Theo Bloomberg, cổ phiếu của Alibaba và các tập đoàn công nghệ hàng đầu Trung Quốc đang tiếp tục bị bán tháo ồ ạt. Giới đầu tư lo ngại những quy định mới chống độc quyền sẽ lan rộng ra ngoài đế chế của tỷ phú Jack Ma và kéo tụt các công ty công nghệ quyền lực nhất nước này.
Trong hai phiên giao dịch gần nhất trên sàn Hong Kong, định giá của Alibaba và ba đối thủ lớn nhất - Tencent, công ty giao đồ ăn Meituan và JD.com - bay hơi gần 200 tỷ USD. Hôm 24/12, các quan chức Bắc Kinh tiết lộ đang điều tra Alibaba vì cáo buộc độc quyền.
"Điều đó không chỉ đánh dấu 'cuộc đàn áp' đối với Alibaba, mà còn có khả năng chính quyền Trung Quốc sẽ siết chặt quản lý ngành công nghệ đang có ảnh hưởng sâu rộng tại đất nước 1,4 tỷ dân", các chuyên gia tại Bloomberg bình luận.
Sau vụ IPO hụt của Ant Group, Trung Quốc tỏ dấu hiệu siết chặt kiểm soát các tập đoàn công nghệ Trung Quốc. Ảnh: Reuters. |
Ồ ạt bán tháo
"Rất khó để dự đoán kết quả điều tra của chính phủ Trung Quốc với Alibaba và các nền tảng Internet tiêu dùng lớn khác", Bloomberg dẫn lời nhà phân tích Colin Sebastian của Baird nhận định. Ông dự báo cổ phiếu Alibaba (niêm yết trên sàn Mỹ) sẽ tiếp tục giảm giá từ 325 USD xuống còn 285 USD.
Lý do được chuyên gia Sebastian đưa ra là "những bất ổn liên quan đến việc chính phủ Trung Quốc thắt chặt kiểm soát ngành công nghệ và khả năng sẽ tiếp tục thực hiện các điều chỉnh trong năm tới".
Chứng chỉ lưu kí tại Mỹ (ADR) của Alibaba dao động mạnh hôm 28/12 sau khi trượt dốc kỷ lục 13% trong phiên trước đó. Giá cổ phiếu JD.com và Tencent cũng đồng loạt sụt giảm 3,4% và 2,9%. Trên sàn Hong Kong, cổ phiếu Alibaba lao dốc 8%, định giá công ty bay hơi 270 tỷ USD kể từ mức đỉnh hồi tháng 10. Trong khi đó, Tencent và Meituan đều sa sút hơn 6%.
Hôm 27/12, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) buộc Ant Group - tập đoàn tài chính của Jack Ma - phải "điều chỉnh" các mảng kinh doanh thuộc lĩnh vực công nghệ tài chính (fintech), từ quản lý tài sản, bảo hiểm cho đến cho vay tiêu dùng. Công ty này sẽ phải tập trung vào mảng thanh toán trực tuyến cốt lõi.
Cùng các tập đoàn công nghệ lớn khác, Alibaba từng được tung hô là "lá cờ đầu" cho sự phát triển vượt bậc về kinh tế và công nghệ của Trung Quốc. Nhưng giờ, các công ty này phải đối mặt với áp lực ngày càng gia tăng từ chính quyền.
Làn sóng bán tháo các cổ phiếu công nghệ Trung Quốc. |
Theo các nhà phân tích, chính quyền Bắc Kinh lo ngại về sức ảnh hưởng sâu rộng của những tập đoàn này trong một số lĩnh vực nhạy cảm như truyền thông, giáo dục và cuộc sống hàng ngày của hàng trăm triệu người dùng.
Hồi tháng 11, các nhà quản lý Trung Quốc yêu cầu Ant Group hoãn đợt IPO (phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng) trị giá 35 tỷ USD. Tiếp đó, Bắc Kinh công bố dự thảo quy tắc nhằm ngăn chặn những hành vi phản cạnh tranh trong các lĩnh vực từ thương mại điện tử đến truyền thông xã hội.
