Từ thời cổ đại, con người đã tìm kiếm cách để sống mãi mãi. Nhiều vị Pharaoh của Ai Cập hay vua chúa Trung Quốc bị ám ảnh bởi khái niệm "bất tử" và tìm đến những vị thuốc trường sinh nhằm kéo dài tuổi thọ của mình, và cuối cùng cũng không chống lại được quy luật tự nhiên.
Ở thời hiện đại, nhiều công ty tiếp tục cung cấp dịch vụ kéo dài sự sống, thậm chí tìm cách hồi sinh con người kể cả sau khi chết. Thay máu, chỉnh sửa gen hay giữ thi thể ở nhiệt độ cực kỳ thấp là những cách mà con người hiện đại tìm tới sự sống trường tồn bằng công nghệ.
Truyền máu người trẻ vào cơ thể là một trong những công nghệ "trẻ mãi không già" đang dần phổ biến. Ảnh: Alamy. |
Cái chết là "vấn đề giải quyết được"
Tỷ phú Peter Thiel, một trong những nhà đầu tư sớm nhất của Facebook, từng gây tranh cãi vào năm 2012 khi chia sẻ quan điểm về cái chết.
"Rất nhiều người tin rằng cái chết là tự nhiên, một phần của cuộc sống, và tôi thì nghĩ rằng quan điểm đó hoàn toàn sai lầm", Business Insider dẫn lời tỷ phú này vào năm 2012.
Ở ngoài đời, việc bảo quản và hồi sinh sự sống không đơn giản như trong phim. Ảnh: 20th Century Fox. |
Song song với phát biểu của mình, ông Thiel cũng đầu tư vào rất nhiều startup nghiên cứu về các biện pháp chống lão hoá. Những giải pháp mà các startup này nhắm đến rất đa dạng: từ chỉnh sửa gen tới tiếp nhận máu từ người trẻ tuổi hơn.
"Sẽ có hàng triệu người không chết nếu như họ lựa chọn như vậy. Nếu chăm sóc cơ thể một cách hoàn hảo, chúng ta có thể sống tới 125 tuổi", James Strole, giám đốc của tổ chức chuyên nghiên cứu và gọi vốn về kéo dài tuổi thọ Coalition of Radical Life Extension nói với Guardian.
Sự sống trường tồn dường như là một danh mục đầu tư hấp dẫn với các tỷ phú của thung lũng Silicon. Theo Guardian, những lãnh đạo công nghệ như Sergey Brin, Larry Page, Jeff Bezos và Peter Thiel đã đổ hàng triệu USD vào các startup để giải quyết cái chết.
Đi tìm sự trường sinh
Những giải pháp giúp đảo ngược quá trình lão hoá hay cái chết khá đa dạng, nhưng được chia thành vài "trường phái" chính.
Giải pháp đầu tiên là thay đổi gen. Các nhà khoa học tập trung vào telomere, những trình tự lặp lại của DNA ở các đầu mút của nhiễm sắc thể. Mỗi lần tế bào tự sao chép, telomere sẽ ngắn dần đi và cuối cùng ngắn tới mức tế bào không thể tự tái tạo được nữa. Nói cách khác, con người già đi.
Truyền máu thanh niên liệu có giúp người già bớt bệnh tật? Ảnh: Getty. |
"Nếu có thể tái tạo telomere về trạng thái như khi chúng ta vừa sinh, bạn có thể trở lại tuổi 25. Chúng ta sẽ không trở thành trẻ con, mà chỉ trở về trạng thái khi đã dừng lớn", ông Strole chia sẻ.
Phương pháp đáng chú ý tiếp theo là "thay máu". Nhiều công ty cung cấp dịch vụ truyền máu của người trẻ, với niềm tin rằng dòng máu tươi trẻ sẽ giúp cho nội tạng cơ thể trở lại trạng thái như xưa.
Mỗi lần truyền máu như vậy chi phí lên tới hàng nghìn USD cho một lít máu. Một "liệu trình" với nhiều lần truyền máu sẽ tiêu tốn hàng trăm nghìn USD.
"Bạn sẽ không trẻ lại tuổi 20 chỉ sau 1 lần truyền máu đâu", nhà sáng lập Jesse Karmazin của công ty Ambrosia nói với TechCrunch.
Giải pháp thứ ba không nhắm tới mục tiêu "trẻ mãi không già", mà thực sự tìm kiếm cách bảo quản người chết để hồi sinh trong tương lai. Nhiều công ty cung cấp dịch vụ bảo quản xác chết ở nhiệt độ -196 độ C bằng nitro lỏng, hay còn gọi là phương pháp cryonics.
