Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Con người có thể làm gì khi thiên thạch lao đến Trái Đất

Khi một thiên thạch lớn lao vào Trái Đất, sự hủy diệt sẽ rất kinh hoàng và con người khó có thể phòng tránh. Tuy vậy, các nhà nghiên cứu cũng cho rằng sự sống không dễ mất đi.

va cham thien thach anh 1

Ảnh minh họa: NASA.

Dựa trên phép ngoại suy từ tỷ lệ hố va chạm trên mặt trăng, người ta tính rằng có khoảng 2.000 tiểu hành tinh đủ lớn để đe dọa Trái Đất thường bay ngang qua quỹ đạo của chúng ta. Tuy nhiên, các tiểu hành tinh với kích cỡ nhỏ hơn – bằng một ngôi nhà chẳng hạn – cũng có thể tàn phá cả một thành phố. Số lượng những mảnh vụn có quỹ đạo qua Trái Đất là khoảng hàng trăm nghìn đến hàng triệu, và ta không thể nào theo dõi chúng.

Đối tượng đầu tiên được phát hiện vào năm 1991, chỉ sau khi nó đã bay qua chúng ta. Có tên là BA 1991, tiểu hành tinh này được phát hiện khi đã bay xa Trái Đất 170.000 km – theo cách lý giải của vũ trụ học thì giống như một viên đạn xuyên qua ống tay áo mà không chạm vào cơ thể.

Ba năm sau, một tiểu hành tinh khác lớn hơn cũng bay sượt qua và cách Trái Đất 104.000 km – khoảng cách gần nhất từng được ghi nhận. Tiểu hành tinh này chỉ được phát hiện khi đã đi qua chúng ta và cũng xuất hiện mà không hề báo trước. Theo Timothy Ferris ở tờ New Yorker, những tiểu hành tinh bay qua với khoảng cách rất gần như vậy xảy ra từ hai đến ba lần một tuần nhưng không hề được phát hiện.

Không thể phát hiện một vật thể có đường kính khoảng 100 m bằng những kính viễn vọng đặt trên Trái Đất cho đến khi nó chỉ còn cách chúng ta một vài ngày, đó là trong trường hợp các kính viễn vọng chuyên nghiệp tập trung quan sát. Nhưng điều này khó có thể thực hiện vì số lượng những người theo dõi các tiểu hành tinh thời đó có lẽ chỉ bằng số nhân viên trong một cửa hàng McDonald’s trung bình. (Ngày nay thì có thể cao hơn. Nhưng không hơn nhiều.)

[...] Tôi đã đặt câu hỏi rằng liệu con người có nhận được cảnh báo nào khi một tảng thiên thạch lớn lao về phía chúng ta ngày nay không.

“Hầu như là không,” Anderson lập tức trả lời, “chúng ta không thể phát hiện nó bằng mắt thường cho đến khi nó nóng rực lên. Nghĩa là chỉ khi thiên thạch đã chạm vào bầu khí quyển, khoảng một giây trước khi va vào Trái Đất. Chúng ta đang nói về các vật thể bay nhanh gấp hàng chục lần những viên đạn nhanh nhất. Chúng sẽ hoàn toàn khiến chúng ta bất ngờ trừ khi được phát hiện bởi một kính thiên văn trước đó, với xác suất cực nhỏ”.

Mức độ của một va chạm phụ thuộc vào rất nhiều biến số – góc tiếp xúc, vận tốc và quỹ đạo, điểm tiếp xúc, độ rắn của vật va chạm – ta chỉ đo được tất cả những điều này nhiều triệu năm sau khi va chạm xảy ra. Những gì các nhà khoa học có thể làm – như Anderson và Witzke thực hiện – là nghiên cứu vùng va chạm và tính toán năng lượng phát ra. Từ đó, họ có thể miêu tả khá chính xác những gì đã diễn ra – hay khủng khiếp hơn là những gì sẽ diễn ra.

Một tiểu hành tinh hoặc sao chổi đang bay với vận tốc vũ trụ sẽ đâm sầm vào Trái Đất với vận tốc đủ để không khí bên dưới không kịp thoát và sẽ bị nén như khí trong một chiếc bơm xe đạp. Ai đã từng dùng chiếc bơm này đều biết, khí nén nóng lên rất nhanh và nhiệt độ bên dưới nó sẽ tăng lên khoảng 60.000 Kelvin, gấp 10 lần nhiệt độ trên bề mặt Mặt Trời. Trong khoảnh khắc chạm vào bầu khí quyển, tất cả mọi vật trên đường đi của nó – con người, nhà cửa, xe cộ sẽ nhăn nhúm và biến mất như những miếng giấy bóng kính hơ trên lửa.

[...]

Lượng bụi và tro tàn bay ra từ vụ va chạm có thể che khuất Mặt Trời trong nhiều tháng, thậm chí là hàng năm, gây gián đoạn mọi chu kỳ phát triển tự nhiên. Năm 2001 những nhà nghiên cứu tại Học viện công nghệ California đã phân tích các đồng vị hêli từ trầm tích còn sót lại của vụ nổ KT và kết luận nó gây ảnh hưởng đến khí hậu Trái Đất trong khoảng 10.000 năm. Người ta cho rằng khí hậu cũng là một nhân tố đẩy loài khủng long đến chỗ tuyệt chủng.

