Theo tòa án phúc thẩm tại Mỹ, mặc dù không tạo ra trang Facebook đó nhưng các phụ huynh này phải chịu trách nhiệm vì để nó tồn tại trong hơn một năm liền.
Từng có trường hợp nạn nhân là một thiếu niên đã tự tử sau khi bị đe dọa, trêu chọc trên mạng Internet. Ảnh minh họa. |
Năm 2011, Alexandria (Alex) Boston, một học sinh trung học ở Cobb County, Georgia, ở cùng phòng với hai người bạn khác là Dustin Athearn và Melissa Snodgrass. Athearn và Snodgrass đã tạo ra trang Facebook giả mạo tên của Boston. Họ đăng tải những bức ảnh của Boston sau khi đã dùng ứng dụng “khuôn mặt béo ú” để chỉnh sửa, viết những status gợi ý rằng Boston có quan điểm phân biệt chủng tộc và là một người đồng tính nữ.
Tài khoản giả mạo này đã kết bạn với hơn 70 người, đều là bạn cùng lớp, bạn bè và gia đình của Boston. Boston nghi ngờ Athearn đã làm việc này. Bố mẹ cô bé là Amy và Christopher Boston đã báo cáo vụ việc lên nhà trường. Cả Athearn và Snodgrass đều thừa nhận đã tạo ra trang Facebook đó. Nhà trường cũng thông báo vụ việc cho bố mẹ của hai người.
Tuy nhiên, trang Facebook giả mạo này vẫn không bị gỡ bỏ. Mãi đến tháng 4/2012, tài khoản Facebook đó mới bị đóng, một tháng sau khi Alex Boston đệ đơn kiện chống lại Athearn, Snodgrass và bố mẹ của họ.
Hiện nay, tại Mỹ đã có hơn 30 bang thông qua luật chống nạn “bắt nạt trẻ em trên mạng Internet” nhưng trách nhiệm của bố mẹ các em phạm tội không bị quy kết. Năm ngoái, trang Tin tức buổi sáng Dallas (Dallas Morning News) đưa tin về trường hợp một thiếu niên ở Florida đã tự tử sau khi bị đe dọa, trêu chọc trên mạng Internet.