Bài viết lược dịch quan điểm của tác giả Andy Day, Fstoppers.
Với hy vọng làm giàu nhanh chóng và trở thành những tỷ phú mới trên thế giới, hàng loạt nhiếp ảnh gia, nhà làm phim cũng như giới nghệ sĩ đang tự bỏ tiền túi để sáng tác các vật phẩm điện tử NFT.
Tại sao mọi người lại bị cuốn theo ý tưởng một thứ gì đó hiếm có chỉ vì những người khác đều nói vậy?
NFT là nghệ thuật của giá trị tưởng tượng
Nếu như bạn chưa tạo NFT bao giờ thì tôi sẽ tóm tắt nhanh quy trình như sau: bạn tạo ví điện tử, mua một số Ethereum nhất định và chọn nền tảng giao dịch. Để biến tác phẩm của mình thành một NFT, bạn phải trả từ 70-100 USD cho nền tảng giao dịch. Sau khi hoàn thành, bạn chọn mức giá khởi điểm mình muốn và đợi các nhà đầu tư xuất hiện.
“Mua, bán và khám phá các vật phẩm kỹ thuật số quý hiếm”, gian hàng NFT OpenSea giới thiệu.
Nếu như bạn đang băn khoăn thế nào là vật phẩm kỹ thuật số quý hiếm, tôi tin bạn đang có một câu hỏi chính xác. Từ thế kỷ trước, nhà triết học Walter Benjamin đã tìm ra mối liên hệ giữa tính xác thực của nghệ thuật và sự độc đáo. Ông đồng thời cho rằng sự phát triển của công nghệ, điển hình là công nghệ nhiếp ảnh, đang khiến giới nghệ thuật bất ổn định.
Người dùng cần trả khoảng 70 USD cho nền tảng Rarible nếu muốn tạo ra một vật phẩm NFT. Ảnh: Rarible. |
Tôi không chắc nếu Benjamin còn sống đến ngày nay, ông sẽ tạo ra tác phẩm NFT gì. Tuy nhiên, việc đưa nghệ thuật vào thế giới ảo chắc chắn không phải giải pháp thay thế. Bên cạnh đó, việc sở hữu các NFT thậm chí không tồn tại chỉ mang lại cho chúng ta cảm giác quý hiếm giả tạo.
Hiện nay, ngành công nghiệp sáng tạo nghệ thuật đang đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế của các quốc gia lớn. Xã hội đang bước vào xu hướng ảo hóa và chính những tương tác hàng ngày của chúng ta với thế giới thực cũng dần phai nhòa đi. Rõ ràng không phải ngẫu nhiên mà NFT nắm bắt được thời điểm này.
Thị trường nghệ thuật luôn hướng tới việc thuyết phục cộng đồng tin rằng một thứ gì đó có giá trị. Đây cũng là hệ thống các “ngân hàng ngầm” tạo điều kiện cho việc vận chuyển tiền qua biên giới hay trốn tránh thanh tra thuế trở nên dễ dàng hơn. Nhờ hàng loạt hoạt động tiếp thị và làn sóng FOMO (nỗi sợ bị bỏ lỡ) các tác phẩm nghệ thuật dưới dạng NFT đang được thổi giá. Lượng tiền trôi qua hệ thống này như một bong bóng và chúng không hề bền vững.
Bong bóng NFT luôn chừng chờ nổ
Nền tảng giao dịch NFT có thể hào nhoáng, các tác phẩm nghệ thuật NFT có thể được định giá hàng triệu USD. Tuy nhiên, phía sau tấm rèm hậu trường là khối lượng lớn các tác phẩm NFT “ế hàng”.
Bán NFT không khác gì bán một bản in, không phải ai cũng sẵn sàng chi tiền mua các tác phẩm ảo từ một nghệ sĩ vô danh. Thế nhưng, nếu bạn là một nghệ sĩ có số lượng người theo dõi lớn, NFT sẽ trở thành món hời khổng lồ.
"Đừng bỏ ra hơn 6.000 USD mua những tờ tiền NFT này nếu bạn không hiểu về chúng". Ảnh: Andy Day. |
Mặc dù vậy, những nghệ sĩ thành công nhờ NFT chỉ là thiểu số, đa số người tham gia còn lại sẽ chỉ mất tiền. Chưa biết bạn có bán được NFT của mình hay không, bản thân việc tạo ra một NFT đã tiêu tốn một khoản chi phí không nhỏ. Ai là người hưởng lợi ở đây?
Giới nghệ sĩ luôn có thói quen sưu tầm các tác phẩm nghệ thuật của nhau. Hiện nay, hầu hết nền tảng giao dịch NFT đều thu về 3% hoa hồng từ người mua và 15% hoa hồng từ người bán. Số tiền này có thể chảy đi đâu ngoài chiếc ví của những người đứng sau các nền tảng này. Chẳng phải sẽ tốt hơn nếu các nghệ sĩ giao dịch bằng séc và cất chúng vào ngăn kéo ngay sau đó sao?
Điều mà phần lớn nghệ sĩ đang bỏ qua chính là lượng lớn khí thải carbon sản sinh ra từ quá trình tạo NFT. Để tạo ra 6 NFT, một nghệ sĩ cho biết lượng khí thải xuất hiện tương đương 2 năm vận hành studio cá nhân. Có rất nhiều cuộc thảo luận để xác định các tác động mà NFT gây ra. Tuy nhiên, những cuộc thảo luận này hiếm khi đề cập đến các tác động môi trường tiêu cực của NFT.
Ngôi nhà NFT được bán với giá 500.000 USD. Ảnh: Krista Kim. |
Nhìn bề ngoài, NFT có thể là cách thức kiếm tiền mới. Nhưng rõ ràng, có người kiếm được tiền thì cũng sẽ có người mất tiền. NFT không tạo ra sự giàu có một cách kỳ diệu từ hư không.
“Sự tồn tại của NFT là để đem lại lợi ích cho các nhà khai thác tiền điện tử. Mục đích duy nhất của giới nghệ sĩ là cố gắng đưa ra những khái niệm khác nhau về tiền điện tử. Và tất nhiên, để thanh toán cho các NFT, mọi người cần đổ tiền vào tiền điện tử”, David Gerard, tác giả cuốn sách Attack of the 50 Foot Blockchain, giải thích.
Mọi thứ sẽ kết thúc khi số lượng nhà đầu tư vào Ethereum và NFT bắt đầu giảm bớt. Một khi niềm tin của các nhà đầu tư giảm sút, quá trình sụp đổ có thể xảy ra nhanh chóng. Bạn muốn có USD trong ví hay Ethereum, một đồng tiền điện tử có thể dao động giá trị lên xuống hơn 20%/ngày.
Ethereum chỉ tăng giá trị khi mọi người tiếp tục mua chúng. Thông qua NFT, Ethereum đang cho mọi người lý do để hoán đổi số USD trong ví thành tiền điện tử. Khi mọi thứ đạt đến điểm bão hòa, thị trường sẽ điều chỉnh và gây ra nhiều cú sốc lớn.
Bong bóng NFT hàng triệu USD sẽ vỡ, vấn đề còn lại chỉ là thời gian.