Những ngày qua, bà Nguyễn Thị Hồng Ánh (42 tuổi, ngụ TP Thủ Đức) hoang mang vì phải đóng cửa quán karaoke hơn một tháng do quy định mới của Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ Công an TP.HCM (PC07).
Chung nỗi lo lắng, ông Quốc Vương (chủ quán karaoke ở TP Thủ Đức) cũng không biết phải sửa lại quán như thế nào cho đáp ứng yêu cầu, bởi chưa tìm được vật liệu vừa chống cháy nhưng đảm bảo cách âm.
Dịp lễ Noel, Tết Nguyên đán sắp tới là "mùa làm ăn" của các quán karaoke, song chủ những cơ sở này vẫn loay hoay chia sẻ không biết bao giờ mới được hoạt động để đón khách.
Quy định gây khó
Bà Nguyễn Thị Hồng Ánh cho biết khoản 2, điều 6 thông tư 147/2020/TT-BCA của Bộ Công an quy định các gian phòng có diện tích từ 50 m2 trở lên và các gian phòng trong tầng hầm, tầng nửa hầm phải được sử dụng vật liệu trang trí nội thất, vật liệu cách âm, cách nhiệt là vật liệu không cháy, khó cháy.
Đồng thời, điều 3.3.4 QCVN 06:2021/BXD quy định vật liệu làm lớp hoàn thiện tường, trần và tấm trần treo trong gian phòng phải là vật liệu không cháy, khó cháy ở các công trình nói chung, không nói rõ trường hợp phòng hát karaoke.
Quán karaoke tại phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1 đang sửa chữa quán sau quy định của Phòng PC07. Ảnh: An Huy. |
Tuy nhiên, Phòng PC07 yêu cầu tường, trần, vách phòng karaoke dưới 50 m2 cũng phải ốp vật liệu khó bắt cháy, chống cháy. "Yêu cầu như vậy là chưa đúng theo quy định đưa ra từ Bộ Công an, gây thiệt hại cho doanh nghiệp”, bà Ánh nói.
Nữ chủ quán cho biết năm 2020, bà vay tiền ngân hàng thuê mặt bằng, xây quán karaoke với 10 phòng hát. Khi hoàn thành, lực lượng PCCC đã xuống kiểm định, cho hoạt động.
Bà mở cửa quán được hai tháng thì dịch Covid-19 bùng phát, phải đóng cửa. Sau dịch, bà cho quán hoạt động được hơn 5 tháng thì phải tạm dừng trước quy định mới của Phòng PC07.
Dù đóng cửa, mỗi tháng bà phải chi hơn 200 triệu đồng trả tiền mặt bằng, lương nhân viên. Đợt dịch vừa rồi, bà phải bán nhà để lấy tiền cầm cự quán karaoke.
“Lúc xây quán, lực lượng chức năng đã thẩm duyệt, cấp phép PCCC và cho quán tôi hoạt động. Đến nay họ lại đổ lỗi quán làm sai quy định PCCC, buộc đóng cửa sửa chữa thì quá khổ cho doanh nghiệp. Không chỉ quán tôi mà hàng chục cơ sở cũng như vậy”, bà Ánh than thở.
Ông Trần Xuân Dũng (41 tuổi, ngụ quận 12), chủ một số quán karaoke trên địa bàn huyện Củ Chi, cũng trong tình cảnh tương tự. Sau đợt giãn cách xã hội do dịch Covid-19, gia đình ông kiệt quệ kinh tế và không đủ tiền sửa chữa lại quán theo yêu cầu của Phòng PC07.
Nhiều chủ quán karaoke tại TP.HCM cho biết sau dịch Covid-19, họ không đủ kinh phí để sửa chữa quán. Ảnh: An Huy. |
Ông Dũng khẳng định các hạng mục như buồng thang kín ngăn giữa các tầng, lối thoát nạn… ở quán ông đều đáp ứng đầy đủ.
Riêng quy định thay thế vật liệu chống cháy, khó cháy ở các trần, vách, tường trong các phòng hát dưới 50 m2 mà Phòng PC07 mới đưa ra, ông không đồng tình vì không đúng trong luật.
