Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Con người đang thèm chạm vào nhau

Hàng triệu người đang bị hạn chế những tiếp xúc vật lý dù chỉ là những va chạm nhỏ nhất trong khi bị cách ly. Điều này đã dẫn đến hiện tượng thần kinh khao khát làn da.

* Zing dịch lại bài phân tích của Sirin Kale từ The Wired.

Alice, một đạo diễn 31 tuổi đang sống một mình ở London, đã có hành vi không tuân thủ nguyên tắc cách ly. “Tôi cũng chẳng muốn nói tới chuyện này đâu”, cô nhỏ giọng.

Mỗi tuần một lần, Alice đi đến cuối khu vườn của mình để gặp bạn thân nhất Lucy. Ở đó, với sự lén lút như thể cả hai đang buôn ma túy trên phố, Lucy ôm chặt cô. Alice đã khó có thể buông người bạn của mình ra. “Bạn giống như được tiếp lại năng lượng", Alice nói, "như là mọi chuyện rồi sẽ ổn thôi".

Ngày 15/3, một tuần trước khi chính phủ khuyến khích mọi người ở nhà, Alice đã tự cách ly. Kể từ đó đến nay, Alice không đụng vào ai ngoại trừ cái ôm của Lucy. “Tôi đã cảm thấy khó khăn”, cô nói, “Tôi là một người thích ôm. Bạn sẽ bắt cảm thấy điều đó sau một thời gian. Tôi nhớ những cái ôm”.

Alice cảm thấy tội lỗi về cái ôm lén lút của mình. “Tôi gần như không thể nói với những người bạn khác về cái ôm này. Tôi cảm thấy xấu hổ. Tôi biết là chúng tôi không chủ ý làm như vậy. Nhưng tôi rất biết ơn Lucy vì đã đến. Nó đã cho tiếp thêm sức mạnh cho tôi”, Alice nói.

Chứng khao khát làn da

Alice đang trải qua một hiện tượng thần kinh: chứng khao khát làn da. Hiện tượng này đã bị kích thích bởi đại dịch. Khao khát làn da là nhu cầu sinh học đối với sự tiếp xúc giữa người với người.

Đó là lý do trẻ sơ sinh trong phòng chăm sóc đặc biệt được đặt trên ngực trần của cha mẹ. Các tù nhân bị biệt giam cũng thường nói rằng họ thèm được tiếp xúc với con người một cách dữ dội như cách họ mong muốn được tự do vậy.

Con nguoi them khat cham vao nhau,  va cham,  tiep xuc,  da ke da,  khao khat lan da anh 1

Chạm vào nhau giúp giải tỏa căng thẳng. Ảnh: Pinterest

“Khi bạn chạm vào làn da”, Tiffany Field của Viện nghiên cứu tiếp xúc thuộc Đại học Miami giải thích, “nó kích hoạt cảm ứng áp lực dưới làn da. Cảm ứng này sẽ gửi tín hiệu tới dây thần kinh phế vị ở não. Khi hoạt động ở dây thần kinh này được kích hoạt, hệ thần kinh giao cảm sẽ chậm lại, nhịp tim và huyết áp sẽ giảm, sóng não sẽ thể hiện sự thư giãn. Hàm lượng các hoóc-môn gây stress như cortisol cũng sẽ giảm”.

Va chạm vật lý còn giải phóng oxytocin, hoóc-môn được sản xuất ra trong khi làm tình và sinh con để làm chúng ta gần nhau hơn. Nói cách khác, tiếp xúc da kề da với người về sinh học là tốt cho chúng ta. Chạm vào nhau giúp con người cảm thấy bình tĩnh hơn, hạnh phúc hơn và tỉnh táo hơn.

Não của chúng ta và hệ thần kinh giao cảm được thiết kế để biến các va chạm trở thành một trải nghiệm vui vẻ

Gallace

Nếu không có các tiếp xúc trực tiếp như vậy, cả tinh thần lẫn thể chất của con người sẽ trở nên xấu đi. “Chúng ta biết ngay cả trên những trang sách rằng thiếu sự va chạm sẽ dẫn đến những hậu quả tiêu cực đến hạnh phúc của chúng ta”, Alberto Gallace, một nhà thần kinh học ở Đại học Milano-Bicocca nói.

Ông giải thích rằng loài người vốn là sinh vật xã hội. Nghiên cứu cho thấy tước đi tiếp xúc vật lý ở khỉ sẽ làm xấu đi kết quả sức khỏe.

