“Công Phượng không phải cầu thủ hay nhất. Tuấn Anh mới là số 1”. “HAGL còn nhiều người trẻ tài năng hơn Công Phượng. Phan Thanh Hậu mới là cầu thủ đáng xem nhất của chúng tôi”…
Những câu nói kiểu như vậy thường xuyên xuất hiện từ ông Đoàn Nguyên Đức, khi có ai đó “hỏi xoáy” vào Công Phượng. Nhưng ai hiểu chuyện đều biết rằng Ba Đức “nói dzậy mà hổng phải phải dzậy”, và đó chỉ là cách “đáp xoay” đầy ưu ái mà ông dành cho cầu thủ quê Đô Lương.
Ông Nguyễn Văn Vinh, “bố già” ở phố Núi và là kiến trúc sư trưởng của lò đào tạo HAGL kể lại rằng bầu Đức có một tình yêu cực lớn đối với những đứa trẻ được tuyển vào lứa đầu Học viện.
Dù rất bận nhưng Ba Đức vẫn theo dõi sát sao chuyện ăn, ở, học hành, tập luyện của chúng. Và qua thời gian, ông có ấn tượng kỳ lạ về Công Phượng, đứa bé có hoàn cảnh đặc biệt, cá tính độc đáo và kỹ thuật khác lạ trên sân bóng. Bởi vậy, đội bóng là tập hợp của rất nhiều cầu thủ giỏi, nhưng lối chơi chung vẫn được xây dựng xoay quanh Công Phượng.
Công Phượng tỏa sáng tại giải U21 quốc tế như đáp lại sự kỳ vọng của bầu Đức. |
Từ khi còn “ngồi học” cho đến ngày “tốt nghiệp” và “trình làng”, từ các giải U cho đến sân chơi khốc liệt V.League, lứa trẻ HAGL đã quen với việc Công Phượng là trái tim của đội. Tuấn Anh, Xuân Trường, Hồng Duy… đều là những cầu thủ tài năng và có nét riêng, nhưng các em sẵn sàng trở thành vệ tinh phục vụ một vài khoảnh khắc Công Phượng loé sáng và mang về chiến thắng.
Nó giống hệt cái kịch bản mà U21 HAGL vừa hạ gục U19 Hàn Quốc ở chung kết giải U21 quốc tế vừa rồi, hoặc xa hơn nữa là những màn trình diễn thuyết phục của U19 Việt Nam trước U19 Australia, U19 Thái Lan… trong năm 2014. Có một điểm chung: Công Phượng đều sắm vai chính.
Vì thế, khi bầu Đức “hạ” Công Phượng xuống, không có nghĩa là ông đánh giá thấp cầu thủ hay nhất của mình. Mục đích của ông là nâng những cầu thủ khác lên một giá trị cao hơn.
Với Tuấn Anh, đem so với Công Phượng là cách thúc đẩy bản lĩnh của một chốt chặn ở trung tâm hàng tiền vệ. Với Thanh Hậu, đem so với Công Phượng là sự động viên tốt nhất trong giai đoạn chuyển mình của cầu thủ này từ một cậu bé thành một chàng trai. Và với phần còn lại của HAGL khi những ngôi sao sáng nhất lần lượt “xuất ngoại”, đem so với Công Phượng là cách bơm “doping” tinh thần khéo léo của bầu Đức để chuẩn bị cho một mùa giải mới.
Ai cũng biết bầu Đức xung khắc với Miura, tất cả chỉ vì sự lệch pha trong tư duy làm bóng đá có liên quan trực tiếp đến các cầu thủ trẻ HAGL. Những động thái quyết liệt để phế truất Miura trong cuộc họp gần đây của bầu Đức, dù có phần bất nhẫn, cũng chỉ nhằm hiện thực hoá giấc mơ Vàng SEA Games 2017, mà Công Phượng là người lĩnh xướng.
Khi lên tuyển, Công Phượng vì thích nghi với chiến thuật của ông thầy người Nhật, đã phải hy sinh cái tôi để chuyền nhiều hơn, sớm hơn, chơi đơn giản và nhạt nhoà hơn. Nhưng bầu Đức chính là người bắt Công Phượng, khi về HAGL, phải tiếp tục duy trì thứ bóng đá kỹ thuật, bản năng và bùng nổ đã làm nên thương hiệu của em. Sự kiên định của bầu Đức đã giúp Công Phượng vượt qua được khoảng thời gian khó khăn sau SEA Games 2015, nơi em rơi rớt cả niềm tin và phong độ.
Bầu Đức khi tung lứa trẻ HAGL vào V.League, đã coi Công Phượng là một tài sản quý giá cần bảo vệ và chăm bẵm, không hẳn chỉ vì đấy là món hàng mà ông cần “xuất khẩu”. Bất kỳ lúc nào có thời cơ, ông đều lên án thói bạo lực và đố kỵ mà nhiều đội khác nhắm đến HAGL và Công Phượng.
Ngay khi V.League 2015 còn chưa kết thúc, bầu Đức đã tìm đường gửi Công Phượng sang một nền bóng đá tiên tiến, và kết quả là Mito Hollyhock ở giải hạng 2 Nhật Bản. Chính Công Phượng chứ không phải ai khác, đã nổ phát pháo đầu cho hàng loạt cầu thủ khác của bầu Đức rời sân chơi nội để đi du học.
Cũng không hề khó nhận thấy sự ưu ái mà bầu Đức dành cho Công Phượng trong việc quảng bá hình ảnh CLB. Chỉ riêng việc cầu thủ này được “đặc cách” xuất hiện trong một quảng cáo bia đã nói lên sự… trưởng thành so với các đồng đội khác. Hoặc chuyện Công Phượng “đỗ vớt” vào danh sách bầu chọn Quả bóng Vàng 2015, người ta cũng ngầm hiểu rằng đó là một hiệu ứng khác từ cái uy bầu Đức.