Trong những ngày giữa tháng 9 khi siêu bão Mangkhut tàn phá đảo Luzon, Philippines, trong lúc bão Florence khiến bờ Đông nước Mỹ run rẩy, các nhà khoa học một lần nữa lên tiếng cảnh báo nhiệt độ tăng lên của Trái Đất sẽ tạo ra thêm nhiều siêu bão trong tương lai.
Siêu bão liên tục xuất hiện
"Nhiệt độ ấm của mặt biển giúp làm tăng năng lượng cho các cơn bão nhiệt đới", Xie Shang Ping, nhà khoa học môi trường của Đại học California, nhận định. "Hè năm nay, nhiệt độ bề mặt đại dương tại nhiều khu vực đã ấm bất thường, đây là một phần trong xu thế ấm lên trên toàn cầu".
Cơ quan Khí tượng Hong Kong cho biết thời gian qua, siêu bão, thuộc cấp độ mạnh nhất trong thang đánh giá sức mạnh các cơn bão, đang xuất hiện ngày càng thường xuyên hơn so với giai đoạn 1961 - 2000.
Mangkhut là siêu bão thứ 4 xuất hiện tại Thái Bình Dương trong năm 2018. Ảnh: Cơ quan Khí tượng Nhật Bản . |
Siêu bão là bão nhiệt đới với sức gió duy trì ở mức tối thiểu 185 km/h. Trong năm 2018, bốn cơn bão gồm Jelawat, Maria, Jebi và Mangkhut đã đạt cấp siêu bão, chỉ tính riêng tại khu vực Thái Bình Dương.
Hồi tháng 5, các chuyên gia từ Cơ quan Quản lý đại dương và khí quyển quốc gia Mỹ cảnh báo khu vực Bắc Đại Tây Dương sẽ trải qua một năm bất thường về sự hoạt động của các cơn bão. Năm ngoái, khu vực này cũng hứng chịu thiệt hại nặng nề sau khi hàng loạt siêu bão đổ bộ như Maria hay Irma.
Florence là cơn bão lớn đầu tiên, đánh dấu sự khởi đầu của mùa mưa trên Đại Tây Dương. Cơn bão đã gây mưa lớn kỷ lục tại nhiều bang, khiến bờ Đông nước Mỹ ngập lụt nghiêm trọng. Tới ngày 15/9, bão Florence đã khiến ít nhất 13 người thiệt mạng.
Nguyên nhân từ ấm lên toàn cầu
Tác động của biến đổi khí hậu tạo ra những cơn bão nhiệt đới nguy hiểm hơn có thể được lý giải bằng cơ chế hình thành của những cơn bão phía trên các đại dương.
Những cơn bão hình thành ban đầu từ lốc xoáy. Chúng là những cỗ máy khổng lồ sử dụng không khí nóng ẩm làm năng lượng và cứ thế lớn dần qua thời gian. Chính vì vậy, các cơn bão chỉ sinh ra từ vùng biển ấm gần đường xích đạo.
Không khí nóng ẩm bốc lên từ bề mặt đại dương, tạo ra một vùng áp suất không khí thấp (áp thấp nhiệt đới). Cơ chế này khiến không khí liên tục di chuyển xoay tròn, từ vùng áp suất cao hơn vào vùng áp suất thấp. Chỉ khoảng 10% các cơn lốc xoáy phát triển thành bão nhiệt đới, tức có sức gió đạt tốc độ 118 km/h.
Bão Florence khiến nhiều khu vực tại bờ Đông của Mỹ ngập lụt nghiêm trọng. Ảnh: AP. |
Với việc nhiệt độ bề mặt đại dương ngày càng ấm hơn, những cơn lốc xoáy sẽ được tiếp thêm nhiều năng lượng, từ đó hình thành nên mây và gió mạnh, và khi đủ sức mạnh, trở thành bão nhiệt đới.
Tại Bắc bán cầu, nhiệt độ hạ dần từ cuối tháng 8, đầu tháng 9. Lúc này, nhiệt độ cao của nước biển có điều kiện thuận lợi truyền năng lượng nóng ẩm từ đại dương lên vùng không khí phía trên, tạo tiền đề hình thành các cơn bão.
Ấm lên toàn cầu khiến nước biển ngày càng có nhiệt độ cao hơn, đẩy nhanh sự hình thành các cơn bão cũng như làm gia tăng cường độ của chúng. Đây là nguyên nhân khiến ngày càng có nhiều siêu bão xuất hiện vào tháng 9.
"Về tổng thể, cường độ những cơn bão nhiệt đới sẽ tăng lên, cả về sức gió và lượng mưa. Tuy nhiên, các vùng biển xuất hiện bão sẽ không đồng đều, điều này phụ thuộc vào mức độ ấm lên của các khu vực", ông Xie nhận xét.
Choy Chung Wing, chuyên gia từ Cơ quan Khí tượng Hong Kong, cho biết bão nhiệt đới sẽ xảy ra ngày càng thường xuyên hơn trong những năm tới. "Khí hậu ấm lên về lý thuyết sẽ tiếp thêm nhiều năng lượng cho các cơn bão trong tương lai".
Trong bối cảnh khí hậu ấm lên, việc những cơn bão lớn gia tăng về số lượng đi kèm với lượng mưa ngày càng tăng, nhiều vùng lãnh thổ đứng trước nguy cơ bị xóa sổ. "Cùng với sự gia tăng của mực nước biển, đe dọa từ những cơn bão nhiệt đới sẽ ngày càng gia tăng đối với những thành phố ven biển", ông Choy cảnh báo.