Ngày 29/11, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước về các luật đã được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 2, trong đó có Luật Sửa đổi bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự. Bộ luật này sẽ có hiệu lực thi hành từ 1/12/2021.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự đã sửa đổi theo hướng bổ sung trách nhiệm kiểm tra, xác minh sơ bộ tố giác, tin báo về tội phạm đối với công an xã. Tức là trách nhiệm của công an xã tương đương với trách nhiệm của công an phường, thị trấn, đồn công an.
Theo đó, các lực lượng này có trách nhiệm tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, lập biên bản tiếp nhận, tiến hành kiểm tra, xác minh sơ bộ và chuyển ngay tố giác, tin báo về tội phạm kèm theo tài liệu, đồ vật có liên quan cho cơ quan điều tra có thẩm quyền.
Phó viện trưởng Thường trực VKSND Tối cao Nguyễn Huy Tiến. Ảnh: Đ.C. |
Trong điều khoản thi hành, luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật bộ luật Tố tụng hình sự cũng sửa đổi điều 44 của luật Tổ chức cơ quan tố tụng hình sự để bổ sung nhiệm vụ nói trên cho công an xã.
Giải thích thêm về quy định này, Phó viện trưởng Thường trực VKSND Tối cao Nguyễn Huy Tiến cho rằng tất cả công an xã đã được tổ chức chính quy, đóng vai trò quan trọng trong công tác bảo đảm an ninh, trật tự xã hội. Lực lượng này đã và đang góp phần hiệu quả trong đấu tranh phòng, chống tội phạm.
Tuy nhiên, khoản 3 điều 146 Bộ luật Tố tụng hình sự lại chưa quy định công an xã được kiểm tra, xác minh sơ bộ trong tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm như công an phường, thị trấn, đồn công an.
Điều này dẫn đến công an xã chưa phát huy tốt được vai trò chính quy, không kịp thời giảm tải khối lượng công việc rất lớn cho cơ quan điều tra công an cấp huyện ở các địa phương trong tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố.
Ngoài ra, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự lần này đã bổ sung quy định tạm đình chỉ giải quyết tố giác, tin báo tội phạm, kiến nghị khởi tố, điều tra, và tạm định đình chỉ "vì lý do bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh".
Theo lãnh đạo VKSND Tối cao, với quy định hiện hành, nếu hết thời hạn điều tra mà không chứng minh được hành vi phạm tội theo quy định thì phải đình chỉ điều tra.
Điều này có thể dẫn đến bỏ lọt tội phạm, người phạm tội, đồng thời phải xem xét trách nhiệm bồi thường nhà Nước, thậm chí xử lý trách nhiệm hình sự với người có thẩm quyền tố tụng trong khi việc này do lỗi chủ quan từ phía cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.
Dự báo tới đây, Việt Nam cũng như các nước phải chịu những tác động khó lường do biến đổi cực đoan của khí hậu và tình hình dịch bệnh Covid-19, ông Tiến cho rằng việc sửa đổi quy định này là cần thiết.
Luật cũng quy định giao Viện trưởng VKSND tối cao chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng Công an, Bộ trưởng Quốc phòng và thủ trưởng cơ quan khác có liên quan quy định chi tiết việc tạm đình chỉ "vì lý do bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh".
Trên cơ sở đó, cơ quan tố tụng sẽ phải cân nhắc, xem xét thận trọng khi quyết định áp dụng căn cứ này đối với từng trường hợp cụ thể, hạn chế việc ảnh hưởng đến giải quyết vụ án, vụ việc khi được phục hồi.