Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Cơn gió ngược' trì hoãn hàng không và du lịch ở Trung Quốc

Quá trình phục hồi của ngành hàng không và du lịch ở Trung Quốc gặp thách thức bởi vấn đề nhân sự cùng những lo ngại về dịch bệnh bùng phát.

Trung Quốc đã mở cửa biên giới trở lại sau ba năm, loại bỏ các yêu cầu kiểm dịch đối với khách du lịch trong nước và loại bỏ các hạn chế đối với các chuyến bay quốc tế.

Tuy vậy, câu hỏi du lịch xuyên biên giới bao giờ trở lại mức trước Covid-19 vẫn rất khó để trả lời.

Khó đoán

Trong một kịch bản rất lạc quan, các chuyến bay quốc tế đến và đi từ Trung Quốc sẽ quay trở mức năm 2019 sớm nhất là vào mùa hè.

Nhưng dự đoán này đi kèm với một số cảnh báo. Trong đó, lo ngại lớn nhất là việc bao giờ các sân bay có thể đưa nhân viên an ninh và các giao thức trở lại hoạt động hết công suất. Các hãng hàng không cũng cần tăng tốc trong việc đưa phi công và phi hành đoàn trở lại. Chưa kể, nguy cơ bùng phát Covid-19 tràn lan cũng sẽ kìm hãm nhu cầu phục hồi.

Trung Quoc,  dich benh,  han che anh 1

Ngành hàng không Trung Quốc gặp nhiều thách thức trong quá trình phục hồi. Ảnh: China Airlines.

Cánh cửa du lịch quốc tế cho người dân ở Trung Quốc đã mở ra vào ngày 8/1. Các hạn chế đối với các chuyến bay quốc tế cũng được dỡ bỏ.

Tuy nhiên, từ chủ nhật, số ca nhiễm chủng mới dự kiến ​​sẽ tăng nhanh và các chuyên gia cho rằng không thể loại trừ khả năng bùng phát dịch mới trong nước. Các chuyên gia cho biết làn sóng tiềm tàng của các biến thể Covid-19 mới sẽ ảnh hưởng đến sự phục hồi của thị trường.

Một số chuyên gia về các biện pháp kiểm soát dịch bệnh đã đề xuất cách ly tại nhà trong 3 ngày đối với khách du lịch trong nước để tạo bức tường lửa và làm chậm quá trình xâm nhập của biến thể mới. Hiện, chính phủ dường như chưa xem xét vấn đề này.

Trở lại bầu trời

Nhiều hãng hàng không nội địa cho biết vào cuối tháng 10 rằng họ sẽ nối lại nhiều chuyến bay quốc tế hơn khi chính phủ dần nới lỏng các biện pháp phòng chống Covid-19 đối với du khách quốc tế. Tính đến cuối tháng 12, ba hãng hàng không quốc doanh lớn nhất của Trung Quốc là Air China, China Eastern Airlines và China Southern Airlines đã nối lại dịch vụ trên 136 tuyến quốc tế.

Do các sân bay cần thời gian để khôi phục khả năng xử lý kiểm tra an ninh hành khách và các giao thức khác, Cục Hàng không Dân dụng Trung Quốc (CAAC) cho biết họ hy vọng rằng ngành sẽ dần lấy lại tốc độ chứ không tiếp tục khai thác nhiều đường bay quốc tế cùng một lúc.

Các chuyến bay nội địa cũng đã tăng trở lại, CAAC kỳ vọng các chuyến bay nội địa sẽ phục hồi tới 88% mức trước đại dịch vào cuối tháng này.

“Nhưng đối với các chuyến bay quốc tế, không có mục tiêu rõ ràng” - một quan chức tại CAAC nói với Caixin.

Li Hanming, một nhà tư vấn hàng không độc lập tại Li & Li Consultancy cho biết hiện tại, nhu cầu bay quốc tế vẫn đang bị bỏ ngỏ. Các sân bay và hãng hàng không đang chịu tổn thất lớn sẽ phải vật lộn để tăng số lượng nhân viên một cách nhanh chóng.

Trung Quoc,  dich benh,  han che anh 2

3 năm qua, các hãng hàng không của Trung Quốc đã gặp rất nhiều khó khăn. Ảnh: FT.

Việc mở cửa trở lại mang tới hy vọng cho các công ty hàng không của Trung Quốc cùng các đối tác quốc tế của họ. Những doanh nghiệp này đã gặp khó khăn trong 3 năm qua khi việc du lịch quốc tế đến và đi từ đất nước này gần như bị đình trệ.

Tổng lợi nhuận lũy kế của ngành hàng không dân dụng Trung Quốc từ năm 2015 đến 2019 là khoảng 160,4 tỷ nhân dân tệ (23,5 tỷ USD), theo dữ liệu từ CAAC. Để so sánh, ngành này đã thiệt hại gần gấp đôi trong ba năm xảy ra đại dịch. Trong 3 quý đầu năm 2022, 3 hãng hàng không quốc doanh lớn nhất đã báo cáo khoản lỗ ròng tổng cộng 73,8 tỷ nhân dân tệ, theo tính toán của Caixin.

Hỗ trợ của chính phủ

Chính phủ đã đưa ra một giải pháp cho ngành. Vào tháng 7, CAAC đã điều phối việc bơm tiền mặt trị giá 3 tỷ nhân dân tệ (439 triệu USD) vào Air China, China Eastern Airlines và China Southern Airlines và 2 tỷ nhân dân tệ đến Capital Airport Holding.

Ngoài khoản vay khẩn cấp 65,6 tỷ nhân dân tệ cho các hãng hàng không và sân bay, chính phủ còn cung cấp thêm 150 tỷ nhân dân tệ cho các hãng hàng không. Bắc Kinh còn đưa ra nhiều chính sách ưu đãi, bao gồm miễn nộp 1% thuế giá trị gia tăng vào năm 2022. CAAC cũng miễn cho các hãng hàng không khoản đóng góp Quỹ phát triển hàng không dân dụng năm 2020.

Một trở ngại chính cho sự phục hồi của ngành là thiếu nhân sự. Trong đại dịch, nhiều hãng hàng không đã chuyển các chuyến bay chở khách quốc tế sang chở hàng, một số hãng thậm chí còn cung cấp dịch vụ giao đồ ăn trong thời gian phong tỏa, bao gồm China Eastern Airlines và Juneyao Air. Năm 2021, Hainan Airlines đã thực hiện 315 chuyến bay chở hàng quốc tế.

Do đó, nhiều phi công đã không có đủ thời gian bay trong ba năm qua để duy trì trình độ cần thiết.

Han Tao, một nhà nghiên cứu tại Hiệp hội Vận tải Hàng không Trung Quốc cho biết việc nối lại các chuyến bay quốc tế là một thách thức lớn đối với các phi công, cả về tinh thần và kỹ thuật.

Ngoài ra, do các tiếp viên hàng không quốc tế cần phải có trình độ và đào tạo bổ sung nên các hãng hàng không được phép nối lại nhiều chuyến bay quốc tế hơn cũng không thể sớm có đủ nhân viên.

Mùa hè năm nay, sân bay Heathrow ở London chứng kiến ​​tình trạng hủy chuyến bay trên diện rộng và tình trạng hỗn loạn khi nhận hành lý do các chuyến bay tăng đột biến vào mùa hè và tình trạng thiếu nhân viên mặt đất nghiêm trọng tại sân bay.

Sân bay này trước đại dịch đã xử lý hơn 80 triệu hành khách quốc tế hàng năm, là một trong những sân bay bận rộn nhất thế giới. Nó đã trải qua sự gia tăng số lượng hành khách lớn nhất so với bất kỳ sân bay châu Âu nào trong năm ngoái, với hơn sáu triệu người.

“Chúng ta cần học các bài học từ nước ngoài và tránh mất cảnh giác khi mở cửa trở lại”, ông Han nói.

Rào cản du lịch

Do chính sách cấp thị thực còn nhiều vấn đề, các quốc gia cấp thị thực khi đến hoặc miễn thị thực đã trở thành điểm đến phổ biến nhất với du khách Trung Quốc. Theo dữ liệu từ công ty du lịch trực tuyến Qunar, vào sáng ngày 27/12/2022, ba quốc gia hàng đầu về lượng đặt phòng khách sạn quốc tế trên nền tảng này là Thái Lan, Nhật Bản và Hàn Quốc - tăng 116%, 86% và 56% so với ngày hôm trước.

Ngược lại, do sự gia tăng các ca nhiễm bệnh ở Trung Quốc gần đây, nhiều quốc gia khác đã tăng cường các biện pháp kiểm dịch đối với du khách đến từ Trung Quốc. Nhật Bản đã bắt đầu yêu cầu xét nghiệm Covid-19 đối với tất cả hành khách đến từ Trung Quốc. Những người có kết quả xét nghiệm dương tính sẽ bị cách ly trong tối đa bảy ngày tại các cơ sở được chỉ định.

Mỹ cũng đã bắt đầu yêu cầu tất cả khách du lịch từ Trung Quốc phải có kết quả xét nghiệm Covid-19 âm tính không quá hai ngày trước khi bay đến nước này.

Các chính sách kiểm soát dịch này sẽ khó có thể làm chậm nhu cầu đi công tác nhưng nhu cầu du lịch có thể bị giảm sút.

Trung Quốc là thị trường du lịch nước ngoài lớn nhất thế giới trước đại dịch. Lượng du khách tăng từ 4,5 triệu năm 2000 lên hơn 300 triệu vào năm 2019, theo Tổ chức Du lịch Thế giới của Liên hợp quốc.

Theo UNWTO, du khách Trung Quốc cũng là những người “chịu chi" nhất thế giới. Họ đã chi 277 tỷ USD vào năm 2018 - gần gấp đôi so với nước xếp thứ hai là Mỹ - và chiếm gần 20% tổng chi tiêu du lịch quốc tế.

Theo UNWTO, con số này đã giảm 61% so với mức của năm 2019 trong 9 tháng đầu năm 2021. Các điểm đến như Thái Lan, Việt Nam, Hàn Quốc và Nhật Bản đã bị ảnh hưởng nặng nề.

Tương tự như ngành hàng không, tình trạng thiếu nhân sự trong ngành du lịch cũng đồng nghĩa với việc cần nhiều thời gian hơn để hoạt động trở lại bình thường. Số lượng nhân viên công ty du lịch ở Trung Quốc đã giảm từ 415.900 vào năm 2019 xuống còn 278.800 vào năm 2021, dữ liệu từ Bộ Văn hóa và Du lịch cho thấy.

"Có sự thiếu hụt lao động trong tất cả các lĩnh vực của ngành du lịch. Do thiếu niềm tin vào tiềm năng tiêu thụ của thị trường, các công ty du lịch chưa dám nhanh chóng mở rộng công suất” - Qunar nói với Caixin.

Vì vậy, hàng triệu người ở Trung Quốc có thể vẫn phải ở nhà dù đang khao khát một kỳ nghỉ quốc tế hoặc gặp gia đình và bạn bè ở nước ngoài sau 3 năm.

Ngành hàng không ráo riết đón Trung Quốc mở cửa

Các hãng hàng không Việt đang rục rịch trở lại thị trường tỷ dân. Ngành hàng không Trung Quốc cũng có những tín hiệu phục hồi tích cực.

Độc giả có thể tìm thêm nhiều câu chuyện truyền cảm hứng về những gương doanh nhân thành công, kinh nghiệm điều hành doanh nghiệp và những kiến thức mới mẻ thời đại 4.0 ở tuyển tập sách của Zing tại Tủ sách kinh tế

Diệu Thanh

Bạn có thể quan tâm