- Thưa thượng tướng, cha ông là nhà ngoại giao kỳ cựu Võ Văn Sung - Đại sứ đầu tiên của nước Việt Nam thống nhất tại Pháp. Tại sao thời trẻ ông không theo nghiệp ngoại giao mà chọn quân ngũ?
- Khi cha tôi đang là một trong 5 thành viên chính thức của đoàn Việt Nam tại lễ ký Hiệp định Paris năm 1973, tôi từng hỏi: “Con có nên theo nghiệp của ba không?”. Cha tôi nói, để trở thành nhà ngoại giao thực sự có đóng góp cho đất nước là công việc rất nghiêm túc chứ không phải để đi đến nước này nước kia.
Nhưng lúc đó tôi cũng có suy nghĩ rất đơn giản là sẽ tham gia quân đội, tham gia trực tiếp cho sự nghiệp giải phóng đất nước như thế hệ thanh niên lúc bấy giờ chứ không nghĩ mình sẽ lựa chọn nghề nghiệp nào.
Thượng tướng Võ Văn Tuấn, Phó tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam. Ảnh: TTXVN. |
- Con trai thượng tướng là phi công Võ Tuấn Dũng, cơ trưởng trẻ nhất của Việt Nam Airlines (2011) cũng không theo con đường binh nghiệp của cha?
- Tôi trưởng thành từ một người lính không quân và khi còn nhỏ con trai tôi - Võ Tuấn Dũng đã từng nhiều lần đến đơn vị của cha. Dũng đã tỏ ra rất yêu thích nghề bay.
Khi Dũng lớn lên, đất nước đã hòa bình nên việc con trai tôi trở thành một người lính lái máy bay chiến đấu để bảo vệ đất nước hay trở thành một cơ trưởng lái máy bay dân dụng để xây dựng đất nước cũng không khác nhau là mấy vì đó đều là nghề bay.
Còn nếu có lý do nào đó, con trai tôi cũng sẵn sàng trở thành phi công quân sự.
Cần trái tim nóng và cái đầu lạnh
- Thưa thượng tướng, những năm gần đây Quân đội Nhân dân Việt Nam được trang bị những vũ khí công nghệ cao nào? Khả năng tác chiến công nghệ cao của Quân đội Việt Nam ra sao?
- Khi khoa học công nghệ phát triển, vũ khí, khí tài là một trong những nhân tố hết sức quan trọng về công năng, sức hủy diệt… Vũ khí, khí tài càng mạnh càng trở thành điều kiện đảm bảo cho quốc phòng. Vũ khí công nghệ cao là vũ khí hiện đại khi thực hiện tấn công phi tiếp xúc ở cự ly xa hàng chục tới hàng trăm km, tác chiến không phải mặt đối mặt.
Hiện, công nghiệp quốc phòng của Việt Nam đã sản xuất được nhiều vũ khí khí tài hiện đại và có sự hợp tác, cải tiến nên khả năng chiến đấu của chúng ta rất tốt, đủ sức phòng thủ bảo vệ đất nước trong mọi tình huống.
Nhiệm kỳ vừa qua, Việt Nam đã ưu tiên hiện đại hóa cho 5 lực lượng: Quân chủng Hải quân; Phòng không Không quân; Trinh sát kỹ thuật; Tác chiến điện tử, và Thông tin liên lạc.
Quân đội Việt Nam không đi viễn chinh, không đi xâm lược. Chúng ta chỉ bảo vệ Tổ quốc nên giải quyết cuối cùng phải là trên đất liền. Do vậy, lực lượng lục quân cần phải được hiện đại hóa. Nhiệm kỳ này chúng ta tiếp tục ưu tiên năm lực lượng ấy và chú trọng ưu tiên hiện đại hóa lực lượng lục quân.
Tướng Võ Văn Tuấn đội mưa trong lễ Tổng duyệt diễu binh, diễu hành kỷ niệm 70 năm Quốc khánh, tối 29/8/2015. Ảnh: Lê Hiếu. |
- Mở rộng quan hệ đối ngoại và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế trên các lĩnh vực quốc phòng, an ninh là định hướng quan trọng trong xây dựng quân đội. Vậy công tác này được thực hiện ra sao?
- Đường lối đối ngoại quốc phòng của chúng ta cũng là một trong những yếu tố cấu thành đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước, nên cũng phải phù hợp. Tức là, chúng ta luôn đa phương, đa dạng các mối quan hệ và muốn làm bạn với tất cả các nước.
