Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Con gái giám đốc gốm sứ Thanh Hà liên quan thế nào vụ đổ dầu thải?

Ông Nguyễn Đức Truyền nói thủ kho đã tự ý xuất dầu khỏi công ty. Trong khi đó, biên bản của công an thể hiện nghi phạm vụ xả thải đã liên lạc với con gái ông này.

Trao đổi với Zing.vn chiều 21/10, ông Nguyễn Đức Truyền, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty CP Gốm sứ Thanh Hà (địa chỉ thị xã Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ), cho biết công an đang làm việc với con gái ông là Nguyễn Thị Huyền Trang (31 tuổi) và thủ kho công ty là Trần Thành Trung (44 tuổi) liên quan đến việc dầu thải của công ty này khiến nguồn nước cung cấp cho Hà Nội bị ô nhiễm.

Thủ kho tuồn dầu thải ra ngoài?

Lãnh đạo công ty cho biết ông Trần Thành Trung đã nhân lúc lãnh đạo không có nhà để "bán trộm" dầu thải. Số dầu thải sau đó đã gây ra sự cố ô nhiễm nước sông Đà, khiến hàng trăm nghìn hộ dân Hà Nội bị ảnh hưởng.

dau thai gom su Thanh Ha anh 1
Ông Nguyễn Đức Truyền, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty CP Gốm sứ Thanh Hà. Ảnh: Hồng Quang.

"Đây là dầu thải trong quá trình vận hành xe nâng và các máy móc, tương tự dầu thải của xe máy. Trước đây chúng tôi tận dụng dầu này để đốt lò nhưng khoảng 3-4 tháng nay, từ khi áp dụng công nghệ 4.0 thì dầu được dồn lại để chuyển cho đơn vị xử lý chất thải", ông Truyền cho biết.

Lãnh đạo công ty khẳng định trước đó đã ký hợp đồng với đơn vị xử lý chất thải nguy hại là Công ty CP Môi trường xanh Minh Phúc (địa chỉ ở Hải Dương). Tuy nhiên số dầu thải chưa kịp gom đủ cho đợt xử lý đầu tiên thì đã bị tuồn ra ngoài.

Về phần mình, ông Truyền nhận trách nhiệm của người đứng đầu đã buông lỏng quản lý, để cấp dưới gây ra vụ việc. Thời điểm diễn ra sự việc, ông này cho biết đang công tác tại Đà Nẵng. Trưa 21/10, ông mới có mặt tại công ty để trực tiếp nắm bắt tình hình.

Khi phóng viên đặt câu hỏi vì sao người mua dầu phải lén lút đổ bỏ, ông Truyền cho rằng họ đưa dầu thải về Bắc Ninh để tiếp tục tái chế. Phần cặn bã còn lại mới đổ ra môi trường.

dau thai gom su Thanh Ha anh 2
Công ty CP Gốm sứ Thanh Hà. Ảnh: Ngọc Tân.

Theo lãnh đạo công ty, việc xuất dầu thải diễn ra vào cuối tuần khi công ty vắng người. Dữ liệu camera ghi lại việc xuất dầu đã được cung cấp cho cơ quan công an.

"Việc xuất dầu thải này hoàn toàn trái quy định của công ty. Doanh nghiệp đang phối hợp với cơ quan chức năng để làm rõ vụ việc, sẽ xử lý nghiêm những nhân viên vi phạm", ông Truyền cho biết.

Con gái giám đốc liên quan thế nào đến vụ việc

Làm việc với phóng viên, phía công ty đưa ra một biên bản của Cục Cảnh sát môi trường đến kiểm tra công ty ngày 19/10.

Nội dung kiểm tra nêu rõ khoảng tháng 9, ông Lê Đình Vũ (người vừa bị tạm giữ vì liên quan vụ xả thải) đã liên lạc qua điện thoại với bà Nguyễn Huyền Trang - Trợ lý giám đốc công ty (con gái của ông Truyền) - để đề xuất tiếp nhận tái chế dầu thải và được bà Trang đồng ý.

dau thai gom su Thanh Ha anh 3
Dầu thải của Công ty Thanh Hà được tìm thấy ở suối dẫn nước vào Nhà máy nước sạch sông Đà. Ảnh: Hồng Quang.

