Theo Sixth Tone, Dalei là một vlogger người Trung Quốc. Anh thường xuyên tìm hiểu về các ngành kinh doanh nhỏ có mức lãi cao, và luyện vàng là “đối tượng” mới nhất gần đây.
Trong một vlog của mình, Dalei đã mua khoảng 50 chiếc điện thoại cũ với giá 50 nhân dân tệ (21 USD), sau đó tháo bộ mạch xử lý của nó ra và làm các thí nghiệm để luyện vàng. Kết quả là sau 3 tiếng, Dalei đã thu lại được lượng vàng khoảng 0,5 gram và bán lại cho tiệm vàng với giá gần 200 tệ, gấp 4 lần ban đầu.
Vlog này sau đó đã trở nên phổ biến trên khắp các trang mạng xã hội tại Trung Quốc. Một loạt khóa học và các dụng cụ luyện vàng cũng được rao bán trên các trang thương mại điện tử. Xu hướng "khai thác vàng tại nhà" chính thức lan rộng trên khắp cả nước và được rất nhiều vlogger khác làm theo.
Cơn sốt "luyện vàng" đang trở nên rầm rộ tại Trung Quốc. Ảnh: Getty Images. |
Nghề truyền thống "hái ra tiền"
Theo Dalei, cảm hứng làm video luyện vàng của anh bắt nguồn từ một câu chuyện về 2 anh em ở Cáp Nhĩ Tân làm công việc này để kiếm sống. Họ cùng nhau mở một xưởng nhỏ để "tinh luyện" phế thải và đã kiếm được tới hơn 400.000 nhân dân tệ/năm.
Nhận xét về điều này, ông Xu Zhenming - giáo sư Khoa học và Kỹ thuật Môi trường tại Đại học Giao thông Thượng Hải - cho biết hầu hết thiết bị điện tử thường chứa các kim loại quý và có độ tinh khiết cao như vàng, bạc hay bạch kim.
Để chứng minh, ông đã đưa ra một báo cáo về thí nghiệm tinh chế 1 tấn máy tính cũ thành 1.000 gram bạc, 150 gram đồng và gần 2.000 gam kim loại hiếm khác vào năm 2014. Một tấn điện thoại đã qua sử dụng sau khi tinh chế cũng cho kết quả tương tự.
Ngoài ra, huy chương Olympics Tokyo 2021 cũng được làm từ kim loại quý tinh chế từ những phế liệu điện tử. Được biết, ban tổ chức Olympics Tokyo đã tái chế 79.000 tấn chất thải điện tử vào năm 2017 và thu được khoảng 32 kg vàng, 3.500 kg bạc và 2.200 kg đồng.
Trên thực tế, ngành "rửa vàng" ở Trung Quốc đã có từ lâu.Thị trấn Guiyu thuộc tỉnh Quảng Đông chính là cái nôi của nghề này. Nơi đây là “kho phế liệu điện tử” lớn nhất thế giới, và từ đầu thế kỷ XX, người dân địa phương này đã đi khắp nơi để mua bán phế liệu kim loại. Đến những năm 1980, nghề tái chế rác điện tử đã trở thành ngành công nghiệp chủ chốt tại đây.
Vào khoảng những năm 2010, mỗi xưởng gia đình nhỏ khoảng 4 người làm ở Guiyu có thể kiếm được tới hơn 1 triệu nhân dân tệ/năm (tương đương 150.000 USD), trong khi cả làng có khoảng 100.000 người làm việc. Nghề "rửa vàng" đã mang lại một nguồn thu lớn đối với thị trấn Guiyu.
Các video hướng dẫn luyện vàng tại nhà trên Bilibili - nền tảng chia sẻ video lớn nhất Trung Quốc. Ảnh: Sixth Tone. |
Những nguy hại tiềm ẩn
Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, việc "rửa vàng" và xử lý chất thải điện tử không phức tạp về mặt kỹ thuật nhưng lại gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Ví dụ, ở Guiyu, đa phần các xưởng gia đình sẽ tinh chế vàng bằng phương pháp thô sơ như đốt hay sử dụng axit. Sau đó, họ sẽ thải chất độc hại ra môi trường xung quanh, dần dần kim loại nặng dư thừa sẽ tích tụ trong nước và đất ở nơi đó. Điều này khiến nhiều người dân địa phương lựa chọn chuyển đi nơi khác sau khi giàu lên nhờ nghề này.
Hiện tại, chính quyền địa phương đã đưa ra những nỗ lực toàn diện nhằm khắc phục tình trạng ô nhiễm và tìm hiểu một số lựa chọn để hiện đại hóa ngành luyện vàng.
Vào tháng 1/2011, Trung Quốc đã ban hành một “Quy định về Quản lý thu hồi và Xử lý chất thải điện và sản phẩm điện tử” để ngăn chặn tình trạng ô nhiễm môi trường. Guiyu cũng cấm hoạt động buôn bán chất thải điện tử. Kể từ tháng 1/2021, Trung Quốc đã cấm toàn bộ hoạt động nhập khẩu chất thải rắn.
Tuy nhiên, sau khi video của Dalei nổi tiếng, nhiều người vẫn bất chấp đi mua phế thải điện tử để tiến hành thí nghiệm. Bản thân Dalei cũng đề cập đến việc những người làm video khác thường bỏ qua đoạn xả phế phẩm sau khi luyện vàng.
"Dù số lượng rất ít nhưng việc tinh chế vàng tại nhà nhìn chung vẫn là bất hợp pháp do gây ô nhiễm nên hãy mang phế phẩm đến chính quyền địa phương để xử lý", anh cho biết.
Một góc trong "đống" rác thải điện tử ở Guiyu vào năm 2016. Ảnh: Sixth Tone. |
Theo Dalei, 2 anh em ở Cáp Nhĩ Tân liên kết với 1 nhà máy được cấp phép, giúp họ tiếp cận với cơ sở xử lý chất thải một cách hợp pháp nên mới có thể mở xưởng. Còn những người khác thì không nên làm thử việc tinh chế vàng.
Ngoài ra, anh cũng cho biết rằng việc bán thuốc thử và các công cụ cần thiết còn lãi hơn so với việc thực sự tinh chế vàng. Hiện tại, trên các sàn thương mại điện tử, bộ công cụ luyện vàng được bán với giá 600 nhân dân tệ trong khi chi phí sản xuất thực chưa đến 100.
Độc giả có thể tìm thêm nhiều câu chuyện truyền cảm hứng về những gương doanh nhân thành công, kinh nghiệm điều hành doanh nghiệp và những kiến thức mới mẻ thời đại 4.0 ở tuyển tập sách của Zing tại Tủ sách kinh tế