Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Còn nhiều ông lớn tham gia cuộc chơi kiểu Uber

Thông tin mỗi ngày Uber hoạt động ở Việt Nam chuyển 1 tỷ đồng về Hà Lan đã gây "sốc". Một cơn bão dư luận phản hồi xung quanh câu chuyện này...

Một khách hàng gọi xe Uber bằng phần mềm 

 

Tuổi Trẻ trích đăng ý kiến của các chuyên gia kinh tế, đại diện hiệp hội vận tải, các bạn đọc.

Ông Bùi Danh Liên, chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội:

Phải chăng có sự ưu ái?

Hiện nay các đơn vị kinh doanh vận tải đều phải kê khai giá cước một cách rõ ràng, cụ thể với Bộ Tài chính. Thậm chí khi giá xăng dầu xuống, Bộ Tài chính cũng có văn bản yêu cầu phải giảm giá cước, nếu không sẽ có hình thức xử lý các đơn vị kinh doanh vận tải, dẫu những chi phí đầu vào khác cấu thành nên giá tăng lên. 

Trong khi đó, Uber lại có thể hoạt động mà không công khai rõ ràng về giá cước, nằm ngoài sự điều tiết và những rào cản quản lý. Như vậy có nghĩa là tự do định đoạt giá cước. 

Tại sao Uber có thể hoạt động và thu lợi nhuận cao, phải chăng có sự ưu ái nào đó đối với những doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, có vốn lớn? 

Sự xuất hiện của Uber đã làm một doanh nghiệp taxi hàng trăm năm của Mỹ phải nộp đơn xin phá sản. 

Tôi cho rằng nên có sự đồng cảm hơn nữa trong quản lý đối với những doanh nghiệp vận tải trong nước. Về phía mình, chúng tôi đang có những cải tiến để phục vụ tốt hơn cho người dân. Những việc cần làm là áp dụng công nghệ thông tin vào vấn đề đặt xe, gọi xe và giảm giá cước cho người sử dụng. 

Tiến sĩ Huỳnh Thế Du, giảng viên chương trình kinh tế Fulbright

Xu thế của tương lai sẽ không chỉ Uber

Uber chỉ bán dịch vụ kết nối, người cung cấp dịch vụ taxi là ông chủ xe. Do đó, nếu Uber có nộp thuế đầy đủ theo quy định cho phần lợi nhuận thu được của mình thì hoàn toàn không có vấn đề cạnh tranh không lành mạnh ở đây. 

Tôi cho rằng người tiêu dùng chuộng Uber vì tính tiện lợi.

Thứ nhất là không tốn chi phí giao dịch, chỉ cần cài đặt phần mềm là có thể gọi được taxi, không cần tốn cước gọi điện thoại đến tổng đài.

Thứ hai, người dùng được chủ động về thời gian, biết được gần như chính xác khi nào xe đến đón mình. Thứ ba là giá rẻ. 

Rõ ràng nền kinh tế chia sẻ nổi lên vì tiện lợi hơn nhiều, tiết kiệm được chi phí cho cả người vận hành và người sử dụng. 

Việc lo lắng một mình Uber độc quyền cũng không có cơ sở bởi đã có sự xuất hiện của những doanh nghiệp tương tự và sắp tới sẽ còn xuất hiện thêm nữa, nhiều "ông lớn" sẽ cùng tham gia cuộc chơi. 

Tôi cho rằng sẽ rất khó cho các doanh nghiệp kinh doanh taxi truyền thống bởi sự tiện ích của nền kinh tế chia sẻ như hiện nay.

Ngay cả khi các doanh nghiệp taxi truyền thống đưa phần mềm gọi xe vào áp dụng thì Uber vẫn có lợi thế hơn với số lượng xe đông đảo và ở bất cứ đâu.

Trong khi đó, các hãng taxi chỉ có một lượng xe nhất định và còn phải tốn chi phí nuôi dưỡng bộ máy hoạt động. 

Xu hướng phát triển như thế mình phải đồng hành, nên hãy tìm cách quản lý cho phù hợp chứ đừng hạn chế...

PGS.TS chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long:

Nên khuyến khích cạnh tranh lành mạnh

Uber là một phần mềm công nghệ được áp dụng trong lĩnh vực vận tải để vận hành hành khách. Đây là một hình thức mới.

