Sách Con thiêng của rừng. Ảnh: NXB Trẻ. |
Con thiêng của rừng được nhà văn Trung Trung Đỉnh lấy cảm hứng từ những nhân vật có thật trên phông nền là một giai đoạn lịch sử đặc biệt của dân tộc. Nhân vật chính của cuốn sách - chú bé Siêu Dơng - là người con đặc biệt của núi rừng Tây Nguyên.
Nửa đầu tác phẩm tập trung kể chuyện Siêu Dơng và bà con buôn làng bị đày đọa bởi cha con tri phủ Môr và đám tay sai của quân Pháp. Siêu Dơng liên tiếp mất đi những người thân xung quanh: cha, mẹ, vợ, con... Giữa những tăm tối đó, anh thanh niên người Ba Na Siêu Dơng đã được giác ngộ Cách Mạng và bước đi trên con đường mới, trở thành họa sĩ Xu Man sau này.
Nửa sau câu chuyện, người thanh niên lại tiếp tục trải qua cuộc đấu tranh nội tâm: vừa khao khát lập tức cầm súng đánh giặc; vừa canh cánh nhiệm vụ đi học trường mỹ thuật để sau này phục vụ đời sống tinh thần của bà con và chiến sĩ.
Họa sĩ Xu Man sinh năm 1925 tại thị trấn An Khê. Suốt thời niên thiếu, ông phải làm tôi tớ để trả nợ cho chủ. Đến tuổi thanh niên, ông từng bí mật giúp đỡ cách mạng rồi gia nhập lực lượng quân đội ngay tại Gia Lai. Đến năm 1954, ông được tập kết ra Bắc và cử đi học văn hóa. Năm 1974, ông hoàn thành chương trình đại học và trở về quê hương tiếp tục công tác. Năm 1983, ông về hưu, trở lại làng Bông quê hương sống những ngày cuối đời và qua đời năm 2007.
Trong suốt cuộc đời, ông được giao làm nhiều công việc khác nhau và luôn hoàn thành nhiệm vụ. Dù bận bịu, họa sĩ Xu Man vẫn luôn dành thời gian cho đam mê hội họa.
Chủ đề lớn trong các tác phẩm của ông là tấm lòng người dân Tây Nguyên đối với Bác Hồ. Những bức tranh vẽ xong, họa sĩ Xu Man không giữ lại hay rao bán mà đem tặng cho bạn bè, cho nhân dân. Tới nay, tranh của ông đã chu du khắp Việt Nam. Một số tác phẩm được lưu giữ trong 2 bảo tàng mỹ thuật lớn tại Hà Nội và TP.HCM.
Nhà văn Trung Trung Đỉnh đã có cơ duyên gặp gỡ họa sĩ Xu Man và hai người sớm trở thành đôi bạn tâm giao qua những đêm truyện trò bên rượu cần bếp lửa. Những tâm sự của người họa sĩ về quá khứ đời mình thôi thúc nhà văn đặt bút.
Vì lẽ đó, Con thiêng của rừng không chỉ là cuốn sách đầu tiên viết về cuộc đời người nghệ sĩ lớn của dân tộc Ba Na được giới văn học nghệ thuật đương đại của Tây Nguyên gọi là “con thiêng của rừng”, mà còn là kết tinh của một tình bạn giản dị đơn sơ mà bền chặt.
Tuổi trẻ sóng gió của họa sĩ Xu Man gắn liền với một giai đoạn đau thương của người dân Ba Na, đồng bào Tây Nguyên và toàn đất nước Việt Nam. Trung Trung Đỉnh đã đi sâu nghiên cứu và tìm hiểu về nét văn hóa và phong tục tập quán của đồng bào Ba Na và các dân tộc Tây Nguyên. Do đó, Con thiêng của rừng hé mở trước mắt độc giả cánh cửa để tìm hiểu về văn hóa và lịch sử phát triển của các cộng đồng dân tộc Tây Nguyên.
Lửa trong bếp lửa nhà sàn nuôi lớn những tâm hồn và làm nên vẻ đẹp lung linh của lịch sử các tộc người, bởi vì tiền sử nối tiếp tiền sử thành ra lịch sử. Và chúng ta “nuôi lửa” trong lòng bởi chúng ta hiểu rằng, tương lai cũng tham gia vào dòng lịch sử thiêng liêng.
Nhà văn Trung Trung Đỉnh
Trong lời mở đầu sách, nhà văn Trung Trung Đỉnh gọi họa sĩ Xu Man là “đốm lửa trong rừng, một người nghệ sĩ được ngôi làng rừng của người Ba Na Tây Nguyên nuôi dưỡng từ thuở lọt lòng, giống bếp lửa trong ngôi nhà sàn được truyền từ đời này sang đời khác, giống một bài hát kể, kể về ngọn lửa và cuộc sống của dân làng”.
Tác giả Trung Trung Đỉnh sinh ngày 21/9/1949, nguyên quán Hải Phòng. Ông từng đoạt Giải A cuộc thi tiểu thuyết của Hội Nhà văn Việt Nam (1998-2000) với tiểu thuyết Lạc rừng. Năm 2000, tiểu thuyết Lính trận của ông được trao Giải thưởng Hội Nhà Văn Việt Nam. Năm 2007, ông được trao Giải thưởng Nhà nước về Văn học và Nghệ thuật. Năm 2012, tác phẩm Lính trận tiếp tục mang về cho nhà văn Trung Trung Đỉnh Giải thưởng văn học ASEAN.
Đọc được sách hay, hãy gửi review cho Tri Thức - Znews
Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. Tri Thức - Znews mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@znews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.
Trân trọng