Sau khi đạt đỉnh trong tháng 3, kể từ nửa cuối tháng 4, mức độ quan tâm đến thị trường bất động sản trên cả nước đã có dấu hiệu sụt giảm cùng với sự hạ nhiệt của cơn sốt đất nền.
Đất nền vùng ven chững giá
Theo dữ liệu của Batdongsan.com.vn, nhu cầu tìm kiếm của toàn thị trường trong tháng 4 giảm gần 18% so với tháng 3. Đất nền là phân khúc có lượt quan tâm giảm mạnh nhất, gần 21%. Trong đó, các tỉnh có mức giảm mạnh nhất là Hải Phòng (34%), Bắc Ninh (29%), Đà Nẵng (21%). Đây đều là những khu vực xảy ra sốt đất với lượt quan tâm đạt đỉnh trong quý I.
Những điểm nóng BĐS ở khu vực phía Nam trong 3 tháng đầu năm như Bình Dương, Đồng Nai, Lâm Đồng, Long An, Bà Rịa – Vũng Tàu cũng đều suy giảm mức độ quan tâm vào tháng 4/2021.
Đất nền lặng sóng với lượt quan tâm sụt giảm mạnh | |||||||
Mức độ sụt giảm sự quan tâm của người mua đối với đất nền tại một số tỉnh thành trong tháng 5. Nguồn: Batdongsan.com.vn | |||||||
Nhãn | Bắc Giang | Bắc Ninh | Hà Nam | Vĩnh Phúc | Đà Nẵng | Quảng Nam | |
Mức độ quan tâm | % | -49 | -46 | -46 | -38 | -36 | -35 |
Ở một diễn biến khác, thị trường vẫn ghi nhận điểm sáng đến từ phân khúc đất nhà vườn, trang trại, nghỉ dưỡng ven đô, xuất phát từ làn sóng “bỏ phố về quê” khi dịch bệnh xuất hiện. Xu hướng này phát triển suốt năm 2020 và có phần chững lại vào thời điểm cuối năm 2020 và đầu năm 2021 khi đất nền “sốt” ở nhiều khu vực.
Sang tháng 5, khi dịch bệnh tái bùng phát với mức độ nghiêm trọng hơn, xu hướng này đã nóng trở lại. Các khu đất có lợi thế về cảnh quan, thiên nhiên khu vực ven Hà Nội như: Vân Canh, Ba Vì, Hòa Lạc, Sóc Sơn, Quốc Oai, Sơn Tây, Xuân Mai… vẫn được nhiều người quan tâm tìm mua, giao dịch đều, giá tiếp tục tăng nhẹ 2-7% so với 1-2 tháng trước.
Chuyên môi giới đất nền tại các khu vực có khí hậu mát mẻ và là điểm sáng về du lịch như Sapa, Y Tý (Lào Cai), Mộc Châu (Sơn La), ông Nguyễn Hải Nam cho biết nhu cầu mua đất của khách hàng có tiềm lực tài chính tốt tại các địa phương này vẫn cao, đặc biệt đối với các lô đất có giá dưới 2 tỷ đồng.
Đất nền tại nhiều tỉnh thành không còn hấp dẫn giới đầu tư sau những cơn "sốt đất". Ảnh: Quỳnh Danh. |
"Nhiều lô đất có vị trí đẹp vẫn ghi nhận mức độ giao dịch nhanh chóng, thậm chí không kịp tìm nguồn cung cho khách đầu tư. Một khách hàng đầu tư một lô đất giá 900 triệu tại Y Tý từ tháng 4 đã bán lại trong tháng 6 với với giá 1,5 tỷ đồng", người môi giới này dẫn chứng thêm.
Trong khi đó, tại thị trường mới nổi là Lâm Đồng, các giao dịch vẫn diễn ra một cách ổn định. Anh Trịnh Minh Hải, một người môi giới nhiều kinh nghiệm tại đây cho biết tâm lý khách hàng đầu tư tại Lâm Đồng đang diễn biến theo hai xu hướng chính.
"Một số khách hàng với dòng tiền có sẵn trong ngân hàng vẫn xem đây là kênh đầu tư để giữ tài sản thay vì giữ tiền trong ngân hàng. Trong khi đó, những người có tài chính thấp thì đang thu mình lại, không dám xuống tiền thời điểm này để tránh rủi ro", anh Hải phân tích.