Đến sáng 7/10, ông Vũ gọi điện cho bà Trang để đến thu gom dầu thải thì bà này đi vắng, giao lại việc cho ông Trung (cán bộ phòng vật tư). 

Khoảng 8h ngày 7/10, hai nghi phạm Đại và Thám điều khiển xe tải vào trong công ty để nhận dầu thải. Sau khi hút dầu, xe đi qua trạm cân của công ty với trọng lượng dầu thải trên xe là 8.830 kg. Trong giao dịch này, bà Trang phải trả cho ông Vũ 1.000 đồng cho mỗi lít dầu thải.

Trao đổi về nội dung này, ông Truyền không phủ nhận thông tin nêu trong văn bản mà chỉ nói thực hư thế nào tùy thuộc vào cơ quan điều tra. Ông này khẳng định đã trao đổi với con gái và cô này phủ nhận quen biết ông Vũ.

Ông Truyền cho biết bà Trang đang là nhân viên kinh doanh của công ty. Chồng bà, ông Trần Trung Thành, cũng đang giữ chức Phó giám đốc doanh nghiệp này.

Trước đó, Công an tỉnh Hòa Bình cho biết đang tạm giữ ông Vũ cùng Nguyễn Chương Đại (25 tuổi) và Hoàng Văn Thám (33 tuổi) để phục vụ điều tra vụ đổ dầu thải xuống đầu nguồn gây ô nhiễm nước dẫn vào Nhà máy nước sạch sông Đà.

Theo lời khai, Vũ cho biết có quen biết với người phụ nữ tên Trang. Trong một lần trò chuyện, Trang nói công ty gạch của cô tại thị xã Phú Thọ có chất thải là dầu cặn nên muốn thuê Vũ đi đổ giúp với giá 7 triệu đồng.

Sau khi nhận lời, ngày 6/10, Vũ thuê Đại và Thám đi xe tải đến công ty của Trang lấy chất thải rồi đưa xe về gửi tại huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên. Hai ngày sau đó, Vũ cùng 2 đồng phạm đi xe tải lên khu vực vắng người ở xóm Quyết Tiến, xã Phúc Tiến, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình để đổ.

Ngày 9/10, người dân các xã Phúc Tiến và Phú Minh (huyện Kỳ Sơn, Hòa Bình) phát hiện việc đổ trộm dầu thải trên đường liên xã Hợp Thịnh. Qua kiểm tra và điều tra, cơ quan chức năng tỉnh Hòa Bình xác định có dầu thải bị đổ trộm vào đầu nguồn nước của Nhà máy nước sông Đà.

Ngày 10/10, người dân tại khu vực Tây Nam Hà Nội phát hiện nước sinh hoạt do có mùi lạ khó chịu. Sau sự cố, thành phố Hà Nội đã khuyến cáo người dân không ăn, không uống nước nhiễm dầu và cung cấp miễn phí nước sạch trong khi Công ty cổ phần đầu tư nước sạch sông Đà (Viwasupco) tạm ngừng cấp nước để xúc xả tuyến ống truyền tải.

Ngày 16/10, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an Huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự để làm rõ hành vi gây ô nhiễm môi trường.

Vụ đổ dầu thải gây ô nhiễm nước sạch sông Đà diễn ra thế nào? Sáng 8/10, 3 nghi phạm dùng ôtô chở 10 thùng dầu thải xả ra đầu nguồn nước dẫn vào Nhà máy nước sạch sông Đà (Hòa Bình), gây khủng hoảng nước cho nhiều quận, huyện ở Hà Nội.

Gốm sứ Thanh Hà lên tiếng vụ xả dầu thải xuống nguồn nước sông Đà

Đại diện Công ty Cổ phần Gốm sứ Thanh Hà nhận trách nhiệm về việc thiếu sát sao trong quản lý dầu thải nhưng khẳng định không liên quan tới hành vi xả xuống suối Trầm.

Quá trình xử lý dầu thải ở đầu nguồn nước sông Đà

Trung tâm Ứng phó sự cố môi trường Việt Nam đang tích cực xúc, tiêu hủy đất nhiễm dầu, rải bột vi sinh "ăn dầu" và hút bùn, cát lắng ở suối để đem đi xử lý.



Ngọc Tân - Hồng Quang

Bạn có thể quan tâm