Tại Việt Nam, dù chỉ mới xuất hiện trong một thời gian ngắn nhưng đã có những tín hiệu cho thấy dịch vụ này có lợi cho người tiêu dùng.

So với taxi truyền thống, tại sao người dân tin dùng Uber? Vì dùng taxi Uber giá rẻ hơn, phục vụ lịch sự hơn và người dùng cũng nắm được thông tin xe gì, tài xế tên gì, xe biển số bao nhiêu chở mình hay con cái mình.

Tuy nhiên, bên cạnh những tiện ích, nhiều người vẫn băn khoăn về những mặt trái gây hại cho nền kinh tế và người tiêu dùng như đóng góp thuế, vấn đề bảo đảm an toàn cho người sử dụng.

Về thuế, trước kia đã có thông tin Tổng cục Thuế cho rằng có khả năng thu được thuế từ Uber, vậy đây là vấn đề của các cơ quan chức năng, làm sao để không gây thiệt hại cho nền kinh tế.

Về việc mỗi ngày Uber chuyển 1 tỉ đồng về Hà Lan thì phải xem lại trách nhiệm quản lý nhà nước đã yêu cầu Uber làm đủ nghĩa vụ tài chính với Việt Nam chưa.

Mặt khác, việc đảm bảo an toàn cho người đi taxi Uber là trách nhiệm của Bộ Giao thông Vận tải.

Theo tôi, chúng ta phải khuyến khích cạnh tranh và đưa vào cạnh tranh lành mạnh bằng sự quản lý về thuế và biện pháp đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng.

Sự cạnh tranh giữa Uber và các hãng taxi truyền thống còn mang ý nghĩa thúc đẩy các loại hình taxi truyền thống giảm giá, nâng chất lượng, phục vụ tốt hơn lợi ích của người tiêu dùng.

Càng cạnh tranh nâng chất lượng bao nhiêu thì người tiêu dùng càng lợi bất nhiêu.

Vì sao tôi chọn Uber?

Nhiều bạn đọc đã chỉ rõ lý do vì sao họ chọn Uber thay vì những dịch vụ taxi truyền thống. Ba lý do quan trọng nhất vẫn là sự tiện lợi, chủ động về thời gian, tiết kiệm chi phí và thái độ phục vụ. 

"Chiều cuối tuần, mấy ông thử gọi một chiếc taxi và tính xem mình phải chờ đợi bao lâu và đoán xem taxi có đến không thì biết được vì sao Uber tồn tại" - bạn đọc N.V.T. nêu ý kiến. 

Các hãng taxi phải xem lại cung cách phục vụ là ý kiến của phần đông bạn đọc. 

"Các hãng taxi của ta cũng phải xem lại giá, cung cách phục vụ. Tại sao họ làm được mà mình không làm được? Hãng nào phục vụ tốt thì người dân đi, cho nên muốn tồn tại các anh phải tự xem lại mình" - bạn đọc Ngọc Vân cho biết.

Chỉ rõ những bực bội khi sử dụng taxi truyền thống, một bạn đọc viết: "Gọi taxi mấy ông im im chẳng biết khi nào tới, không có phản hồi. Chạy xe thì không nói một câu, cửa thì khách tự mở, thừa 1.000 - 5.000 đồng không trả lại tiền thừa cho khách. 

Trong khi Uber khách được phản hồi trực tiếp, thái độ phục vụ tốt, không lấy tiền thừa của khách.... Quên đồ trên xe thì đã có lý lịch, số điện thoại của tài xế rõ ràng để nhận lại. 

Mấy ông làm cho taxi tốt đi rồi mọi người sẽ ủng hộ, và hãy làm sao để 1 tỉ đồng đó chảy ngược về VN thay vì ra nước ngoài như vậy".

Bên cạnh đó, nhiều bạn đọc cũng đề nghị các cơ quan chức năng kiểm soát và minh bạch hóa hoạt động của Uber để "đôi bên cùng có lợi" và đảm bảo sự công bằng trong hoạt động kinh doanh giữa các doanh nghiệp cùng ngành nghề, thu thuế đầy đủ cho ngân sách. 

http://tuoitre.vn/tin/kinh-te/20160112/con-nhieu-ong-lon-tham-gia-cuoc-choi-kieu-uber/1034914.html

Theo An Nhiên/Tuổi Trẻ

Bạn có thể quan tâm