Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

VOICES

Con tôm hùm khiến bộ trưởng Pháp từ chức đã 'sống' hàng trăm năm nay

Cú ngã của bộ trưởng Pháp vì bữa tối sang trọng không đơn thuần là sự cố vì sử dụng ngân sách sai mục đích. Nó còn là gì nữa?

bo truong Phap mat chuc vi an tom hum anh 1

Con tôm hùm khiến bộ trưởng Pháp từ chức đã 'sống' hàng trăm năm nay

Cú ngã của bộ trưởng Pháp vì bữa tối sang trọng không đơn thuần là sự cố sử dụng ngân sách sai mục đích. Nó còn là gì nữa?

bo truong Phap mat chuc vi an tom hum anh 2

bo truong Phap mat chuc vi an tom hum anh 3

Louis Raymond

Nhà báo

Louis Raymond là nhà báo người Pháp gốc Việt, hiện sinh sống và làm việc tại Nantes. Sau khi tốt nghiệp École normale supérieure de Lyon, Raymond sang làm việc ở Việt Nam trong vài năm. Anh từng công tác tại Tổng Lãnh sự quán Pháp ở TP.HCM

Cận vệ và lính gác đeo găng tay màu trắng. Bàn ăn dọn đầy món ngon. Rượu quý được mang lên từ hầm.

Đó là bối cảnh quen thuộc mỗi khi các bộ trưởng Pháp, cũng như một số viên chức cấp cao nước này, tiếp khách quý trong các cung điện nguy nga. Những tư dinh xây từ thế kỷ 16, 17 và 18 - di sản của nền kiến trúc giàu truyền thống - là nơi họ vẫn sống và làm việc. 

Đó cũng là một truyền thống đã có từ rất lâu. Nó còn hơn cả sang trọng, đó là sự xa xỉ. 

Cú ngã của Bộ trưởng Môi trường Pháp François de Rugy vì bữa tối sang trọng - bao gồm rượu vang và tôm hùm đắt tiền - mà ông đã tổ chức khi còn làm chủ tịch Quốc hội không đơn thuần là sự cố sử dụng ngân sách sai mục đích.

Nó đặt vấn đề về cả cách công chúng nhìn nhận, đòi hỏi ở một chính trị gia trong những nền dân chủ hiện đại vẫn mang dáng dấp của các triều đại chuyên chế. Trong trường hợp này là chế độ quân chủ tuyệt đối tồn tại trước Cách mạng Pháp.

Từ tuổi trẻ đầy hoài bão đến cú ngã chính trị

François de Rugy sinh ra tại Nantes năm 1973. Ông tốt nghiệp Viện Paris về Nghiên cứu Chính trị. Năm 1991, khi 18 tuổi, ông là một người ủng hộ Đảng Xanh.

Vào thời điểm đó, biến đổi khí hậu và các vấn đề môi trường hầu như không có chỗ đứng trong chương trình nghị sự và các nhà sinh thái học bị đẩy ra bên lề đời sống chính trị nước Pháp. Nhưng chàng trai trẻ tuổi tài năng và tham vọng Rugy lại lập danh được trong chính trường địa phương. Ông trở thành nghị sĩ lần đầu tiên vào năm 2007, ở tuổi 34.

Điều gây sốc là sự việc này diễn ra ngay sau một cuộc khủng hoảng kinh tế và xã hội kéo dài. Trong nhiều năm liền, các chính trị gia Pháp đã đòi hỏi người dân phải “thắt lưng buộc bụng”.

Không lâu sau khi đến Paris, ông Rugy nỗ lực mở rộng mạng lưới quan hệ của mình, tìm kiếm những cơ hội mới. Năm 2012, ông ủng hộ ứng viên tổng thống của đảng Xã hội, François Hollande. Nhưng chính phủ của Tổng thống Hollande sau đó lại không có chỗ cho ông Rugy.

Năm 2015, ông rời đảng Xanh (tên hiện tại là liên đảng Châu Âu Sinh Thái - Đảng Xanh) rồi tham gia vào cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Xã hội để chọn ra ứng viên tổng thống cho cuộc bầu cử năm 2017, nhưng ông thua Benoit Hamon.

Sau đó, ông dành sự tiến cử cho Emmanuel Macron. Sau khi ông Macron đắc cử tổng thống, ông Rugy được bổ nhiệm chủ tịch Quốc hội, rồi bộ trưởng Môi trường vào tháng 9/2018.