Chính sách đối ngoại quốc phòng của chúng ta là cùng với đối ngoại của Nhà nước, tạo ra sự ổn định cao nhất có thể cho đất nước, cho khu vực để phát triển kinh tế xã hội, cố gắng tối đa không để xảy ra xung đột vũ trang, không để xảy ra chiến tranh, không tạo ra những nguy cơ, làm giảm nguy cơ về xung đột. Đó là sự nhất quán của đối ngoại quốc phòng để đạt được môi trường tốt nhất để nhân dân xây dựng và phát triển đất nước.
Các chiến sĩ làm nhiệm vụ ở những vị trí nhạy cảm, dễ xảy ra "nóng mặt" như khu vực bảo vệ bùng biển, vùng trời, biên giới đất liền phải xác định: Với nhiệm vụ, với Tổ quốc, với đất nước là một trái tim nóng và một cái đầu lạnh.
Góp phần gìn giữ hòa bình quốc tế
- Năm 2014, hai sĩ quan Quân đội Nhân dân Việt Nam đã tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình quốc tế tại Nam Sudan. Sau hơn một năm, công tác này được đánh giá ra sao?
- Hiện, chúng ta có tổng cộng 7 sĩ quan đã và đang tham gia gìn giữ hòa bình tại Nam Sudan và Cộng hòa Trung Phi.
Cụ thể, Việt Nam đã cử, gia hạn và chuẩn bị nhân sự thay thế 2 cán bộ làm sĩ quan liên lạc tại phái bộ Nam Sudan; hoàn tất quy trình cử 3 cán bộ làm sĩ quan tham mưu quân sự tại Cộng hòa Trung Phi; đề xuất cử thêm 6 cá nhân tham gia phái bộ Liên Hợp Quốc; cử Tùy viên quân sự Việt Nam tại Liên Hợp Quốc.
Việt Nam cũng đã đăng ký vào hệ thống bố trí lực lượng thường trực của Liên Hợp Quốc (UNSAT) về việc sẵn sàng cử thêm các cá nhân, thành lập bệnh viện dã chiến cấp 2 và đội công binh tới các phái bộ phù hợp trong thời gian tới…
Hai sĩ quan liên lạc Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được lãnh đạo Liên Hợp Quốc và phái bộ Nam Sudan đánh giá cao và mong muốn Việt Nam tiếp tục cử những cán bộ có kỷ luật, năng lực, phẩm chất tốt như vậy để đến các phái bộ Liên Hợp Quốc; 1 người đã được thăng quân hàm trước thời hạn…
Trong chuyến thăm Việt Nam gần đây, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon đánh giá rất cao lực lượng gìn giữ hòa bình của Việt Nam nói chung và cá nhân các sĩ quan tham gia nhiệm vụ gìn giữ hòa bình nói riêng.
Các chiến sĩ hải quân đánh bộ trong lễ diễu binh kỷ niệm 70 năm Quốc khánh Việt Nam. Ảnh: Minh Hoàng. |
- Vậy, kế hoạch trong thời gian tới của Việt Nam ra sao?
- Năm 2016, chúng ta sẽ triển khai lực lượng bệnh viện đã chiến cấp hai và song song chuẩn bị lực lượng công binh để tham gia gìn giữ hòa bình khi có yêu cầu của LHQ ở những phái bộ phù hợp.
Đóng góp cho hòa bình, an ninh quốc tế cũng sẽ góp phần cho việc đảm bảo hòa bình, an ninh và phát triển của đất nước vì chúng ta có thêm những người bạn, những sự ủng hộ mạnh mẽ đối với sự nghiệp bảo vệ và xây dựng Tổ quốc.
Thượng tướng Võ Văn Tuấn vốn là phi công lái máy bay chiến đấu của quân chủng Phòng không -Không quân. Ông từng giữ nhiều trọng trách tại trung đoàn không quân 937, Sư đoàn không quân 370 và Quân chủng Phòng không -Không quân trước khi trở thành Phó tổng tham mưu trưởng QĐND Việt Nam năm 2011.
Ông được phong hàm thiếu tướng vào năm 2008, trung tướng năm 2011 và thượng tướng năm 2015.
Cha của thượng tướng Võ Văn Tuấn là nhà ngoại giao Võ Văn Sung, nguyên trợ lý bộ trưởng Ngoại giao, đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Pháp, Hà Lan, Bỉ, Luxemburg và Nhật Bản. Ông là một trong 5 thành viên chính thức của đoàn Việt Nam tại lễ ký Hiệp định Paris năm 1973.
Con trai tướng Tuấn là Võ Tuấn Dũng (29 tuổi) là cơ trưởng trẻ nhất của Hãng hàng không Việt Nam VNA vào năm 2011 - khi mới 25 tuổi. Vợ của Võ Tuấn Dũng là Trần Trang Nhung (28 tuổi) là cơ phó của VNA.