Con người bắt đầu khai thác tài nguyên trên vũ trụ từ 2020
Những người tiên phong trong lĩnh vực du lịch không gian hiện đang ấp ủ một dự án trị giá hàng ngàn tỉ USD nhằm khai thác tài nguyên trên các tiểu hành tinh bay gần trái đất.
>>Một tiểu hành tinh đang bay qua trái đất
>>Xây dựng cánh đồng kính thiên văn khổng lồ để quan sát vũ trụ
Lo ngại nguồn tài nguyên trên trái đất sẽ cạn kiệt dần, việc khai mỏ trên không gian đã được tính đến và dự án mang tên Planetary Resources ra đời. Những tiểu hành tinh bay gần trái đất hứa hẹn sẽ mang đến cho con người nguồn tài nguyên khổng lồ để phục vụ sự phát triển của loài người.
Dự án này được tài trợ trợ những khoản tiền khổng lồ từ các tỉ phú, trong đó có CEO Larry Page và giám đốc điều hành Eric Schmidt của Google cùng với đạo diễn bộ phim Avatar nổi tiếng thế giới, James Cameron.
Khai mỏ trên các tiểu hành tinh. |
Kế hoạch giống trong phim viễn tưởng này được công bố hôm thứ ba vừa qua. Theo đó, những khoản tiền khổng lồ sẽ được sử dụng để xây dựng hệ thống tàu robot và phi thuyền không người lái. Bước đầu tiên trong vòng 18-24 tháng tới của dự án này là bắt đầu với kính thiên văn Arkyd-100 bay quanh quỹ đạo trái đất để tìm những tiểu hành tinh thích hợp cho việc khai thác.
Trong giai đoạn sau đó, công ty The Bellevue ở Washington sẽ phải chi tiếp những khoản kinh phí khổng lồ khác để chế tạo các loại tàu có khả năng khai thác các kim loại quý như vàng, bạch kim trên vũ trụ cũng như làm thế nào để đưa nước và những chất liệu có thể hỗ trợ cuộc sống ở bên ngoài không gian. Người ta dự kiến trạm nhiên liệu không gian sẽ được hoàn tất vào năm 2020.
Việc khai thác tài nguyên từ các tiểu hành tinh được kì vọng sẽ đóng một phần quan trọng không chỉ giúp thúc đẩy các ngành công nghiệp trên mặt đất mà còn có thể trở thành nguồn cung ứng nhiên liệu bên ngoài không gian cần thiết cho tiến trình chinh phục vũ trụ của loài người.
Diamandis và Anderson đã nảy sinh ý tưởng về Planetary Resources từ năm 2009. Tuy nhiên, những thông tin đầu tiên về dự án này mới được công khai trong một sự kiện báo chí tại Seattle hôm qua 24/4. Diamandis khẳng định: “Nó có thể khó thực hiện hay thậm chí là vô cùng khó khăn nhưng lợi nhuận kinh tế và lợi ích cho nhân loại mà nó mang đến sẽ cực kỳ lớn”.
Theo đó, vật liệu vũ trụ sẽ đảm bảo khả năng phát triển của nhân loại và giúp các thiết bị điện tử thiết yếu có giá thành rẻ nhưng chất lượng hoạt động tốt hơn. Ví dụ, một tiểu hành tinh có kích cỡ 500m được cấu tạo hoàn toàn bằng bạch kim sẽ có giá trị bằng tổng số chất liệu tương tự được khai thác trên trái đất từ trước tới nay. Một tiểu hành tinh kích cỡ 80m nằm gần phải trái đất có giá trị lên tới 100 tỷ USD.
Cố vấn của dự án là cựu phi hành gia Tom Jones của NASA cho biết, các doanh nghiệp thương mại có thể làm những điều mà chính phủ không thể, như việc chế tạo nhiều tàu vũ trụ đơn giản với chi phí sản xuất tương đối thấp, tốc độ sản xuất nhanh và họ sẵn sàng bỏ đi một số tàu trong quá trình hoạt động.
Các chuyên gia nhận định, việc khai mỏ ở các tiểu hành tinh thành công không chỉ giúp cho sự phát triển của trái đất được lâu bền mà nó còn cho con người có thể khám phá hệ mặt trời cũng như các nơi khác xa hơn trong vũ trụ. Nó cũng sẽ giúp các nhà khoa học hiểu thêm về lịch sử của vũ trụ bởi các tiểu hành tinh thường có thời gian hình thành rất lâu và chúng bay rất xa trong vũ trụ.
Hồng Duy
Theo Infonet.vn