Tuần trước, trang tin cánh tả Mediapart tiết lộ rằng ông Rugy đã đứng ra tổ chức một vài “bữa tiệc thượng lưu” với tôm hùm và rượu vang đến 500 euro/chai. Mediapart nhấn mạnh rằng những buổi tiệc này được tổ chức bằng tiền thuế của dân, diễn ra từ giữa tháng 10/2017 đến tháng 6/2018, trong thời gian ông Rugy làm chủ tịch Quốc hội. Những chai rượu đó được lấy từ hầm của Quốc hội.

Điều gây sốc là sự việc này diễn ra ngay sau một cuộc khủng hoảng kinh tế và xã hội kéo dài. Trong nhiều năm liền, các chính trị gia Pháp đã đòi hỏi người dân “nỗ lực nhiều hơn”, “thắt lưng buộc bụng” bởi vì, theo họ, đất nước không còn tiền cho các chính sách phúc lợi nữa.

Tổng thống Macron còn cao ngạo tuyên bố vào tháng 6/2018 rằng phúc lợi làm “tốn tiền khủng khiếp”. Và lúc này đây, chính phủ Pháp vẫn đang vật vã tìm cách giải quyết phong trào “Áo khoác Vàng” - sự bất mãn với gốc rễ sâu xa bắt nguồn từ tình trạng xã hội của đất nước và khoảng cách giữa giới tinh hoa với người dân thường.

Ông Rugy trở thành con dê tế thần. Cú ngã ngựa chính trị là cái giá ông phải gánh cho cả một hệ thống vốn đã tồn tại từ lâu.

Chúng ta phải nhìn rộng hơn trong vụ này.

Rugy không bị ép phải từ chức vì ông ngồi ăn tôm hùm với những nhân vật tinh hoa. Mỗi chính trị gia giữ vị trí cao trong chính phủ Pháp (cả Mỹ và nhiều nước khác nữa) được cấp ngân sách để mời những người họ làm việc cùng đến ăn trưa hay dùng bữa tối.

Đó là một loại “tham nhũng xám” (grey corruption - dạng tham nhũng xảy ra trong thực tế nhưng rất khó nhận biết) vẫn luôn hiện hữu trong các nền dân chủ hiện đại: Những người có ảnh hưởng ăn tối cùng nhau, thiết lập quan hệ, tạo điều kiện cho các hợp tác trong công việc về sau.

Đôi khi các bữa ăn diễn ra trong nhà hàng đơn giản và hóa đơn không quá 100 USD. Nhưng vị trí càng cao, nhu cầu phải gây ấn tượng với các vị khách của mình càng lớn.

Ông Rugy trở thành con dê tế thần. Cú ngã ngựa chính trị là cái giá ông phải gánh cho cả một hệ thống vốn đã tồn tại từ lâu.

Khi quyền lực được gói trong xa xỉ và ảo ảnh

Dưới chế độ cũ, các vị vua khiến người dân tin rằng họ có quyền phép, như năng lực chữa trị vết thương. Quyền lực thật sự không phải là sự cưỡng bức, đó là một ảo tưởng.

Họ làm dân chúng tin rằng quyền hành của mình là điều tự nhiên, trong các chế độ quân chủ tuyệt đối, và do Chúa ban xuống. Họ tạo ra hình ảnh, một sự đại diện cho quyền lực của mình rồi gieo rắc nó vào dân chúng.

Đó là thời đại không có truyền thông đại chúng, không truyền hình, không Internet, nên họ dùng nghệ thuật để gieo rắc các hình ảnh đó. Thảm trong các lâu đài, bích họa và tượng tạc trong nhà thờ và thánh đường đều là những câu chuyện kể.

Patrick Boucheron, một trong những sử gia nổi tiếng nhất nước Pháp hiện nay, đang nghiên cứu về các “ảo tưởng chính trị” đã tạo ra quyền lực tại châu Âu thời Trung Cổ thông qua các tác phẩm mang tính tiên phong của một sử gia khác Louis Marin (1931-1992).

Chuyện này thì liên quan gì đến sự sụp đổ của ông Rugy? Sự sụp đổ đó mang thông điệp gì?

