Tại cuộc gặp, hai bên đồng ý hợp tác giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị và nhân đạo đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng ở Myanmar. Tuy nhiên, chi tiết về việc hai bên sẽ đạt được mục tiêu trên như thế nào không được đưa ra, South China Morning Post đưa tin.
Ngoại trưởng Yoshimasa Hayashi hoan nghênh mối quan hệ bền chặt giữa Nhật Bản và Campuchia, sự hợp tác chặt chẽ của hai nước về tình hình Myanmar, cùng các vấn đề khu vực khác, Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho biết.
Ông Hun Manet phát biểu tại một sự kiện ở Phnom Penh, Campuchia vào tháng 6/2020. Ảnh: AP. |
Tháng trước, ông Hun Manet đã tháp tùng cha mình tới thủ đô Naypyidaw trong nỗ lực khôi phục hòa bình tại Myanmar. Đây là chuyến thăm đầu tiên của một nhà lãnh đạo nước ngoài đến Myanmar kể từ khi đảo chính xảy ra.
Ngoại trưởng Hayashi cũng cho biết Nhật Bản hy vọng sẽ hợp tác với Campuchia để đạt được một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương mở và tự do.
Các chuyên gia cho biết Nhật Bản muốn duy trì quan hệ hữu nghị với Campuchia để kiềm chế ảnh hưởng đang ngày càng gia tăng của Trung Quốc trong khu vực.
Ông Hun Manet thăm Tokyo lần gần nhất vào năm 2018, lúc đó ông đã có cuộc hội đàm với thủ tướng Nhật Bản lúc bấy giờ, ông Shinzo Abe.
Thủ tướng Hun Sen, người đã nắm quyền 36 năm ở Campuchia, cho biết ông dự định tại vị cho đến năm 2028, và muốn ông Hun Manet kế nhiệm ông thông qua bầu cử.
Hun Manet đang là phó tư lệnh Lực lượng Vũ trang Hoàng gia Campuchia (RCAF) và tham mưu trưởng liên quân. Ông tốt nghiệp Học viện Quân sự West Point tại Mỹ năm 1999.
Campuchia là nước chủ tịch của ASEAN trong năm nay và sẽ tổ chức cuộc họp ngoại trưởng tại Siem Reap vào ngày 17/2. ASEAN chỉ chấp nhận một đại diện phi chính trị từ Myanmar tham dự cuộc họp. Đáp lại, chính quyền quân sự tuyên bố sẽ không cử đại diện tham dự Hội nghị thượng đỉnh ASEAN sắp tới.