Không ít nhà đầu tư bị "chôn vốn"
Theo ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Tổng giám đốc Batdongsan.com.vn, lượt quan tâm chung cư tăng, đất nền giảm trong dữ liệu tháng 5 cho thấy xu hướng diễn ra tất yếu sau giai đoạn “sốt nóng” của đất.
Điều này được lý giải bởi trong “cơn sốt” quý I, nhiều nhà đầu tư cá nhân tham gia thị trường, giá đất nền đã tăng lên ngưỡng cao. Từ nửa cuối tháng 4, thị trường bắt đầu hạ nhiệt, giá chững và nhu cầu giảm.
"Sang tháng 5, thị trường gặp khó do dịch bệnh bùng phát mạnh trở lại, khiến dòng tiền và sự quan tâm của thị trường có sự dịch chuyển. Nhà đầu tư ưu tiên lựa chọn những sản phẩm bất động sản có mức giá tăng chưa cao, mặt bằng giá hấp dẫn hơn", ông Nguyễn Quốc Anh nói.
Bình luận về thị trường khu vực phía Nam, ông David Jackson, Tổng giám đốc Colliers Việt Nam nhận định nhiều năm gần đây, đất nền tại các khu vực vùng ven của TP.HCM luôn nằm trong danh mục ưa thích của nhà đầu tư.
Tuy nhiên, cũng như nhiều phân khúc khác, giai đoạn này, đất nền cũng chịu ảnh hưởng nghiêm trọng từ đại dịch Covid-19 và trong khoảng 6 tháng tới, sẽ rất khó để phân khúc này trở lại nhộn nhịp như đã từng. Động lực quan trọng khiến phân khúc đất nền trở nên sôi động chính là cơ sở hạ tầng.
"Hiện tại, nhiều nguồn lực đang được tập trung để chống dịch. Một số dự án cơ sở hạ tầng trọng điểm đã phải tạm ngưng hoặc thi công không đạt được tiến độ đã đề ra", ông David Jackson nhận xét.
Nhiều nhà đầu tư bị đứt gãy "dòng tiền" do ảnh hưởng của đợt bùng phát dịch Covid-19. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Trong tháng 5 vừa qua, Colliers ghi nhận lượng thông tin truy vấn về đất nền đã giảm 15-20% so với tháng trước đó. Mới chỉ vài tháng trước, thông tin về việc có khả năng quy hoạch một số huyện lên quận hoặc thành phố trực thuộc TP.HCM còn khiến đất nền tại Hóc Môn, Bình Chánh, Cần Giờ hoặc Nhà Bè được tìm kiếm mạnh thì nay lượng truy vấn đã giảm mạnh.
Các tỉnh lân cận TP.HCM như Bình Dương, Đồng Nai, Long An hay Bà Rịa – Vũng Tàu cũng ghi nhận các thông tin tìm kiếm về đất nền giảm khoảng 10-12% trong giai đoạn tháng 4 và tháng 5. Trong số các tỉnh thành này, Long An đang ghi nhận có hiện tượng dư thừa nguồn cung đất nền.
"Ngoài ảnh hưởng do dịch Covid-19 gây nên thì việc không ít người môi giới lợi dụng thông tin quy hoạch sân bay, cầu cảng… để tạo sóng ảo, thổi giá đất lên quá cao trong đợt sốt đất vừa qua tại một số địa phương cũng khiến các nhà đầu tư cảnh giác hơn. Ngay cả khi mà dịch Covid-19 được khống chế hoàn toàn thì nhà đầu tư cũng sẽ không quá vồ vập và thận trọng hơn trước khi xuống tiền", Tổng giám đốc Colliers Việt Nam khuyến nghị.
Chưa kể, ông cũng cho rằng không ít nhà đầu tư cũng đã bị “đứt gãy” dòng tiền trong các đợt bùng phát của dịch Covid-19 do bị chôn vốn, thậm chí phải bán tháo, cắt lỗ nên phần nào khiến cho tính thanh khoản của phân khúc đất nền cần thêm nhiều thời gian để hồi phục.
Thông tin tích cực từ chiến dịch tiêm ngừa vaccine trên diện rộng sẽ là chất xúc tác quan trọng đối với sự hồi phục của thị trường. Dịch Covid-19 được khống chế sớm chừng nào thì nhiều dự án cơ sở hạ tầng sẽ được tái khởi động lại sớm chừng ấy, tiếp tục đóng vai trò là động lực chính yếu cho sự sôi động trở lại của phân khúc đất nền.