Bộ trưởng Môi trường và cựu chủ tịch Quốc hội Pháp là người có địa vị, nhưng hình ảnh ông lại hoen ố trong mắt công chúng. Rugy đã mất đi nhiều người bạn trên đường thăng tiến và bị nhiều người xem là “kẻ phản bội” lại lý tưởng của mình, những lý tưởng đã đưa ông bước vào con đường chính trị.

Người thanh niên đã chọn tranh đấu cho môi trường vào tuổi 18 để rồi về sau chỉ là “một-chính-trị-gia-nữa-khao-khát-quyền-lực” trong mắt công chúng. Rugy nhận thức được điều này và bằng sự giúp đỡ của vợ mình là nhà báo Séverine, ông đã cố gắng thay đổi ấn tượng đó.

Khách khứa hầu hết là các nhà báo và nhân vật quyền lực từ xã hội dân sự.

Rugy đã ăn tôm hùm và uống rượu với ai? Khách khứa hầu hết là các nhà báo và nhân vật quyền lực. Bằng cách mời họ đến bữa tiệc bên dưới trần dát vàng của cung điện, ông muốn gây ấn tượng với họ, làm thân với họ nhằm đánh bóng hình ảnh trên truyền thông.

Rugy muốn tạo dựng ảnh hưởng, ông muốn những con tôm hùm sẽ biến thành bài báo ngợi ca. Ông muốn hình ảnh mình trên truyền thông sẽ là một chính khách thực thụ, một con người của quyền lực. Ông muốn hình ảnh mình thay đổi trước công chúng, rồi có lẽ một ngày ông có thể trở thành tổng thống.

Cũng như những các vị vua và lãnh chúa của chế độ cũ, ông muốn tô vẽ một “ảo tưởng chính trị” quanh tên tuổi của mình, nên ông sử dụng những công cụ sẵn có để làm thế.

Chúng ta có thể xem chiêu thức này rất tầm thường, nhưng chúng lại thường hiệu quả.

Các nhà báo Pháp đáng ra nên độc lập với quyền lực. Họ đáng ra phải cung cấp cho công chúng các thông tin thiết thực và quan trọng. Thế nhưng, có những nhà báo đã làm những việc trái đạo đức nghề nghiệp. Vì sao? Đôi khi do tha hoá, hoặc vì tờ báo họ làm việc lại thuộc về một tài phiệt - mà vị tài phiệt này lại vô tình trở thành bè bạn của chính trị gia.

Bài học duy nhất chúng ta có từ sự sụp đổ của François de Rugy là người Pháp, sau phong trào “Áo khoác Vàng”, đang đòi hỏi cao hơn nhiều từ những người đại diện chính trị của họ.

Đó là một điều đáng buồn, nhưng không may lại phổ biến, cả trong chính giới lẫn thương trường. Tên của nó là chiến lược quan hệ công chúng.

Vấn đề của Rugy là ông bị bắt quả tang khi đang thực hiện những quy luật của cuộc chơi. Chính trị gia ngày nay, tương tự vua chúa chế độ cũ, không khác gì ảo thuật gia. Khi chiêu trò bại lộ, họ đánh mất tất cả uy tín và tính chính danh.

Bài học duy nhất chúng ta có từ sự sụp đổ của François de Rugy là người Pháp, sau phong trào “Áo khoác Vàng”, đang đòi hỏi cao hơn nhiều từ những chính khách mình bầu lên.

Họ trông đợi có những chính trị gia không tì vết, về phương diện pháp lý lẫn luân lý. Thế nhưng, liệu điều đó có khả dĩ ở một đất nước mà sự đại diện quyền lực được kế thừa một phần truyền thống của chế độ cũ? Nước Pháp, dù là nền dân chủ, vẫn có rất nhiều tàn dư phong kiến.

Tại sao chúng ta lại cho rằng quyền lực phải được gói trong sự xa xỉ và ảo ảnh? Biết đâu nếu ông Rugy không có rượu miễn phí chờ trong hầm của cung điện và không có đầu bếp chuyên nghiệp nấu riêng món tôm hùm, ông có thể tạo dựng ảnh hưởng bằng các hành động chính trị thực thụ?

Con đường để những nền dân chủ phương Tây sạch bóng các chính trị gia như François de Rugy vẫn sẽ còn rất xa.

Louis Raymond

Illustration: Nhân Lê
Biên dịch: Phương Thảo

Bạn có thể quan tâm