“TP HCM là nơi tập trung các bệnh viện lớn, bệnh viện tuyến cao nhất, nên người bị thương tích vì đánh nhau ở khắp các tỉnh thành đổ dồn về đây điều trị, chứ không hẳn tất cả các vụ đánh nhau gây thương tích đều xảy ra ở TP HCM, nên không có việc TP HCM dẫn đầu số người vào viện vì đánh nhau dịp lễ”.
Thượng tá Nguyễn Sỹ Quang, Trưởng phòng tham mưu, kiêm người phát ngôn công an TP HCM cho biết như trên tại buổi họp báo thông báo tình hình, kết quả công tác đảm bảo an ninh trật tự trong dịp lễ 30/4 vào sáng 4/5.
Theo báo cáo của công an thành phố, trong dịp lễ 30/4 tính từ ngày 28/4 đến ngày 2/5, TP HCM xảy ra 6 vụ cố ý gây thương tích dẫn đến 8 người bị thương, là một con số rất khác biệt so với 300 người bị thương nhập viên như có báo thông tin.
Thượng tá Nguyễn Sỹ Quang phát biểu tại buổi họp báo. |
Thượng tá Vũ Như Hà, Phó trưởng phòng tham mưu Công an TP HCM, cho biết thêm trong thời gian gần đây công an thành phố đã có nhiều cảnh báo về một số loại tội phạm có nguyên nhân từ mâu thuẫn trong gia đình, cuộc sống sinh hoạt. Thậm chí là nhiều vụ giết cả người thân thích, phân xác phi tang.
Đặc điểm của loại tội phạm này là từ thời điểm nảy sinh ý định đến khi phạm tội diễn biến nhanh, rất khó ngăn chặn. Thượng tá Hà ví dụ có nhiều trường hợp chỉ xuất phát từ mâu thuẫn nhỏ, có khi đang là bạn bè thân thiết nhưng trong cuộc nhậu cũng sẵn sàng đâm chém nhau dẫn đến tử vong, có nhiều học sinh trong các trường học còn thách thức, hẹn nhau trên Facebook để đánh nhau dẫn đến những sự việc đáng tiếc xảy ra…
“Sắp tới TP HCM sẽ thực hiện đề án đánh giá tội phạm do nguyên nhân mâu thuẫn xã hội, trong đó có sự góp mặt, tham gia của nhiều sở ban ngành. Để ngăn chặn tội phạm cố ý gây thương tích, giết người thân thích còn cần phải nâng cao giáo dục, và nhất là trong ý thức của bản thân mỗi người cần phải kiềm chế” – thượng tá Hà nói.