Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Con gái Thanh Hoa lên tiếng sau câu chuyện chấn động về cha

"Có những chi tiết mang tính chất 'nghe hơi nồi chõ', có chi tiết phỏng đoán, có chi tiết tôi tin là có thật vì tôi cảm nhận được tình cảm của một cậu sinh viên Y khoa", nhà thơ Phan Huyền Thư nói quanh cái chết bí ẩn của cha.

Con gái Thanh Hoa lên tiếng sau câu chuyện chấn động về cha

"Có những chi tiết mang tính chất 'nghe hơi nồi chõ', có chi tiết phỏng đoán, có chi tiết tôi tin là có thật vì tôi cảm nhận được tình cảm của một cậu sinh viên Y khoa", nhà thơ Phan Huyền Thư nói quanh cái chết bí ẩn của cha.

30 năm sau cái chết chấn động của người nghệ sĩ tài năng Phan Lạc Hoa, câu chuyện cũ lại được xới lên lần nữa qua lời kể của bác sĩ Sao Hồng, cậu sinh viên thực tập khoa Tâm thần, bệnh viện Bạch Mai ngày nào. Ông từng có thời gian chăm sóc Phan Lạc Hoa những ngày bạo bệnh và có những kỷ niệm, những năm tháng không thể quên với người nghệ sĩ này.

Trong câu chuyện đó nhắc đến cả mối tình sôi nổi, cuồng nhiệt của nhạc sĩ Phan Lạc Hoa với với ca sĩ Thanh Hoa, người đã cùng ông xây đắp cuộc sống và có với nhau những người con. Trong đó có cuộc sống cô độc của Phan Lạc Hoa, những ngày chữa bệnh tại bệnh viện, những ngày buồn khi ông và vợ quyết định ly hôn và cuối cùng là cái chết do treo cổ tự tử để lại nhiều dấu hỏi đau đớn.

Nhà thơ, nhà biên kịch Phan Huyền Thư.

NSND Thanh Hoa, nhân vật quan trọng trong câu chuyện ấy giờ đã có cuộc sống mới. Khi câu chuyện này được xới lên cũng là lúc bà bận rộn trong những chuỗi công việc. Vì thế, Thanh Hoa chưa có dịp đọc bài báo. Tuy nhiên, bà cũng nói, ở tuổi 62, với bà, những chỉ trích khen, chê đều không quan trọng nữa. 

Bà tự nhủ, bà đã sống những ngày tháng đáng tự hào về cuộc đời. Những người viết bài báo nọ, đã không liên lạc để nghe câu chuyện từ bà nên nghe kể lại nội dung  Thanh Hoa thấy có nhiều chi tiết không đúng sự thật: "Tôi sẽ không lên tiếng gì về những điều không đúng vì tôi không muốn nói đến chuyện cũ, xới lại chuyện ngày xưa chỉ làm đau lòng hai con gái Thư và Lữ. Tôi trân trọng anh Phan Lạc Hoa bằng tình cảm, đến giờ vẫn vậy. Vì thế, nói điều gì bất kỳ điều gì giờ cũng làm đau lòng người đã khuất. Anh Hoa mất là thiệt thòi của anh ấy. Tôi không muốn ở nơi nào đó, anh buồn thêm".

Phóng viên đã trò chuyện với nhà thơ Phan Huyền Thư (con gái nhạc sĩ Phan Lạc Hoa và NSND Thanh Hoa) để nghe chị kể về những năm tháng đầy sóng gió của cha mẹ.

- 30 năm sau ngày mất của cha mình, nỗi đau âm ỉ còn đó. Bây giờ nỗi đau ấy được xới lên qua lời kể của một người xa lạ. Chị có đọc hết những dòng chữ ấy? Và chị cảm thấy thế nào?

- Tôi đã chia sẻ với người thân rằng, quá khứ chưa bao giờ ngủ yên trong tôi, cho nên không cần ai phải đánh thức nó cả!

- Ký ức về những năm tháng cũ, với nhiều niềm đau, có bao giờ chị thu xếp lại, quyết định không nhớ về nó?

- Tôi mới nằm mơ thấy bố tôi có 2 hôm nay thôi, nếu tôi quên được nỗi đau này, chắc tôi sẽ bị mất trí. Tôi còn nợ lại người thân yêu nhiều câu chuyện về cha và tuổi thơ của tôi. Chồng, các con, em trai và em gái tôi cùng với các cháu… chưa bao giờ tôi có thể mở miệng nói ra nửa lời.