Chúng ta chỉ có thể dự đoán xem con người liệu có thể đương đầu với các sự cố như vậy hay không. Tóm lại, hãy nhớ thảm họa đó có thể xảy ra bất thình lình ngay trên bầu trời tươi sáng này vào bất cứ thời điểm nào. Bây giờ hãy tưởng tượng, nếu có thể nhìn thấy vật thể đang lao đến, chúng ta sẽ làm gì? Hầu hết mọi người đều cho rằng loài người sẽ phóng một đầu đạn hạt nhân lên vũ trụ và phá tan tảng thiên thạch thành trăm mảnh.

Tuy nhiên ý tưởng này rất có vấn đề. Trước hết, như John S. Lewis lưu ý, thì tên lửa của chúng ta không được thiết kế để vận hành trong hoàn cảnh vũ trụ. Chúng không có đủ sức mạnh để thoát khỏi lực hấp dẫn của Trái Đất, và nếu có thì cũng không có một cơ chế nào có thể định hướng cho chúng vượt qua hàng chục triệu kilômét trong vũ trụ.

Khả năng tiếp theo là loài người sẽ phải gửi các cao bồi không gian lên vũ trụ trên một chiếc phi thuyền, như trong bộ phim Ngày tận thế [Armageddon]. Nhưng rất tiếc, những tên lửa mạnh nhất của chúng ta cũng chỉ đưa họ lên tới Mặt Trăng là cùng thôi. Tên lửa cuối cùng có khả năng làm điều đó, Saturn 5, cũng đã ngừng hoạt động từ nhiều năm trước. Loài người cũng sẽ không kịp tạo ra một tên lửa mới bởi những bệ phóng của Saturn đã bị phá hủy trong chiến dịch làm sạch vào mùa xuân của NASA.

Trong trường hợp chúng ta có thể phóng đầu đạn hạt nhân và phá hủy thiên thạch thành từng mảnh vụn, thì có nhiều khả năng những chuỗi mảnh vụn đó sẽ lao về phía chúng ta giống như sao chổi Shoemake Levy lao về sao Mộc – chỉ khác là những mảnh vụn đó đã nhiễm xạ rất nặng.

Tom Gehrel, nhà tìm kiếm các tiểu hành tinh ở Đại học Arizona, cho rằng dù có được cảnh báo trước một năm thì loài người cũng trở tay không kịp. Nhưng khả năng lớn hơn sẽ là, chúng ta chẳng thể nhìn thấy điều gì – kể cả một sao chổi – cho đến khi nó chỉ còn cách chúng ta khoảng sáu tháng, khi đó thì mọi chuyện đã quá muộn. Cũng như Shoemaker Levy đã ở trên quỹ đạo của sao Mộc từ năm 1929, nhưng mãi đến nửa thế kỷ sau người ta mới phát hiện nó.

Mọi khả năng trên đều rất khó tính toán và có sai số đáng kể, nên chúng ta sẽ không thể biết chắc vụ va chạm có xảy ra hay không cho đến những ngày cuối cùng – có thể là cách vài tuần. Trong suốt thời gian đó, ta sẽ sống trong âu lo – hẳn sẽ là những tháng thăng trầm nhất trong lịch sử nhân loại trước khi ta có thể mở tiệc ăn mừng nếu vượt qua một cách an toàn.

Tôi hỏi Anderson và Witzke câu cuối cùng: “Khoảng bao lâu thì sẽ có một sự kiện như vụ nổ Manson xảy ra?” “Trung bình là khoảng một triệu năm một lần,” Witzke cho biết.

“Đây chỉ là vụ va chạm nhỏ,” Anderson tiếp tục, “mà anh có biết có bao nhiêu loài tuyệt chủng sau vụ Manson không?”

Tôi không có câu trả lời.

“Không loài nào cả,” ông nói với một sự hài lòng kỳ lạ. Tất nhiên, Anderson và Witzke không quên nhấn mạnh rằng sự hủy diệt sẽ rất kinh hoàng. Tuy vậy, sự sống trên Trái Đất này cũng thật kiên cường, khi những đám khói bụi tan đi, sẽ vẫn còn các sinh vật may mắn sống sót đủ để không loài nào biến mất mãi mãi.

Tin tốt là việc xóa sổ một loài không dễ chút nào. Tin xấu là chúng ta không thể lúc nào cũng mong chờ những tin tốt lành. Dù đó là thảm họa khủng khiếp đến đâu thì chúng ta cũng không thể cứ nhìn chăm chăm vào không gian để tìm kiếm những kẻ hủy diệt bằng đá. Bởi bạn sẽ thấy bản thân Trái Đất này cũng đầy rẫy những mối hiểm nguy.

Bill Bryson / NXB Khoa học Xã hội và Omega Plus

SÁCH HAY