Trả lời báo chí tại buổi giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội, ông Nguyễn Lê Hoàng, Phó chủ tịch quận Tây Hồ cho biết vào thứ 7 tuần trước nhiều người phản ánh việc rất nhiều bao cao su đã qua sử dụng nổi trên mặt nước Hồ Tây.
Ông Nguyễn Lê Hoàng, Phó chủ tịch quận Tây Hồ, trả lời tại buổi giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội. Ảnh: Anh Văn. |
Theo ông Hoàng, ngay sau khi có sự việc, UBND quận đã yêu cầu các đơn vị liên quan tiến hành vệ sinh mặt nước ngay. “Chúng tôi giao công an quận điều tra làm rõ bao cao su xuất hiện mặt Hồ Tây từ đâu ra, đối tượng nào đổ trộm. Quận đã có văn bản báo cáo UBND thành phố”, ông Hoàng nói.
Vị này cho hay quận Tây Hồ đã thành lập một ban quản lý Hồ Tây trên mọi lĩnh vực vệ sinh môi trường, vệ sinh mặt nước… Vì vậy khi phát hiện vệ sinh môi trường tại khu vực này không đảm bảo, Ban quản lý Hồ Tây sẽ vào cuộc xử lý.
Người dân vớt bao cao su nổi trên mặt Hồ Tây ngày 22/9. Ảnh: Anh Văn. |
Lãnh đạo quận Tây Hồ khẳng định không có chuyện bao cao su từ các ống xả thải của các khách sạn ra mặt hồ. Bởi các cơ quan chức năng của quận đã xử lý việc xả thải ra hồ rồi.
Trước đó, ngày 22/9, sau cơn mưa lớn, người dân đi qua hồ Tây đoạn số 223-235 (phố Trích Sài) thì thấy rất nhiều bao cao su nổi lềnh phềnh dạt vào vệ hồ.
Sau đó, một người dân gần đây đã chèo thuyền ra vớt số bao cao su dạt vào bờ, nhưng không xuể.
Đến 15h cùng ngày, Ban quản lý hồ Tây cũng đã cử người ra tìm hiểu và thu dọn.
Lãnh đạo quận Tây Hồ khẳng định đã yêu cầu Công an quận vào cuộc điều tra. Ảnh: Anh Văn. |
Cũng tại buổi giao ban báo chí, trả lời về 2 chiếc thuyền vẫn chưa di dời trên Hồ Tây, ông Hoàng khẳng định việc cưỡng chế mặt nền trên Hồ Tây, UBND quận đủ chức năng. Tuy nhiên, việc tàu thuyền di chuyển, không cố định thì lại thẩm quyền xử lý thuộc về thành phố.
Ông Hoàng cho biết thời gian qua, UBND quận đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhưng vẫn còn một doanh nghiệp có 2 thuyền không di chuyển thuyền vào khu Đầm bảy. Hà Nội đã giao cho Sở GTVT đề xuất phương án. Khi Sở có phương án, quận sẽ xử lý.