Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Công an hóa trang vào quán bar có vũ nữ hở hang ở Đà Nẵng

Các quán bar ở Đà Nẵng hoạt động như vũ trường khi thuê vũ nữ mặc đồ hở hang đứng bục nhảy mẫu hoặc múa cột.

Đà Nẵng hiện không có vũ trường mà chỉ có các "quán bar hoạt động như vũ trường". Đây đang là nỗi đau đầu của các cơ quan chức năng TP do những bức xúc về an ninh trật tự, tệ nạn xã hội mà những nơi này gây ra.

Tiềm ẩn nhiều phức tạp về an ninh trật tự 

Ngày 8/8, tại hội nghị chuyên đề về đảm bảo an ninh trật tự và phòng ngừa các vi phạm pháp luật tại các vũ trường, quán bar và các cơ sở kinh doanh tương tự trên địa bàn Đà Nẵng, Thiếu tướng Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc công an TP cho hay, qua khảo sát thực tế, hiện Đà Nẵng không có vũ trường mà chỉ có 8 quán bar hoạt động tương tự như vũ trường. 

Bar TV Club nằm ở tầng ngầm Nhà hát Trưng Vương được công an TP Đà Nẵng nhận diện là một trong những quán bar tiềm ẩn sự phức tạp về an ninh trật tự.

Trong đó nổi lên các quán bar New Phương Đông, TV Club, F3 Club thường chơi nhạc giật, kích động về khuya, hoạt động quá thời gian quy định; trong đó có nhiều thanh thiếu niên hư hỏng, đối tượng hình sự, tệ nạn xã hội tụ tập ăn chơi; và hay xảy ra các vụ gây gổ đánh nhau, tranh giành địa bàn bảo kê; khách hàng sử dụng ma tuý trái phép; thuê vũ nữ mặc đồ hở hang đứng bục nhảy mẫu hoặc múa cột. Đây là những quán bar tiềm ẩn sự phức tạp về an ninh trật tự.

Ngoài ra, ở các quán bar thường hoạt động đến 2 - 3h sáng hay xảy ra cãi nhau to tiếng do chuyện ghen tuông của khách đến chơi. 

Từ năm 2010 đến nay, Đà Nẵng xảy ra 25 vụ phạm pháp hình sự liên quan đến quán bar, vũ trường (18 vụ xảy ra bên trong quán bar, vũ trường và 7 vụ xảy ra bên ngoài); riêng 6 tháng đầu năm 2013 xảy ra 6 vụ.

Cùng thời gian này, công an TP Đà Nẵng phát hiện, xử lý 276 người có hành vi mua bán, sử dụng trái phép chất ma tuý có liên quan đến vũ trường, quán bar. Riêng 6 tháng đầu năm 2013 phát hiện, xử lý 45 trường hợp. Trong đó có 17 người khai sử dụng ma tuý tại bar New Phương Đông, 15 kẻ khai đã sử dụng ma tuý tại bar TV Club, 13 người khai đã sử dụng ma tuý tại bar F3 Club.

"Tuy chưa phát hiện, xử lý vụ nào có tổ chức liên quan đến chủ quán bar, vũ trường nhưng tại các quán bar đang tồn tại các điều kiện, môi trường thuận lợi để các đường dây môi giới, tổ chức mại dâm hoạt động. Ngoài ra, có nhiều người khai nhận sử dụng ma tuý trong quán bar, vũ trường dù chưa có trường hợp nào có hành vi tổ chức mua bán ma tuý liên quan đến chủ các cơ sở này bị phát hiện, xử lý", báo cáo của công an Đà Nẵng nêu.

Dù gây ra nhiều vấn nạn đối với an ninh trật tự xã hội nhưng theo báo cáo của Cục thuế Đà Nẵng, do không có giấy phép vũ trường nên các quán bar không nộp thuế tiêu thụ đặc biệt, theo quy định hiện hành là 40%, mà chỉ nộp thuế VAT, doanh thu, môn bài. Năm 2010, các quán bar ở Đà Nẵng nộp thuế hơn 1,45 tỷ (nợ thuế 5 triệu); năm 2011 nộp thuế 1,45 tỷ (nợ thuế 55 triệu), năm 2013 nộp thuế hơn 1 tỷ (nợ thuế 154 triệu), 6 tháng đầu năm 2013 nộp thuế hơn 978 triệu (nợ thuế 65 triệu). 

