Sở GTVT là đơn vị trực tiếp cấp lốt xe
Ông Linh cho biết, từ năm 2013 đến nay, để giải quyết tình trạng quá tải tại bến xe Mỹ Đình, thành phố đã chỉ đạo không tiếp nhận thêm “lốt” mới mà chỉ duy trì ổn định ở số lượng trên 1.600 lượt xe/ngày tại bến xe này.
Cùng với đó, kể từ 26/6 vừa qua, Bộ GTVT đã có quyết định phê duyệt Quy hoạch chi tiết tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh trên toàn quốc; ba bến xe Mỹ Đình, Giáp Bát, Lương Yên không được cấp thêm lượt tuyến mới (lốt) cho đến năm 2020.
Tuy nhiên vừa qua Bộ trưởng GTVT đã đưa ra thông tin “Xin một “lốt” xe vào bến Mỹ Đình hết đến 600 triệu đồng” đã gây sự chú ý của dư luận.
“Mặc dù chưa đưa ra bằng chứng gì kèm theo, nhưng với trách nhiệm của một đơn vị cơ sở, trực tiếp quản lý bến xe Mỹ Đình, Sở GTVT Hà Nội phải có trách nhiệm kiểm điểm, cùng với đó rà soát lại xem thực hư thông tin trên thế nào, có đúng như Bộ trưởng nói không?”, ông Linh cho hay.
Cũng theo ông Linh, sau khi tiếp nhận thông tin Bộ trưởng Giao thông nêu ra, sáng nay lãnh đạo Sở tổ chức cuộc họp với đại diện Bộ GTVT, Công an và Thanh tra thành phố để xác minh, làm rõ nội dung trên.
Liên quan đến thông tin đơn vị nào đang trực tiếp cấp “lốt” xe trên địa bàn Hà Nội hiện nay, chiều qua ông Nguyễn Hoàng Linh cho biết, việc này Sở GTVT đảm nhiệm và được thực hiện theo Thông tư 63 của Bộ GTVT. Cũng theo ông Linh, hiện Sở GTVT Hà Nội đang cấp “lốt” xe hoàn toàn miễn phí cho doanh nghiệp.
“Tôi cũng có nghe dư luận nói có chạy chọt luồng tuyến, nhưng không nắm bắt cụ thể trường hợp nào. Nhưng nguy cơ tiêu cực của chấp thuận tuyến là có”.
Ông Nguyễn Văn Quyền - Phó Tổng cục trưởng Đường bộ
Nói về quy trình cấp một “lốt” xe, đại diện Sở GTVT Hà Nội cho biết, khi doanh nghiệp muốn mở một tuyến xe chạy từ các tỉnh đến Hà Nội và ngược lại họ phải liên hệ với các bến để xem biểu đồ chạy xe.
Nếu luồng tuyến doanh nghiệp muốn chạy còn trống, họ sẽ làm hồ sơ chuyển về Sở GTVT để được giải quyết. Sau khi rà soát biểu đồ, hồ sơ, nếu phù hợp với quy định, Sở GTVT Hà Nội sẽ có văn bản chấp thuận tuyến (lốt) để doanh nghiệp được vào bến hoạt động theo lộ trình đã xin.
Hiện Phòng Quản lý vận tải Sở GTVT là đơn vị trực tiếp giải quyết, trình các thủ tục liên quan đến cấp “lốt” để lãnh đạo Sở ký.
Chiều qua đại diện Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng cho biết, lâu nay hoạt động vận tải hành khách liên tỉnh chưa có quy hoạch về luồng tuyến nên việc cấp “lốt” xe phụ thuộc vào cơ chế “xin - cho” của địa phương. Tuy Bộ GTVT đã có quy định rõ ràng cho việc này (Thông tư 63) nhưng việc xin “lốt” xe vào bến vẫn phải được Sở GTVT nơi đến hoặc nơi đi “gật đầu”.
Thích “ôm” luồng tuyến xe khách?