“Tự nhiên đã thiết kế đã phương thức cảm biến này để tăng cảm giác hạnh phúc của chúng ta trong môi trường xã hội. Nó chỉ hiện diện ở các động vật xã hội mà cần ở cùng với nhau để tối ưu hóa cơ hội sống sót của chúng”, Gallace nói.

Những tác động tới sức khỏe tinh thần

Với việc giao thức cách ly xã hội tại chỗ ở mỗi quốc gia trên toàn thế giới, những người sống một mình nhận ra họ đang phải chịu đựng hàng tháng trời mà không đụng đến ai. Đây lại là một điều mỉa mai tàn nhẫn bởi chứng thèm khát làn da thật ra có thể làm yếu hệ miễn dịch của chúng ta, khiến chúng ta dễ nhiễm virút hơn.

Tôi rất lo lắng, bởi vì đây lại chính là thời gian chúng ta cần sự tiếp xúc giữa người với người hơn bao giờ hết

Field

Cô giải thích vì va chạm là một phần của chứng năng miễn dịch, bởi nó sẽ giảm lượng cortisol. Khi cortisol ở mức cao, hệ miễn dịch của chúng ta sẽ bị cạn kiệt: cortisol giết tế bào phòng vệ tự nhiên, một loại tế bào bạch cầu tấn công virút. Tiếp xúc người với người được chứng minh rằng sẽ tăng tế bào bạch cầu đó ở bệnh nhân HIV và ung thư.

Gallace lo lắng sâu sắc về những tác động của khao khát tiếp xúc này đến sức khỏe tinh thần. Trong bối cảnh đại dịch toàn cầu tự thân nó đã là một tình hình gây căng thẳng và lo âu, những người cách ly một mình đặc biệt bị ảnh hưởng nhiều hơn .

“Chúng ta dùng sự va chạm để xoa dịu. Khi chúng ta bị nguy hiểm hay lo âu, được chạm vào giống như là một sự giúp đỡ. Sự thiếu tiếp xúc sẽ tăng tính căng thẳng của tình hình”, Gallace nói. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng người ta có xu hướng hoàn thành công việc tốt hơn khi họ được vỗ vào lưng trước khi làm việc. “Đó giống như là một hình thức trấn an”.

Nhóm của Field đã thực hiện một nghiên cứu trong thời gian cách ly: 26% trong 100 người được khảo sát nói rằng họ cảm thấy bị tước đi sự va chạm, 16% cảm thấy bình thường. 97% số người này nói rằng họ bị rối loạn giấc ngủ. “Khi bạn được tiếp xúc da, cơ thể sẽ tăng serotonin”, Field giải thích. Mức serotonin liên quan đến mất ngủ, lo âu và căng thẳng.

“Nếu bạn có tiếp xúc da trước khi đi ngủ, bạn sẽ có giấc ngủ sâu hơn. Điều này rất quan trọng bởi chất P sẽ được tiết ra trong khi ngủ sâu”. Chất P là chất truyền dẫn thần kinh ảnh hưởng đến nhận thức đau, căng thẳng và cách phản ứng của cảm xúc.

Như rất nhiều thứ khác trong cuộc sống, chúng ta không nhận ra mình phụ thuộc vào các va chạm trực tiếp với con người như thế nào cho đến khi chúng ta không còn nó nữa.

Con nguoi them khat cham vao nhau,  va cham,  tiep xuc,  da ke da,  khao khat lan da anh 2

Đại dịch đã khiến con người ở gần nhau hơn bao giờ hết. Ảnh: Pinterest

“Tôi vẫn thấy hạnh phúc khi một mình. Tôi thích có không gian của riêng mình”, Sarah, một chuyên gia nhân sự từ Reading từng nói. Tôi tìm Sarah khi vô tình thấy bài đăng tuyệt vọng của cô trên mạng xã hội.

Vào 23/3, Sarah viết trên Facebook: “Tôi sẽ ôm bạn thật chặt sau khi các lệnh siết chặt được dỡ bỏ. Tôi sẽ CỐ GẮNG không bóp chết bạn, nhưng tôi không hứa nha”. Vào 12/4, cô lại đăng: “Ôm mọi người sau khi chuyện này kết thúc”.

Vài ngày sau, cô lại tiếp tục than thở. “Tôi đã khóc rất nhiều vào hôm nay. Tôi sống một mình và cái suy nghĩ không được ôm ai suốt NHIỀU THÁNG thật tuyệt vọng”.

