Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Con đường 'đau khổ' ngày ấy, bây giờ

Quốc lộ 32 đoạn từ Cầu Diễn tới ngã ba Nhổn một thời bị gọi "con đường đau khổ", sau vài năm thông xe đã trở thành tuyến giao thông huyết mạch kết nối thị xã Sơn Tây với thủ đô.

Quốc lộ 32 từng trải qua nhiều năm thi công khó khăn vì công tác giải phóng mặt bằng, sau gần 10 năm mới khánh thành toàn tuyến đem lại sự thuận lợi cho người tham gia giao thông từ trung tâm Hà Nội về các huyện Đan Phượng, Hoài Đức, Phúc Thọ và thị xã Sơn Tây.
Đoạn từ thị trấn Cầu Diễn tới ngã ba Nhổn (quận Nam Từ Liêm) trước đây ngổn ngang vật liệu xây dựng, lốc bụi kinh hoàng, mưa xuống lầy lội. Đến nay, tuyến đường này có 6 làn xe, một số đoạn được xây vỉa hè, trồng cây xanh, bồn hoa hoàn chỉnh.
Nếu như cách đây ít năm, người đi đường thường phải tắm bụi thì đến nay nơi đây đã sạch sẽ hơn nhiều. Mặc dù có công trường thi công dự án Metro nhưng đoạn từ Cầu Diễn tới ĐH Công Nghiệp Hà Nội vẫn không bị ảnh hưởng nhiều đến người tham gia giao thông ở cả hai chiều.
Toàn tuyến thi công mất gần 10 năm mới xong. Trong thời gian đó Hà Nội đã bị lỡ hẹn hơn 4 lần trong việc làm lễ thông xe. Đoạn Cầu Diễn - Nhổn (dài 4 km) thi công chậm nhất.
Tháng 2/2012 UBND TP Hà Nội đã ra văn bản yêu cầu Sở GTVT chỉ đạo, đôn đốc các nhà thầu tăng cường nhân lực, vật lực, đẩy nhanh tiến độ thi công các hạng mục còn lại để hoàn thành toàn bộ dự án.
Cho đến giữa năm 2013, con đường này mới thực sự hết đau khổ. Người dân quanh vùng đã thấy một diện mạo hoàn toàn mới, khang trang, thông thoáng, sạch đẹp hơn.
Dự án cải tạo quốc lộ 32 đoạn Cầu Diễn - Nhổn có tổng vốn đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng, giải phóng mặt bằng 1.284 hộ dân.
Để có được tuyến đường đẹp này, hàng chục nghìn hộ dân hai bên quốc lộ đã phải sống khổ sở trong rất nhiều năm. Mỗi khi xe tải đi qua, các cơn lốc bụi lại bay mịt mù. Người dân ngồi sâu trong nhà cũng không chịu nổi.
Đến nay, các khu đô thị hiện đại đã mọc lên cùng một số công trình cấp huyện cũng được đầu tư sửa chữa nâng cấp hoặc xây mới. Đoạn qua thị trấn Trạm Trôi, nơi tập trung nhiều cơ quan hành chính, Trung tâm văn hóa thể thao của huyện Hoài Đức.
Khu vực Cầu Phùng, giao thông thông thoáng.
Khi tuyến đường sắt Nhổn hoàn thành, nơi đây sẽ hiện đại không kém gì khu vực trung tâm thủ đô.
Người đi đường hàng ngày trên tuyến đường này đã có khoảng thời gian dài chịu nhiều bức xúc.
Các nút giao cũng thoáng và sạch sẽ hơn so với thời kỳ ngổn ngang vật liệu, gạch vữa suốt nhiều năm.
Kể từ khi sáp nhập Hà Nội và Hà Tây, các huyện Hoài Đức, Đan Phượng đã phát triển hơn so với nhiều năm về trước.
Địa phận huyện Phúc Thọ, giáp thị xã Sơn Tây.
Tiến về phía xa hơn giáp các huyện Phúc Thọ, thị xã Sơn Tây, hai bên đường là cánh đồng lúa xanh mướt hút tầm mắt, đến mùa gặt thì vàng rực.
Kể từ ngày khánh thành, ôtô, xe máy lưu thông giữa thủ đô và thị xã Sơn Tây đã rút ngắn thời gian được còn khoảng 1 giờ đồng hồ.

Hoàng Hà - Lê Hiếu - Mạnh Thắng

Bạn có thể quan tâm