"Chính phủ Trung Quốc đang gia tăng áp lực, hoặc muốn giành nhiều quyền kiểm soát hơn đối với các công ty công nghệ", ông Jackson Wong, Giám đốc quản lý tài sản tại hãng Amber Hill Capital, bình luận. "Các công ty như Alibaba, Tencent hay Meituan vẫn đứng trước áp lực bán tháo rất lớn. Họ đã phát triển với tốc độ mà Bắc Kinh cho là quá nhanh và quá lớn", ông nói thêm.
Phần nổi của tảng băng chìm
"Không rõ các nhà quản lý muốn 'bòn rút' gì từ Alibaba", hãng tin Bloomberg bình luận. Theo luật chống độc quyền hiện hành, chính quyền Bắc Kinh có thể phạt các công ty vi phạm đến 10% doanh thu. Điều đó có nghĩa là khoản phạt đối với Alibaba có khả năng lên đến 7,8 tỷ USD.
Nhiều nhà đầu tư còn lo ngại rằng những động thái nhắm vào Ant chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Chính quyền Bắc Kinh nhấn mạnh Ant Group "cần hiểu rõ tầm quan trọng của việc cải tổ hoạt động kinh doanh". Công ty này sẽ phải công bố kế hoạch cải tổ trong thời gian sớm nhất.
Trong khi đó, hôm 24/12, Cục Quản lý Nhà nước về Quy chế Thị trường (SAMR) đã cử các quan chức đến trụ sở tại Hàng Châu của Alibaba. Truyền thông địa phương đưa tin cuộc điều tra được hoàn thành ngay trong ngày. Đến cuối tuần, Nhân Dân nhật báo đăng bài bình luận cảnh báo các tập đoàn công nghệ "nên coi cuộc điều tra chống độc quyền đối với Alibaba là cơ hội để nâng cao nhận thức về cạnh tranh công bằng".
Kể từ khi kế hoạch IPO của Ant bị trật bánh hồi tháng 11, tỷ phú Jack Ma - nhà sáng lập Alibaba và Ant - vẫn im hơi lặng tiếng. Theo Bloomberg, thông qua đòn trừng phạt công khai đối với vị doanh nhân nổi tiếng nhất Trung Quốc, Bắc Kinh đã đưa ra lời cảnh báo.
"Chính quyền Trung Quốc đã mất kiên nhẫn với sức mạnh vượt tầm kiểm soát của những đại gia công nghệ nước này. Họ bị coi là mối đe dọa đối với sự ổn định tài chính và chính trị của đất nước tỷ dân", các chuyên gia của Bloomberg viết.
Trái với sự ồn ào trước đây, Jack Ma đến nay vẫn bặt tiếng trước truyền thông. Ảnh: Reuters. |
Khi Bắc Kinh chuẩn bị đưa ra các quy định chống độc quyền mới, giới đầu tư vẫn tranh cãi về mức độ trừng phạt của chính quyền đối với Alibaba và những tập đoàn lớn khác. Bắc Kinh hiện chưa tiết lộ nhiều về kế hoạch thắt chặt kiểm soát, cũng như lý do khiến họ quyết định hành động tại thời điểm này.
Theo một số nhà phân tích, những đòn trừng phạt mới sẽ đánh vào một số mục tiêu nhất định. Họ chỉ ra rằng các quy định mới tập trung vào thương mại trực tuyến, nhất là những hành động định giá để bán phá giá (Predatory Pricing). Thông qua chiến lược này, các tập đoàn đẩy giá xuống mức không thể có lãi trong một thời gian dài nhằm loại trừ hoặc làm suy yếu đối thủ cạnh tranh.
"Cuộc điều tra mới nhất diễn ra vào thời điểm Bắc Kinh đã sẵn sàng hành động chống lại các hành vi phản cạnh tranh. Vì vậy, chúng tôi cho rằng SAMR muốn sử dụng trường hợp của Alibaba làm gương để gửi thông điệp cho phần còn lại của ngành công nghiệp, rằng cơ quan này rất quyết tâm giải quyết những vấn đề về giá cả", các nhà phân tích của hãng Nomura nhận định.