Theo công an Đà Nẵng, tại các quán bar New Phương Đông, TV Club... đang tồn tại các điều kiện, môi trường thuận lợi để các đường dây môi giới, tổ chức mại dâm hoạt động.


Kiến nghị cho công an hoá trang làm nhiệm vụ tại các quán bar "tai tiếng"

Theo Thiếu tướng Nguyễn Văn Sơn, trong khi các yếu tố tích cực không nhiều thì lĩnh vực kinh doanh quán bar, vũ trường trên địa bàn TP lại đang bộc lộ rất nhiều yếu tố tiêu cực.

"Đây là môi trường nảy sinh các loại tội phạm, vi phạm pháp luật, tệ nạn xã hội, ma tuý, mại dâm; lây lan lối sống thực dụng, sa đoạ, nhất là trong một bộ phận thanh thiếu niên. Trong khi đó công tác quản lý của các cơ quan chức năng trên lĩnh vực này đang bộc lộ những sơ hở, tồn tại nếu không kịp thời khắc phục sẽ tạo điều kiện cho các loại tội phạm hình sự, tệ nạn xã hội nảy sinh, tồn tại", Thiếu tướng Nguyễn Văn Sơn nói.

Tháng 12/2009, UBND TP Đà Nẵng có công văn triển khai thí điểm một số địa điểm giải trí lành mạnh về đêm, trong đó cho phép 5 cơ sở vũ trường, quán bar được hoạt động đến 2h sáng nhằm thu hút, phục vụ khách du lịch. Tuy nhiên, khách du lịch nước ngoài lẫn trong nước vào các quán bar, vũ trường ở Đà Nẵng chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ. New Phương Đông, Seventeen là những bar thường có khách nước ngoài nhưng đông nhất cũng chỉ chiếm 10 - 15%.

Theo Công an Đà Nẵng, thực tế này cho thấy chủ trương nêu trên của TP chưa đạt mục đích như mong muốn mà còn không phù hợp với Nghị định của Chính phủ. Hiện trong 5 cơ sở được cho phép thì chỉ còn New Phương Đông và Seventeen hoạt động. Vì vậy, lãnh đạo công an Đà Nẵng đề nghị Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo yêu cầu hai cơ sở này chấm dứt hoạt động sau 24h đêm.

Lãnh đạo công an Đà Nẵng cũng đề nghị UBND TP kiến nghị Chính phủ xem xét ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định cụ thể về điều kiện, nội dung hoạt động đối với loại hình quán bar; đưa loại hình quán bar và các loại hình tương tự vào nhóm kinh doanh có điều kiện. Trong khi chờ các cơ quan trung ương ban hành văn bản quy phạm pháp luật này thì Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần khẩn trương tham mưu UBND TP ban hành quy định tạm thời quản lý các loại hình kinh doanh quán bar trên địa bàn TP.

Sau khi quy định tạm thời được ban hành, Sở Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì tổ chức thực hiện, rà soát đưa các cơ sở quán bar và loại hình tương tự vào diện đối tượng trọng điểm trong hoạt động kiểm tra.

Đặc biệt, theo Thiếu tướng Nguyễn Văn Sơn, năm 2009, thực hiện chủ trương của lãnh đạo Đà Nẵng về tăng cường đảm bảo an ninh trật tự phục vụ môi trường du lịch, công an TP có bố trí lực lượng cảnh sát công khai làm nhiệm vụ hỗ trợ an ninh trật tự tại một số quán bar từ 20 - 24h hàng đêm. Sự có mặt của công an đã tạo tâm lý yên tâm cho khách đến vui chơi, hạn chế hành vi manh động, kịp thời can thiệp, xử lý các hành vi gây rối an ninh trật tự. Tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng việc công an bảo vệ bên ngoài còn bên trong thì ăn chơi, phạm pháp là phản cảm, thậm chí suy diễn theo các nghĩ tiêu cực.

Trước những nỗi đau đầu do các "quán bar hoạt động như vũ trường" gây ra trên địa bàn, công an Đà Nẵng lại tiếp tục kiến nghị UBND TP cho phép bố trí lực lượng của Phòng PC65 hoá trang làm nhiệm vụ tại các quán bar có nhiều tai tiếng, khi có tình huống phức tạp thì tăng cường lực lượng cơ động và các lực lượng liên quan.

Theo Infonet

Bạn có thể quan tâm