Sau văn bản truy ngược nghi án tiêu cực chạy chọt lốt xe khách của Giám đốc Sở GTVT Hà Nội tới Bộ trưởng GTVT, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ôtô Việt Nam Nguyễn Mạnh Hùng cho biết từng nhận không ít “phàn nàn” của các hội viên về tiêu cực này.
Theo ông Hùng, việc dư luận nói tiêu cực trong cấp luồng tuyến vận tải hành khách là có, nhưng mức độ bao nhiêu, như thế nào chưa được kiểm chứng cụ thể.
Có hay không việc xin “lốt” xe vào Mỹ Đình hết 600 triệu sẽ được Sở GTVT Hà Nội và Bộ GTVT “đối thoại” hôm nay. |
Thậm chí, một đơn vị được chấp thuận luồng tuyến rồi, nhưng không chạy có thể chuyển nhượng lại cho đơn vị khác với giá 100-200 triệu đồng là có, gây nhiều bức xúc cho các doanh nghiệp vận tải.
Về quy trình, để được chạy xe, đầu tiên doanh nghiệp phải có phương án khai thác, rồi xin phép Sở GTVT ở địa phương nơi đặt trụ sở, sau đó làm việc với Sở GTVT ở đầu tuyến còn lại. Sau khi được 2 Sở GTVT ở hai đầu tuyến đồng ý, doanh nghiệp phải ký hợp đồng với bến xe 2 bên.
Quá trình này, nếu thuận lợi phải mất không dưới 15 ngày. Thậm chí, có trường hợp được một sở đồng ý, nhưng sở còn lại không đồng ý, lúc đó không biết phải giải quyết thế nào.
Về việc vì sao Bộ GTVT đã có chủ trương quy hoạch công khai luồng, tuyến, nhưng lại khó triển khai. Ông Hùng cho biết: Khó khăn do có lực cản từ 2 phía. Với doanh nghiệp, anh nào đã được cấp phép luồng tuyến và đang khai thác không muốn thực hiện theo quy hoạch.
Bởi vì đơn vị khác sẽ nhảy vào tranh với mình. Với cơ quan quản lý nhà nước, họ đã và đang can thiệp quá sâu vào hoạt động vận tải, giờ bỏ đi cũng thấy trăn trở.
“Nếu bỏ được cấp phép luồng tuyến lợi ích sẽ rất nhiều, doanh nghiệp hoạt động thuận lợi hơn. Với tuyến có nhiều đơn vị cùng khai thác, có thể đưa ra đấu thầu, vừa công bằng lại tăng thu cho ngân sách nhà nước, hiện Thái Lan họ đã thực hiện như vậy rất tốt” - ông Hùng nói.
Sẽ đấu thầu
Ông Nguyễn Văn Quyền - Phó Tổng cục trưởng Đường bộ cho hay, đang hoàn thiện dự thảo quy định bỏ chấp thuận tuyến và sẽ trình lãnh đạo bộ ngày 20/10. Dự thảo sẽ bỏ quy định chấp thuận tuyến; các doanh nghiệp công khai đăng ký; trường hợp số xe khách đăng ký vượt số “lốt” hiện có sẽ tiến hành đấu thầu để lựa chọn.
Cũng theo ông Quyền, việc đấu thầu chỉ dừng lại ở việc lựa chọn giữa các doanh nghiệp theo các tiêu chí, chưa thu tiền.
“Chúng tôi sẽ đưa ra bộ tiêu chí trong tháng 11, các doanh nghiệp có cơ chế quản lý tốt, đảm bảo an toàn giao thông, không kể quy mô lớn hay nhỏ sẽ được lựa chọn. Phương án không thu tiền đấu giá nhằm tránh tăng chi phí cho doanh nghiệp và đẩy giá cước vận tải lên cao”, ông Quyền nói.
Đánh giá giữa phương án chấp thuận tuyến và đấu thầu, ông Quyền cho biết, phương án chấp thuận tuyến trước đây không công khai “lốt” còn trống nên tiềm ẩn nguy cơ tiêu cực; phương án đấu thầu mà Bộ trưởng GTVT yêu cầu thực hiện đảm bảo công khai minh bạch và hạn chế tiêu cực.