Không ít người lo lắng vì cho rằng mình đang bị phụ thuộc quá nhiều vào smartphone và tìm cách thoát khỏi nó. Nỗi sợ hãi lớn hơn khi xuất hiện khái niệm nghiện Internet trong một bộ phận giới trẻ. Vậy, đâu là câu trả lời cho vấn đề này? Liệu có tồn tại khái niệm nghiện smartphone?
Phụ thuộc smartphone không giống như nghiện. |
Ngày nay, điện thoại thông minh len lỏi vào từng ngõ ngách của cuộc sống. Nó trở thành phương thức liên lạc giữa mọi người, là công cụ ghi lại những khoảnh khắc ý nghĩa.
Hơn bao giờ hết, smartphone mang tới kho tàng tri thức vô tận và khơi nguồn sáng tạo nơi mỗi người. Chúng còn trở thành trò tiêu khiển những lúc tắc đường hay buồn chán. Tất cả gói gọn trong thiết bị nằm lọt bàn tay.
Vai trò của điện thoại thông minh lớn dần từng ngày, tới mức tạo ra sức hấp dẫn đến khó cưỡng. Dù cố tình lờ đi, nhưng cuối cùng chúng ta vẫn cầm máy lên để trả lời tin nhắn, nhận cuộc gọi điệnhay xem thông báo từ các mạng xã hội. Không chỉ phá bĩnh giấc ngủ, smartphone còn làm ảnh hưởng không nhỏ tới công việc cũng như các mối quan hệ trong cuộc sống.
Có phải chúng ta đang bị ám ảnh về một thiết bị thần kỳ? Liệu smartphone đã chiếm hết tâm trí của con người? Và đó có phải là chứng nghiện điện thoại thông minh?
Nghiện smartphone là có thật, nhưng hiếm
“Phần lớn mọi người có thói quen sử dụng điện thoại rất nhiều, nhưng đó không hẳn là nghiện”, Tiến sĩ Mark Griffiths thuộc trường đại học Nottingham Trent giải thích, ông nói thêm: “Giống như một thứ gì đó rất quan trọng trong cuộc sống mà bạn luôn mang theo bên cạnh, nhưng chỉ một hôm không xa nó, bạn sẽ cảm thấy thiếu vắng và đó không được coi là nghiện”.
Có những người quá lạm dụng smartphone. |
Chúng ta sử dụng điện thoại trong liên lạc với người thân, truy cập Internet hay phục vụ cho công việc và giải trí. Đó đều là những tính năng quan trọng.
Tiến sĩ Griffiths chia sẻ: “Mọi người cần dùng nhiều tới smartphone trong sinh hoạt thường ngày. Nhưng sẽ luôn có thiểu số lạm dụng quá mức gây ra những vấn đề nghiêm trọng. Tin tốt là khi nói đến smartphone, tỷ lệ nghiện trên thực tế rất nhỏ”.
Vị tiến sĩ cũng tách bạch những “cơn nghiện” giữa Internet và những thứ khác. Ví dụ như nghiện game, đánh bạc, mua sắm, tình dục…trên mạng thì không gọi là nghiện Internet bởi đó chỉ là “công cụ” cho những chứng nghiện khác. Điều tương tự cũng đúng đối với điện thoại di động.
Vì thế, chúng ta cần phân định rõ vấn đề ở đây là gì?
Tiến sĩ Larry Rosen, giáo sư danh dự và chủ tịch viện Tâm lý học thuộc trường Đại học bang California cho biết đó đúng ra là một nỗi ám ảnh hơn là chứng nghiện. Nhóm nghiên cứu của ông đang nỗ lực tìm ra giải pháp giảm lo âu trong trường hợp không dùng điện thoại di động.
Theo nghiên cứu, thiếu smartphone khiến nhiều người cảm thấy bồn chồn, đặc biệt không thể trả lời tin nhắn hoặc nhận cuộc gọi. Một số bắt đầu tăng nhịp tim và huyết áp, thậm chí đổ mồ hôi và giảm khả năng nhận thức.
Chúng ta cần nhận thức rõ mức độ phụ thuộc vào thiết bị di động. |
Tiến sĩ Rosen cho hay, chúng ta lo lắng không phải vì bỏ lỡ một chương nào đó, đơn giản chỉ vì đó là phương thức liên lạc thường ngày. Nhiều người luôn bị ám ảnh rằng mình có tin nhắn hoặc bình luận từ mạng xã hội cần trả lời. Cảm giác rời điện thoại như thể tách biệt khỏi thế giới vì ngày càng có nhiều người xem đó là cách giao tiếp duy nhất với xã hội.
Đáng ngại nhất phải kể đến những tác động tới giấc ngủ. Trong nghiên cứu mới nhất của mình về thói quen sử dụng thiết bị di động của giới trẻ, tiến sĩ Rosen tiết lộ, ba phần tư thanh thiếu niên đặt smartphone cạnh giường mỗi tối. Điều đó khiến giấc ngủ bị gián đoạn.
Khoảng một nửa số người trẻ được khảo sát thú nhận thường xuyên thức dậy vào ban đêm để kiểm tra điện thoại. Đó là vấn đề nghiêm trọng vì khi không ngủ đủ giấc sẽ ảnh hưởng tới khả năng ghi nhớ và nhiều hệ lụy khác. Đặc biệt, não cần thời gian nghỉ ngơi sau một ngày làm việc căng thẳng.
Làm thế nào để sử dụng điện thoại ít hơn?
Nhận thức rõ việc phụ thuộc vào smartphone là một chuyện, thay đổi thói quen lại là chuyện khác. Quá trình giảm bớt sự phụ thuộc vào sản phẩm công nghệ cần theo một quy trình nhất định.
Trước tiên, bạn chỉ nên kiểm tra những ứng dụng mình quan tâm nhất và bỏ qua các thứ khác. Sau đó bắt đầu “rời xa” điện thoại mỗi 15 phút, lặp lại quá trình đến khi cảm thấy đầu óc thoải mái; có thể phải mất vài tuần để quen. Tiếp đến, tăng khoảng thời gian ngừng sử dụng điện thoại lên 20, 25 và cuối cùng là 30 phút.
Đừng biến mình thành nô lệ của công nghệ. |
Thay vì dùng smartphone báo thức, bạn nên dùng đồng hồ cơ thay thế. Một giờ trước khi ngủ, đưa điện thoại ra khỏi phòng, đặt ở nơi xa nhất có thể và tắt âm thanh. Hình thành thói quen “thay thế” việc kiểm tra smartphone mỗi tối như đọc sách hoặc vận động trước khi ngủ.
Hãy bớt phụ thuộc vào điện thoại, nhưng đừng nhầm tưởng đó là chứng nghiện để rồi bỏ lỡ những tiện ích công nghệ mang lại. Thiết bị di động đã trở thành người bạn thân thuộc của mỗi người, giúp giải quyết nhiều công việc và mang tới những phút giải trí, thư giãn giữa bao bộn bề công việc.
Chưa có đủ bằng chứng thực nghiệm để chứng minh sự tương đồng giữa nghiện smartphone với các chứng nghiện khác như heroin hay cờ bạc. Chắc chắn, chúng ta sẽ bị ảnh hưởng bởi sự phụ thuộc quá mức vào loại sản phẩm này nhưng không nên bị ám ảnh đó là nghiện.