Con trai Roman Abramovich - Triệu phú tuổi teen
Dầu mỏ và nguồn khí đốt vô tận ở nước Nga đã giúp cho Roman Abramovich bước vào hàng “phú gia địch quốc”. Giờ đây, quý tử Arkadiy tuy mới 17 tuổi nhưng cũng đã bước đi trên con đường của cha mình.
Cha nào
Ngày 17/02/2011 vừa qua, đúng vào thời điểm Roman Abramovich lần đầu tiên khoe khối tài sản kếch xù lên tới 11 tỉ bảng của mình, thì ông Mikhail Gorbachev lại “tấn công” ông chủ Chelsea. Theo quan điểm của nhân vật nổi tiếng với chính sách “Cải tổ” năm 1986 của Nhà nước Xô-Viết, Abramovich là một kẻ cơ hội, có những hoạt động mờ ám về kinh tế tại Nga cũng như các nước thuộc Liên bang Xô-Viết trước đây. Ông Mikhail Gorbachev nhấn mạnh: “Tôi cảm thấy xấu hổ vì nước Nga có một tỉ phú như Abramovich. Ông Abramovich là biểu tượng của sự hổ thẹn”.
Nhưng nói gì thì nói, ông chủ Chelsea vẫn phải cảm ơn “đồng chí Gốp-ba-chốp”, bởi chính sách “Cải tổ”, cho phép các doanh nghiệp tư nhân vừa và nhỏ hoạt động của cựu Tổng bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô năm xưa chính là tiền đề giúp doanh nhân Roman Abramovich trở thành “phú gia địch quốc” như ngày nay. Nước Nga những năm 1990, nhờ mối quan hệ cực tốt với cựu Tổng thống Boris Yeltsin, Roman Abramovich phất lên như diều gặp gió, khi tài sản trong “Chương trình tư nhân hóa các công ty Nhà nước” được ông chủ Chelsea mua với những cái giá… “rẻ như bèo”.
Abramovich và cô bồ Zhukova (trái) trên sân Stamford Bridge |
Tuy nhiên, thời cực thịnh của Roman Abramovich bắt đầu vào giữa những năm 1990, khi ông tung tiền sở hữu phần lớn cổ phần trong Sibneft - công ty dầu mỏ lớn ở Nga và thâu tóm RUSAL - công ty nhôm lớn thứ 2 thế giới. Năm 2006, ông chủ Chelsea chuyển hướng sang thép và mua 40% cổ phần của công ty thép lớn nhất thế giới Evraz, sau khi đã bán toàn bộ cổ phần trong các công ty dầu và nhôm của mình.
Con nấy
Ông Roman Abramovich có một cậu con trai lớn mang tên Arkadiy Abramovich. Dù mới 17 tuổi, nhưng quý tử nhà Abramovich đã bộc lộ tố chất kinh doanh nhạy bén chẳng kém gì ông bố nổi tiếng của mình. Chẳng thế mà, tuy đang học kinh doanh tại Mỹ, nhưng Arkadiy đã sở hữu công ty ARA Capital Ltd. Đầu tháng 4 vừa qua, Arkadiy còn bỏ ra 3 triệu bảng để mua lại 26% cổ phần của công ty Zoltav Resources Inc, một công ty niêm yết trên TTCK London.
Roman Abramovich bỏ dầu mỏ ở Nga để dốc toàn lực vào thép. Còn Arkadiy, cậu quý tử này muốn đi theo bước chân của cha mình, ấy là bắt đầu làm giàu từ nguồn dầu mỏ và khí đốt. Theo nguồn tin từ Bloomberg, Arkadiy đã bắt đầu “thăm dò” dầu mỏ và khí đốt tại Nga cũng như các quốc gia thuộc Liên bang Xô Viết cũ. Nhiều khả năng, quý tử nhà Abramovich sẽ đạt được những hợp đồng béo bở về dầu mỏ vào đầu năm tới.
Roman Abramovich bắt đầu lao vào thương trường vào khoảng 20 tuổi với 2 bàn tay trắng. Còn Abramovich “con”, ở cái tuổi 17, liệu anh có thành công? Với sự đỡ đầu của ông bố nổi tiếng, giàu có và lọc lõi, các chuyên gia cho rằng, Abramovich “con” sớm muộn gì cũng trở thành một ông Vua dầu mỏ mới tại xứ sở Bạch dương.
Abramovich và con trai Arkadiy |
Và bóng đá?
Cũng giống như Roman Abramovich, Arkadiy yêu bóng đá và sớm có ý thức muốn dùng môn thể thao Vua để đánh bóng thương hiệu của mình trong kinh doanh. Vậy nên năm ngoái, cả làng bóng đá mới phát hoảng khi Abramovich “con” - một cậu nhóc 16 tuổi đánh tiếng muốn mua lại Copenhagen, đội bóng giàu truyền thống nhất Đan Mạch.
Người hâm mộ Copenhagen không quan tâm đến tuổi tác của Abramovich “con”, họ hi vọng, Copenhagen sẽ “lột xác” nhờ nguồn đầu tư vô tận của nhà Abramovich. Tuy nhiên, kế hoạch thâu tóm đội bóng nổi tiếng nhất Đan Mạch của Arkadiy đã bị phá sản bởi sự phản đối dữ dội từ UEFA. Các quan chức UEFA cho rằng, Abramovich “bố” đang “lách luật” để sở hữu tới 2 đội bóng tại sân chơi Champions League. Trong trường hợp Chelsea của Abramovich “bố” và Copenhagen của Abramovich “con” gặp nhau tại Champions League, thì ai biết được… bố con nhà này không dàn xếp tỉ số?.
Thất bại trong việc sở hữu Copenhagen, nhưng Arkadiy vẫn không từ bỏ tham vọng trở thành một ông chủ bóng đá oai vệ như bố. Một số nguồn tin từ Nga đồn thổi, Abramovich “con” còn đang cân nhắc đến khả năng mua đứt một đội bóng tại Premier League, nhưng không phải để chơi, mà là… làm bóng đá.
Theo Sỹ Đoan (Thể thao 24h)