Chuyện suốt 30 năm qua như vừa xảy ra, làm sao có một ngày bỗng nhiên tan biến như mây khói được, tôi quyết định lúc nào cũng nhớ đến nó để mình có động lực sống một cách đàng hoàng tử tế nhất có thể. Tôi phải sống thay cho tất cả nhũng gì tốt đẹp mà lẽ ra bố tôi phải được hưởng. Không bao giờ nên tìm cách quên đi những gì thuộc về chính mình, cho dù nó có dữ dội đến đâu chăng nữa.

NSND Thanh Hoa.

- Chi tiết trong hai bài viết đăng tải trên một tờ báo mới đây khiến dư luận xôn xao, còn chị, thấy nó đúng sai ra sao?

- Có những chi tiết mang tính chất "nghe hơi nồi chõ", có chi tiết phỏng đoán, có chi tiết tôi tin là có thật vì tôi cảm nhận được tình cảm của một cậu sinh viên Y khoa với niềm tiếc thương và ngưỡng mộ một nhạc sĩ anh ta yêu thích…

- Người đời vẫn khắt khe, đổ lỗi cái chết của cha chị, nhạc sĩ Phan Lạc Hoa có một phần lỗi của mẹ chị, NSND Thanh Hoa, bài báo mới đây cũng càng khiến nhiều người có thể nghĩ vậy. Còn chị, để lên tiếng một lần rõ ràng về việc này, chị sẽ nói gì?

- Câu chuyện về bố tôi không chỉ là thứ "câu khách rẻ tiền" về cuộc tình đổ vỡ và sự bế tắc yếu đuối của một bệnh nhân. Đó là câu chuyện về một số phận ẩn dụ cho cả một thời kỳ "lý lịch chủ nghĩa" đã đẩy người ta đến bên bờ vực tuyệt vọng và sự cô độc trầm cảm thế nào. Bố tôi có quyền quyết định vận mệnh của mình, không phải là bản sơ yếu lý lịch của thành phần gia đình đại địa chủ hay "trốn quân dịch" để sống cuộc đời của người "lý lịch để trống", ngoài biên chế và ngoài bao cấp.

Thời đó, dám sống như vậy thật kinh khủng. Tôi nhớ một câu thơ của nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo: "Có người đang sống, mà như qua đời…". Biết đâu, bố tôi đã chọn cách "qua đời" để được sống mãi trong lòng bạn bè và người thân, khán giả yêu quý ông bằng tác phẩm, không muốn sống bằng thân phận của một bệnh nhân tâm thần vất vưởng bên lề xã hội? Khi người ta dùng từ "tự tử", không dùng bức tử hay ngộ sát, mưu sát… trong câu chuyện của bố tôi mà người đời vẫn còn tham vọng quy chụp cho một ai đó phải có lỗi là sao nhì? 

Gia đình nhạc sĩ Phan Lạc Hoa chụp trước khi nhạc sĩ mất, tháng 8/1982.

- Gia đình, người thân của chị phản ứng thế nào về hai bài báo vừa đăng?

- Mẹ tôi vừa gọi điện, bà chỉ nói: "Bây giờ mẹ mới hiểu tại sao hơn chục năm trước con nhất định nằng nặc bỏ nghề viết báo để chuyển sang làm phim". 

- Cùng là phụ nữ, chị thấy mẹ băng qua những ồn ào, dò xét của dư luận và bình thản đến ngày hôm nay như thế nào?

- Tôi không hình dung được hết những gì mẹ tôi nghĩ trong đầu, nhưng tôi cho rằng mẹ con tôi sống bằng quan niệm, mình phải xứng đáng là một con thuyền, dư luận cho dù tốt hay xấu cũng nên chỉ để nó là nước.

- Có khi nào, chị hỏi mẹ về quyết định cứng rắn trong chuyện ly hôn với cha?

- Suốt 30 năm qua, tôi chưa bao giờ hỏi mẹ (dù chỉ là một nửa câu hỏi bất kỳ mà có liên quan đến bố) kể từ khi ông mất. Cả tôi và mẹ đều là người tận mắt chứng kiến tất cả mọi thứ. Có gì mà còn phải hỏi nhau cho thêm đau lòng?

- Chị chứng kiến những năm tháng khó khăn ấy của cha mẹ thế nào?

- Tôi có trí nhớ rất tốt, bắt đầu từ khi 3 tuổi rưỡi, biết đọc, biết viết là tôi không quên bất kỳ chi tiết nào, bất kỳ điều gì có liên quan đến bố mẹ và gia đình tôi (có lẽ tôi sớm ý thức rằng mình có nghĩa vụ phải nhớ mọi thứ và bố tôi cũng đã tiên đoán rằng tôi có thiên bẩm để sau này sẽ trở thành nhà văn hay làm nghệ thuật).

Tôi không thể sống tầm thường được vì tất cả những gì tôi từng chứng kiến từ số phận của cha mẹ, tôi chỉ có một cách sống là ngẩng cao đầu, sống quyết liệt và bao dung.