Một dãy tủ chứa thi thể của Alcor. Công ty này đang bảo quản khoảng 170 thi thể và bộ não bằng nitro lỏng. Ảnh: New York Times. |
Tuy đến nay chưa có cách nào thực sự hồi sinh người chết, những người vận hành các công ty bảo quản vẫn tin tưởng điều này sẽ có trong tương lai.
"Alcor can thiệp vào giai đoạn qua đời càng sớm càng tốt ngay sau khi một người được chứng tử để bảo quản bộ não tốt nhất có thể. Alcor tìm cách bảo quản tốt nhất vùng não bộ chứa thông tin, ký ức và định vị cá nhân, chính là lằn ranh giữa sống và chết.
Cryonics là cách bảo quản xác người ở nhiệt độ cực kỳ thấp để đảm bảo xác nguyên vẹn, với mục tiêu phục hồi sức khoẻ khi công nghệ này xuất hiện trong tương lai", trang web của công ty bảo quản Alcor cho biết.
Dịch vụ của công ty này có giá từ 80.000 USD cho bảo quản bộ não, tới 200.000 USD cho bảo quản cả xác. Theo New York Times, Peter Thiel thừa nhận mình đã đăng ký sử dụng dịch vụ của Alcor.
Những câu hỏi lớn
Những phương pháp kéo dài tuổi thọ nói trên đều gây tranh cãi về khoa học, thậm chí bị các cơ quan quản lý về y tế thẳng thắn gạt bỏ.
Vào tháng 2/2019, Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) của Mỹ đã tuyên bố việc truyền máu từ người trẻ "không nên coi là biện pháp an toàn hay hiệu quả".
“Những phương pháp này không chứng tỏ được tác dụng lâm sàng như quảng cáo và còn có thể nguy hại", thông báo của FDA viết. Với thông báo này, FDA đã thẳng thắn gạt bỏ những lời quảng cáo chữa được bệnh mất trí nhớ Alzheimer, hay tăng cường sức mạnh của các công ty truyền máu.
Đoạn đầu của gen con người có thể giúp chúng ta trường sinh? Ảnh: Human Genome Program. |
Ngay sau thông báo này của FDA, Ambrosia cho biết đã dừng hoạt động. Tuy nhiên vào tháng 6/2019, nhà sáng lập Jesse Karmazin cho biết ông đã lập nên một công ty mới vẫn hoạt động trong lĩnh vực truyền máu, nhưng không liên quan đến tuổi, theo Business Insider.
Nghiên cứu khoa học về những phương pháp trẻ hoá khác vẫn còn một quãng đường dài phía trước. Các nghiên cứu về telomere của nhà khoa học Elizabeth Blackburn đã được trao giải Nobel cho lĩnh vực Sinh lý học và Y học.
Đây đang là một hướng đi được đầu tư mạnh mẽ, nhưng chưa có nhiều kết quả nghiên cứu trong thực tế. Quan trọng hơn, nó cũng không đồng nghĩa với chìa khoá để loài người bất tử.
Một bệnh nhân vừa qua đời đang được các kỹ thuật viên chuẩn bị để đưa vào bể bảo quản xác ở nhiệt độ siêu thấp. Ảnh: New York Times. |
"Phương pháp này giúp mọi người khoẻ mạnh lâu hơn và loại bỏ một số bệnh đặc trưng của tuổi già. Nó không đồng nghĩa với trường sinh bất lão, dù đúng là kéo dài tuổi thọ sẽ làm giảm tỷ lệ chết", bà Blackburn giải thích trên Guardian.
Phương pháp bảo quản thi thể ở nhiệt độ siêu thấp thì gây tranh cãi về khoa học, bởi đến nay không có cách nào hồi sinh người đã chết. Tuy vậy, đây vẫn là dịch vụ được nhiều người lựa chọn, đơn giản như một hình thức bảo quản thi thể sau khi chết.
Năm 2016, một bé gái 14 tuổi ở Anh đã bày tỏ nguyện vọng được bảo quản thi thể sau khi qua đời vì ung thư. Nguyện vọng này đã được chấp thuận sau khi cha mẹ cô bé phải đưa nhau ra toà để tìm phán quyết. Tuy vậy, cha cô vẫn cho rằng đây là một việc làm sai trái về mặt đạo đức.
"Tôi tin rằng họ đang bán niềm hi vọng sai lầm cho những người sợ chết, và lợi dụng con người ở trạng thái mong manh. Khi tôi hỏi liệu tỷ lệ hồi sinh của con mình liệu có được 1 phần triệu không, họ không dám trả lời", cha cô bé trả lời trên tờ Mail.