Tại kỳ họp thứ 5, khóa 17 của HĐND tỉnh Nghệ An ngày 19/12, các đại biểu chất vấn Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh này tình trạng phá rừng tràn lan. Nhiều đại biểu đặt câu hỏi vì sao thời gian qua xảy ra nhiều vụ phá rừng, vậy cá nhân, tổ chức nào trực tiếp quản lý. Hình thức xử lý đối với những người này sẽ như thế nào.
Ông Hoàng Nghĩa Hiếu, người đứng đầu Sở NN&PTNT cho biết, trong năm 2017, ngành chức năng tỉnh Nghệ An bắt gần 800 vụ vi phạm lâm luật, lâm sản; tịch thu hơn 1.000 m3 gỗ các loại. Các vụ chặt phá rừng chủ yếu nằm ở vùng đầu nguồn, vùng biên giới.
Đại tá Nguyễn Hữu Cầu phát biểu tại kỳ họp. Ảnh: Phạm Hòa. |
Thủ phạm chặt phá rừng chủ yếu là người dân địa phương, thậm chí có một số cán bộ địa phương còn vào rừng đánh dấu đây là cây của mình để chờ khai thác. Ngoài các cá nhân, những người chịu trách nhiệm trực tiếp để xảy ra phá rừng chính là ban quản lý rừng phòng hộ. Thời gian vừa qua Sở đã cách chức một số thuộc cấp, một số khác bị công an xử lý hình sự.
Phát biểu ý kiến, đại tá Nguyễn Hữu Cầu, Giám đốc Công an Nghệ An, cho biết năm 2017 công an phát hiện 170 vụ phá rừng với 170 đối tượng tham gia, thu gần 500 m3 gỗ và gần 15 tấn gỗ các loại; 17 vụ có dấu hiệu tội phạm, có tính chất nghiêm trọng cần phải xử lý hình sự tại các huyện Kỳ Sơn, Quế Phong, Tương Dương, Quỳ Châu.. .
Công an khởi tố hình sự 14 vụ, bắt gần 40 người về các tội vi phạm về khai thác bảo vệ rừng; Hủy hoại rừng; Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Gần nhất là vụ khởi tố hai cán bộ bảo rừng tại huyện Tương Dương vì để xảy ra vụ chặt phá gần 190 cây pơ mu (khoảng 300 m3).
Theo đại biểu Cầu, để dẫn tới tình trạng phá rừng ở Nghệ An một phần kiểm lâm và biên phòng không làm tròn trách nhiệm. Ông dẫn chứng pháp luật quy định rõ trách nhiệm giữ rừng gồm có 4 đơn vị: Ban quản lý rừng phòng hộ; kiểm lâm địa bàn; chủ tịch UBND các xã nơi có rừng và bộ đội biên phòng ở nơi có rừng.
Theo quy định, hàng tháng đơn vị quản lý, bảo vệ rừng pháp lập chương trình kế hoạch để bảo vệ rừng, lập các đội hoặc tổ chức tuần tra bảo vệ, phòng cháy rừng. Đặc biệt, lực lượng kiểm lâm phải có mặt 25 ngày/tháng ở rừng và phải có báo cáo về cho chi cục trưởng kiểm lâm. Điều đáng tiếc là những yêu cầu này hầu như không đạt được.
Một vụ phá rừng diễn ra ở huyện Tương Dương bị phát hiện hồi tháng 3 vừa qua. Ảnh: N.A. |
Người đứng đầu Công an tỉnh Nghệ An cho rằng nói kiểm lâm thiếu nhân lực là chỉ là điều kiện khách quan, nếu họ làm hết mình, huy động được các lực lượng tham gia như đội dân phòng, tuần tra theo đúng yêu cầu thì nạn phá rừng sẽ giảm rất nhiều.
Theo đại tá Nguyễn Hữu Cầu, để ngăn chặn vấn nạn phá rừng như trong thời gian vừa qua thì lực lượng chức năng cần phải xử lý mạnh tay. Làm rõ trách nhiệm những cá nhân tham gia bảo vệ rừng. Đồng thời công an tỉnh sẽ làm rõ trách nhiệm của ủy ban nhân dân các xã, bộ đội biên phòng để xử lý.