- Và hờn trách mẹ nữa, người phụ nữ tài năng nhưng nhiều sóng gió?

- Đấy là một sự suy diễn vừa tầm thường vừa thiểu năng nhân cách. Cho dù mẹ tôi thế nào, bà vẫn là người sinh ra tôi.

- NSND Thanh Hoa nói, không muốn xới lại chuyện cũ, để làm đau các con và người đã khuất. Chị thấy, gợi lại chuyện cũ, có là ác ý?

- Mẹ tôi không cần phải nhạy cảm quá như thế.

- Những năm tháng sau sự ra đi của cha, chị đã chứng kiến mẹ sống như thế nào?

- Mẹ tôi đã có gia đình khác và sống yên ổn với gia đình riêng. Tất cả mọi điều mẹ cố gắng đã thành hiện thực, bạn đang nhìn thấy ở mẹ tôi và gia đình của chúng tôi hiện nay. Đối diện với cuộc đời luôn có hai cách, hoặc là than vãn, hoặc là chịu đựng. Chúng tôi chọn cách thứ hai. Và chúng tôi có được sự bình thản để lặng lẽ đi tiếp con đường của mình như bạn thấy.

Gia đình nhạc sĩ Phan Lạc Hoa chụp trước khi nhạc sĩ mất, tháng 8/1982

- Khi chị đi học, bao lâu sau người ta thôi nhìn chị với con mắt nghi hoặc, tò mò?

- Có khi, trong một năm học tôi phải chuyển 4 trường khác nhau để tập trung học và trốn tránh không cho các bạn đọc vè, trêu chọc và đánh đập. Tôi vừa yên ổn được ở trường này lại bắt đầu có đứa nghe bố mẹ chúng xì xào về gia đình mình, tôi lại bùng nổ chuyện trêu chọc, đánh đập, đàm tiếu. Có đứa còn giật khăn tang trên đầu tôi vứt xuống cống, nhưng tôi chưa bao giờ hé răng với mẹ. Tôi sợ mẹ không trụ được với sân khấu để kiếm tiền nuôi gia đình. Thời bao cấp, khốn khó và khắc nghiệt. Khi trưởng thành và bước chân vào làm nghệ thuật, tôi cũng quá hiểu giới truyền thông cho nên thấy mình bình thản và dễ tha thứ hơn với mọi chuyện xảy ra với mình sau này.

- Với chị và chị Lữ, có tin những điều cha mình nói với vị bác sĩ kia, trong lúc bạo bệnh là hoàn toàn sự thật?

- Thật ngây ngô! Bố tôi còn tâm sự với chị em tôi nhiều gấp hàng ngàn lần với anh Sao Hồng. Mặc dù ông biết là mãi sau này, khi lớn lên tôi mới hiểu hết những điều ông nói, tôi biết là bố tôi quá cô độc nên coi con như bạn, biết nói gì và nói với ai trong hoàn cảnh như vậy?

- Mỗi lần giỗ cha, chị có phải là một lần đau đớn không?

- Không, đau là khi người ta cứ cố gắng khai quật mọi thứ, chẳng buồn lấp lại. Còn với tôi, ngày giỗ chỉ thấy ấm áp và nhớ bố nhiều hơn. 

Phan Huyền Thư và em trai Phan Lạc Cao Nguyên (đã mất) chụp năm 1980.

- Bây giờ, gia tài của cha chị, chắc không ai quên được, nó giống như thứ gì tồn tại mãi mãi. Chị có ý định làm gì với gia tài ấy?

- Bố tôi không chỉ là một nhạc sĩ, ông còn ghi chép, làm thơ, viết kịch, còn nhiều tác phẩm nữa! Tôi nhớ, có lần đọc một bài phê bình trên báo Văn nghệ viết về thơ hiện đại, có trích một câu của bố tôi và đề là Khuyết danh: "Gió tựa vào tường, lưng gió thẳng/ Trăng nhìn cửa sổ, mắt trăng vuông…".  Tôi cũng chỉ cười thầm và chẳng buồn viết thư để tòa soạn đính chính. Gia đình chúng tôi bị giết chết vì danh tiếng như vậy là quá đủ, vậy nên, sau này có ai dựng chuyện là tôi háo danh là tôi lại phì cười. Tôi chỉ mong, sau khi tôi hoàn thành tập bút ký Phan Lạc Hoa trong trí nhớ bạn bè, và tuyển tập album các ca khúc chưa được công bố của ông sẽ có những độc giả yêu quý bố tôi và đón nhận nó trân trọng. Vậy thôi.

Theo VTC News

Theo VTC News

Bạn có thể quan tâm