Đối với Sarah, khao khát tiếp xúc bị kích thích bởi đại dịch gần như biến thành nỗi buồn. “Tôi cảm thấy như bị tước đi thứ gì. Tôi là người nhạy cảm. Tôi thấy buồn, căng thẳng khi như thế này”, Sarah nói. Cô có thể nhớ chính xác ngày cuối cùng mà ai đó đã chạm vào cô: ngày 15/3. Một người bạn đã ở bên cô và khi anh đi, anh đã ôm cô.

Sau lần đó, Sarah không hề đụng đến một vật thể sống nào ngoài con mèo nhà hàng xóm. Nó thỉnh thoảng xông vào vườn nhà cô rồi đòi cô cho ăn. Cô cũng "tiếp xúc" với vài con ngỗng cô cho ăn ở công viên gần đó.

Alice cũng thấy bản thân bế bồng con mèo của mình nhiều hơn bình thường. “Tôi không thường cảm thấy cần bế mèo, bởi vì nó ghét như vậy”, Alice nói, "Nhưng giờ tôi bế rồi ôm chặt nó".

Các giải pháp thay thế

Bằng cách nuôi thú cưng, Sarah và Alice đã vô tình tìm thấy cách giảm thiểu hiệu quả khao khát tiếp xúc. “Chúng tôi nhận thấy từ các nghiên cứu của mình rằng người mát xa cho người khác cũng hưởng lợi ích từ việc mát xa như người được mát xa”, Field nói. “Vậy nên có thú cưng là một điều tuyệt vời. Khi bạn nuôi một chú chó, bạn cũng đang tiếp xúc da và trải nghiệm cảm giác kích thích đó".

Con nguoi them khat cham vao nhau,  va cham,  tiep xuc,  da ke da,  khao khat lan da anh 3

Nuôi thú cưng là một giải pháp hiệu quả. Ảnh: Pinterest

Nhiều thứ đã được tạo ra bởi công nghệ để chúng ta kết nối với nhau. Nhưng công nghệ không thể thay thế tiếp xúc da kề da. Về cơ bản hiện nay không có một hệ thống có sẵn nào cho phép chúng ta tương tác bằng những va chạm.

Chúng ta có thể duy trì các mối quan hệ xã hội bằng công nghệ. Nhưng dù công nghệ có tiên tiến đến thế nào trong cả phần nhìn và phần nghe, tất cả chúng đều thiếu cảm giác tiếp xúc

Gallace

Ông giải thích công nghệ haptic - thường dùng trong đồ chơi tình dục để tối ưu xúc giác, hoặc trò chơi điện tử - không đủ tiên tiến để tái tạo sức sống và sự tinh tế của chỉ một cái bắt tay.

“Phương thức cảm giác đó hội tụ rất nhiều hệ thống. Nó không chỉ là các thụ thể ở da, nó còn là sức mạnh của cái bắt tay. Bạn không dễ dàng gì làm lại cái như vậy. Có một hệ thống có thể tái tạo các lực tương tự, nhưng nó không phổ biến, và chất lượng khi tái tạo xúc giác cũng không cao. Vậy nên gần như là không gì tái tạo lại được cảm giác mơn trớn trên da", Gallace nói.

Nhưng cũng có những cách để giảm cảm giác khao khát này cho những ai cách ly một mình. “Hãy tập thể dục nhiều nhất có thể”, Field nói, “Đơn giản như đi bộ quanh nhà cũng kích thích các thụ thể áp lực dưới chân bạn. Tự mát xa da đầu, hoặc xoa kem dưỡng ẩm nên da mặt. Đây là những cách khác nhau để con người có thể chạm vào da”.

Sau một thời gian đối xử với nhau như những người bị ruồng bỏ, liệu chúng ta có trở lại như chúng ta lúc trước? Field lo sợ rằng corona virút sẽ đẩy chúng ta đến một xã hội không tiếp xúc về lâu dài.

"Tôi nghi ngờ rằng sau khi chuyện này kết thúc, rất nhiều người vẫn sẽ giữ khoảng cách xã hội”, Field nói. Alice gần đây đã đến siêu thị. Khi một người đi sượt ngang qua cô, cô đã giật nảy mình.

Dù sao, bạn vẫn phải làm quen với khao khát va chạm này và chấp nhận chuyện chúng ta có thể sống trong xã hội không tiếp xúc một thời gian trước khi có vaccine.

Thanh Thùy

Bạn có thể quan tâm