Theo ông, việc yêu cầu phòng karaoke dưới 50 m2 phải dùng vật dụng khó cháy, chống cháy và buộc doanh nghiệp đóng cửa hàng loạt để khắc phục gây nhiều thiệt hại cho các cơ sở kinh doanh.
Vật liệu trang trí làm giảm mức độ chịu lửa
Trao đổi với Zing về vấn đề này, đại tá Huỳnh Quang Tâm, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ Công an TP.HCM, cho biết theo quy định thẩm duyệt các quán karaoke, tường phải chịu cháy 150 phút, trần là 90 phút và vách là 90 phút.
Khi xây quán thì trần, tường, vách phải đủ giới hạn chịu lửa như trên thì cơ quan chức năng mới thẩm duyệt.
Quá trình hoạt động, các quán ốp vật liệu dễ cháy để trang trí, cách âm. Nếu có hỏa hoạn sẽ làm thay đổi thiết kế, giảm mức độ chịu lửa của tường. Như vậy là không đúng quy định.
Trần của một phòng karaoke bị tháo dỡ vật liệu trang trí, cách âm để thay vật liệu chống cháy. Ảnh: An Huy. |
Theo thông tư 147/2020/TT-BCA của Bộ Công an, phòng 50 m2 trở lên thì vật liệu ốp phải được chứng minh, kiểm định giới hạn chịu lửa. “Ốp các vật liệu dễ bắt cháy vào sẽ khiến tường, trần, vách thấp hơn giới hạn chịu lửa ban đầu, như vậy không đúng quy định” ông Tâm nói.
Trong khi đó, PGS.TS Ngô Văn Xiêm, nguyên Phó hiệu trưởng Trường Đại học Phòng cháy chữa cháy, cho biết nếu ốp vật liệu trang trí, cách âm, khi xảy ra hỏa hoạn sẽ không giảm sức chịu cháy của tường, vách, trần.
"Vật liệu ốp là chất cháy, nếu có hỏa hoạn, nhiệt sẽ tác động trực tiếp đến bề mặt tường. Nhưng ảnh hưởng này không phá vỡ khả năng chịu nhiệt của tường, vách, trần sau 45-150 phút", ông Xiêm nói.
Theo ông, những vật liệu không cháy, khó cháy thì khó có thể chống ồn trong quán karaoke. Trong khi đó, với phòng karaoke, việc cách âm, chống ồn rất quan trọng. Vì vậy, Phòng PC07 cần hướng dẫn cụ thể cho người dân về việc chọn vật liệu nào khó cháy nhưng phải chống ồn.
Anh Bùi Xuân Tuyên, phụ trách kỹ thuật một công ty sản xuất tấm ốp chống cháy, cách nhiệt tại TP.HCM, cho biết nếu một phòng karaoke phát hỏa sẽ gây ra bức xạ nhiệt, dễ gây cháy lan sang phòng khác.
Nếu bức tường được phủ ốp cách nhiệt, thời gian cháy lan lâu hơn sẽ giúp mọi người trong các tầng có thời gian thoát ra ngoài.
Từ ngày 15/10 đến 15/12, Công an TP.HCM thực hiện cao điểm kiểm tra bất ngờ các cơ sở kinh doanh nhằm ngăn chặn, chấm dứt xảy ra cháy gây hậu quả nghiêm trọng, làm chết người. Những cơ sở karaoke, vũ trường, quán bar... không đủ tiêu chuẩn về an toàn phòng cháy chữa cháy (PCCC) phải ngưng hoạt động để khắc phục.
Trong đó, Công an TP.HCM yêu cầu các vật liệu làm lớp hoàn thiện, ốp, trang trí của tường, tấm treo trần trong các gian phòng (phòng hát) và trên các đường thoát nạn (hành lang, cầu thang bộ...) phải làm bằng vật liệu không cháy, khó bắt lửa, đảm bảo theo quy định.
Những cuốn sách hay về xã hội
Tủ sách Xã hội giới thiệu những cuốn sách hay và mới về các chủ đề từ thời sự, chính trị, đến giao thông, hạ tầng... Tủ sách đồng thời cung cấp nhiều kiến thức, dữ liệu để độc giả hiểu nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội.