Cổ tích của Oscar Wilde xuất hiện phiên bản hoàn toàn mới. Với bản chuyển ngữ đậm chất thơ của dịch giả, nhà văn Nhã Thuyên kết hợp cùng phần minh họa chứa đầy mỹ cảm của họa sĩ Bích Khoa sẽ đem đến cho độc giả một cảm giác mới mẻ, quyến rũ khi một lần nữa bước vào thế giới văn chương Oscar Wilde.
Hai tập sách với 9 truyện theo phong cách cổ tích được gom lại toàn bộ trong cuốn sách này, Chàng hoàng tử hạnh phúc và những truyện khác (The happy prince and other tales, 1888) và Ngôi nhà thạch lựu (A house of Pomegranates, 1892) là những viên ngọc đặc biệt trong gia tài văn chương của Oscar Wilde.
Là một trong những người khởi xướng Trào lưu Mỹ học, với quan niệm “nghệ thuật vị nghệ thuật”, Oscar Wilde (1854-1900) viết trong một tiểu luận: “Người ta thường nói như thế đối lập với cái gì đẹp là cái gì đó hữu ích. Không có cái gì đối lập cái đẹp ngoại trừ cái xấu: Tất cả mọi thứ hoặc là đẹp hoặc là xấu”.
Nhã Thuyên tâm sự khi dịch sách Cổ tích của Oscar Wilde: “Tôi đã ngỡ ngàng trong cảm giác vươn tới cái đẹp thuần khiết, một thứ bản thể không tì vết của nghệ thuật khi chạm vào những trang viết cổ tích của Oscar Wilde”.
Sách Cổ tích của Oscar Wilde (trọn bộ). Ảnh: Kim Đồng. |
Thế giới đau khổ, thế giới đẹp đẽ
Nét nổi bật, xuyên suốt trong những sáng tác của Oscar Wilde chính là cái đẹp. Cái đẹp được khơi sâu từ trong chính những nỗi đau đớn của cuộc đời.
Truyện Chàng hoàng tử hạnh phúc xây dựng lên một thế giới đầy những điều đau khổ, con người phải vật vã chịu đựng sự đói nghèo, bất công.
Ở nơi đó, có chàng hoàng tử đẹp tuyệt vời, mình được dát toàn vàng ròng, mắt chàng là hai viên đá sa phia sáng và chuôi kiếm của chàng nạm một viên hồng ngọc lớn lấp lánh.
Chàng là biểu tượng của hạnh phúc, những người nghèo khổ nhìn ngắm chàng để mơ giấc mơ hạnh phúc, những đứa trẻ mồ cô tìm kiếm ánh mắt thiên thần từ chàng để an ủi bản thân... Nhưng chính chàng hoàng tử lại chưa bao giờ hạnh phúc.
Cho đến khi mối duyên lành đem đến cho chàng một chú Én nhỏ, đang bay về phía Ai Cập. Én nhỏ đã trở thành cầu nối giúp chàng làm những điều chàng muốn. Với chàng, đó mới chính là hạnh phúc đẹp đẽ.
Chàng nhờ Én nhỏ đem tặng những thứ quý giá tạo nên bức tượng của chàng cho những phận đời nghèo khổ trong thành phố, ấy là viên ngọc, là đôi mắt được làm bằng đá sa phia, là vàng ròng bóc ra từ chính thân mình của chàng... Chàng đã cho hết những thứ mình có cho đến khi chỉ còn là một khối chì buồn tẻ xám xịt.
Chàng giờ đây có vẻ ngoài thật xấu xí, nhưng ấy lại là khi chàng hạnh phúc nhất. Chàng lắng nghe được biết bao tiếng cười rộn ràng của những người nghèo, những đứa trẻ bất hạnh trong thành phố. Trái tim chàng trở nên ấm áp, rạng rỡ lạ thường.
Và Én nhỏ, mùa đông đã đến, nhưng cậu nhất quyết không rời khỏi chàng hoàng tử. Cậu gục chết dưới chân chàng hoàng tử.
Cái đẹp sâu thẳm nhất chính là cái đẹp của một tấm lòng nhân hậu với cuộc đời, ấy là cổ tích của đời sống, mà Oscar Wilde đã dụng tâm để tạo nên.
Không khí đời sống đau khổ thấm đẫm trong mỗi trang văn cổ tích của Oscar Wilde, nhưng cũng từ trong đời sống đau khổ ấy, cái đẹp được dung dưỡng, tỏa sáng.
Cuộc sống tốt đẹp lên không phải bởi một cái vẩy đũa thần của các ông bụt, bà tiên vốn xuất hiện trong những câu chuyện ngày xửa ngày xưa. Cổ tích của Oscar Wilde được tạo nên bởi những trái tim luôn hướng về cái đẹp.
Cái đẹp là điều Oscar Wilde theo đuổi suốt đời. |
Tận hiến cho tình yêu là cái đẹp tột cùng
Tình yêu khắc khoải trên mỗi trang viết của Oscar Wilde hiện lên ở dạng thức nguyên sơ nhất, “rạng rỡ vẻ đẹp tự nó, sự tồn tại tự nó, tự nguyện hiến mình, không trông chờ bất cứ phần thưởng nào, không mong mỏi kết thúc có hậu”. Ấy là thứ tình yêu “được làm đầy và trở nên hoàn hảo trong cái chết”.
Nàng Sơn Ca trong truyện Đóa hồng đỏ và chim sơn ca chính là biểu tượng của cái đẹp và tình yêu tận hiến mà Oscar Wilde đã gửi gắm, lan tỏa đến với mỗi người trong đời sống này. Tình yêu, còn gì đẹp đẽ và thống khổ hơn tình yêu.
Chàng trẻ tuổi say mê một thiếu nữ. Nàng muốn chàng đem đến tặng nàng một bông hồng đỏ, nàng sẽ đồng ý khiêu vũ với chàng. Nhưng trong những khu vườn trên thế gian này khi ấy chỉ có những bông hồng trắng.
Sơn Ca ngắm nhìn chàng trẻ tuổi, cảm động khi thấy lệ dâng trong mắt chàng. Sơn Ca cảm thấy được tình yêu quý giá trong trái tim chàng nên đã bay đi muôn nơi, tìm cho chàng một đóa hồng đỏ, nhưng không nơi đâu có.
Cây Hoa Hồng yêu cầu, nếu muốn có một đóa hồng đỏ, chỉ có một cách dùng máu và lời ca của Sơn Ca, để dòng máu đỏ của nàng chảy trong ngọn cây.
Sơn Ca đã hát suốt đêm, áp sát thân mình vào những chiếc gai nhọn của Hoa Hồng, để tạo nên một bông hoa đỏ tươi như máu.
“Sơn Ca lại áp hơn nữa bầu ngực nhỏ vào gai nhọn, và rồi, từng chiếc gai xuyên thấu trái tim, một cơn đau dữ dội xuyên thấu thân thể nàng. Sâu thẳm hơn, sâu thẳm hơn cơn đau, và rộng mở mãi, rộng mở mãi giọng hát Sơn Ca bởi Sơn Ca hát về một Tình Yêu, được làm đầy hoàn hảo bằng Sự Chết”.
Chân dung tác giả Oscar Wilde. Ảnh: Theculturetrip. |
Sơn Ca hay Nhóc Lùn, kẻ lùn xấu xí với trái tim vỡ khi đem lòng yêu nàng công chúa, hoặc hành trình ra đi và trở về với tình yêu của Chàng Đánh Cá, đều được Oscar Wilde trìu mến lưu giữ và tạo tác, để lại dấu ấn tình yêu tỏa khắp nhân gian.
Đóa hồng đỏ như máu là biểu tượng của tình yêu, của sự đẹp đẽ và sự tận hiến trong thế giới quan của Oscar Wilde. Tình yêu mạnh mẽ, vượt qua khỏi những điều tầm thường, và vượt lên cả cái chết để trở nên bất tử.
Sơn Ca không chỉ là biểu tượng của tình yêu mà còn là hình tượng thể hiện quan niệm sáng tác của Oscar Wilde. Nàng Sơn Ca như một người nghệ sĩ, và bông hồng đỏ chính là kiệt tác của người nghệ sĩ. Một kiệt tác tuyệt đẹp, được tạo nên bằng tình yêu và cái chết.
Tận hiến cho nghệ thuật đẹp đẽ cũng chính là điều mà cả đời Oscar Wilde theo đuổi. Quan điểm nghệ thuật có phần cực đoan ấy đã giúp Oscar Wilde tạo nên một thế giới quan sáng tạo độc đáo, khiến độc giả luôn lưu nhớ.