Khi rời khỏi khu cách ly khách sạn ở Hong Kong vào ngày 13/7, Joel John Roberts (60 tuổi) chính thức được đoàn tụ với mẹ ruột, người ông đã xa cách từ khi mới 2 tuần tuổi, theo South China Morning Post.
“Đó là một chuyến đi đầy cảm xúc, có rất nhiều nước mắt, và cả thức ăn nữa", Roberts kể.
Trong thời gian ông cách ly tại khách sạn, mỗi ngày, người mẹ hiện 80 tuổi, đều gửi thức ăn đến, khi thì bánh quy, bánh ngọt, khi thì rượu, bánh mì.
“Bà ấy nói: 'Mẹ chưa bao giờ có thể nấu hay mua đồ ăn cho con'. Vì vậy, bà muốn bù đắp cho tôi khoảng thời gian đã qua".
Joel John Roberts đoàn tụ mẹ ruột sau 60 năm. |
Biết con trai lớn lên ở Mỹ, người mẹ thường gửi đồ ăn nhanh cho Roberts. Bà cũng hỏi ông có muốn ăn cơm nấu với bơ không, giống như cách Jean, mẹ nuôi ông, đã làm khi bắt đầu nuôi dưỡng cậu bé châu Á ở Long Beach, California.
"Mẹ nuôi đã làm nó cho tôi mỗi sáng vì bà lo tôi sẽ quên mất cội nguồn của mình. Tôi biết bà ấy mong có ngày tôi tìm về quê hương". Bà Jean qua đời năm 2015.
Cuộc đoàn tụ sau hơn nửa thế kỷ
Năm 1961, mẹ ruột của Roberts lúc đó mới 20 tuổi, chưa lập gia đình sinh khi ra ông.
“Hồi đó, một cô gái sẽ phải chịu nhiều sự kỳ thị nếu mang thai mà chưa kết hôn".
Vì hoàn cảnh, mẹ Roberts phải gửi tạm con trai cho một cặp vợ chồng ở Mong Kok chăm sóc. Khi bà mẹ trẻ không quay lại đón, Roberts được chuyển đến Fanling Babies Home, một trại trẻ mồ côi ở New Territories.
Khi ông được hai tuổi rưỡi, gia đình hiện tại đã nhận nuôi Roberts và đưa ông đến bang California sinh sống cùng 4 đứa con khác. Ông là một trong số nhiều đứa trẻ sinh ra ở Hong Kong vào những năm 50, 60, được các gia đình phương Tây nhận nuôi và đưa đến các nước như Anh, Canada và Mỹ.
Roberts có cuộc sống êm đềm bên gia đình mới ở Mỹ. |
Cha nuôi Roberts, đã qua đời, là giáo sư vật lý thông thạo tiếng Trung. Ông sinh ra ở tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc. Sau khi tốt nghiệp đại học, Roberts trở lại Hong Kong để dạy tiếng Anh tại một trại tị nạn.
Năm 2016, sau khi đọc một bài báo trên South China Morning Post về việc những người Hong Kong được nhận nuôi từ nhỏ quay lại quê hương tìm người thân, Roberts quyết định tìm hiểu thêm về thân thế của mình.
Cùng năm đó, ông trở về Hong Kong. Tuy nhiên, chuyện tìm lại cha mẹ ruột không hề đơn giản khi có các quy định liên quan đến việc bảo mật danh tính người cho, nhận con nuôi.
Cuối cùng, ông cũng tìm được một số chi tiết quan trọng. Theo đó, tên ban đầu của Roberts là Frank Brown, hay Pak Fat-lan trong tiếng Trung Quốc, cho thấy khả năng ông là con lai Âu - Á và cái tên này được người cha phương Tây đặt.
Nghi ngờ khả năng này, Roberts gửi mẫu DNA tới 23andMe, một dịch vụ xét nghiệm di truyền có trụ sở tại California. Bài kiểm tra đã chứng minh giả thiết này là đúng.
Người đàn ông 60 tuổi đoàn tụ mẹ ruột sau hành trình tìm kiếm. |
Vào tháng 1/2020, một phụ nữ ở Hong Kong, có 4,9% có quan hệ họ hàng với Roberts, đã liên hệ ông thông qua một trang web: "Roberts, tôi nghĩ mẹ anh là người trong gia đình tôi". Và đó là sự thật.
Tháng 3/2020, Roberts chuẩn bị đến Hong Kong thăm mẹ ruột thì đại dịch Covid-19 bùng phát nên đành hoãn lại. Ông trò chuyện trước với mẹ qua điện thoại vào chủ nhật hàng tuần.
Vừa qua, khi thời gian cách ly tại khách sạn ở Hong Kong giảm từ 3 tuần xuống còn 2 tuần, ông nhanh chóng đặt chuyến bay. Trong thời gian cách ly, ông hoàn thành cuốn sách có tên "I'm Home" (tạm dịch: Con đã về nhà), kể về trải nghiệm được nhận nuôi và công việc hỗ trợ người vô gia cư.
Sau khoảng thời gian đoàn tụ ấm cúng bên gia đình, Roberts trở về Mỹ vào ngày 20/7. Sau chuyến đi, ông bắt đầu làm quen với những thành viên mới trong gia đình.
“Đột nhiên tôi có một người chú ở Vancouver, một cháu gái ở Singapore và họ hàng ở Australia, Anh... thật không thể tin được. Tôi đã ăn tối với vài người anh em họ và họ cho tôi xem cuốn sách ghi chép lại lịch sử gia đình trong 23 thế hệ. Thật tuyệt".