã Hương Nội (huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ), hiện trường vụ sập cầu Phong Châu. |
Theo Binh chủng Công binh, lực lượng của Lữ đoàn 249 hành quân lên Phú Thọ thực hiện nhiệm vụ gồm hơn 198 cán bộ, chiến sĩ và 78 phương tiện các loại. |
Lữ đoàn Công binh vượt sông 249 đưa đến hiện trường vụ sập cầu Phong Châu nhiều trang thiết bị nhằm triển khai bắc cầu phao qua sông để phục vụ người dân di chuyển tạm thời thay cho cầu Phong Châu mới bị sập. |
Các thiết bị sẽ được tập kết tạm thời tại khu 5 Hương Nộn (huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ), tùy vào điều kiện thời tiết, thủy văn, tốc độ dòng chảy, ban chỉ huy mới quyết định khi nào lắp đặt cầu phao. |
Rạng sáng ngày 10/9, tại khu vực hiện trường vụ sập cầu Phong Châu, vẫn tiếp tục có mưa lớn. |
Trước đó, khoảng 23h30 ngày 9/9, hơn 20 cán bộ, nhân viên điện lực huyện Tam Nông đã được huy động đến hiện trường để lắp đặt thêm thiết bị chiếu sáng, đường dây điện. |
Cây cầu Phong Châu kết nối hai huyện Lâm Thao và Tam Nông (Phú Thọ) bị sập hai nhịp (dài 120 m) xuống dòng nước lũ vào sáng 9/9. Vụ sập cầu khiến 3 xe khách, 3 xe con, một xe đầu kéo và nhiều xe máy rơi xuống sông, bị nước cuốn trôi. |
Thực trạng giao thông, văn hóa ứng xử của người tham gia, văn hóa quản lý, điều hành giao thông, các vấn đề liên quan tới quy hoạch và giải pháp xây dựng giao thông Việt Nam trong tương lai đều được PGS.TS. Phạm Ngọc Trung đề cập tới trong cuốn Văn hóa giao thông ở Việt Nam hiện nay.