"Đối với nhiều công nhân Trung Quốc, sinh nhật lần thứ 35 giống như một lời nguyền", tờ South China Morning Post viết.
Khi thị trường việc làm bị ảnh hưởng nặng nề vì cuộc khủng hoảng Covid-19, ngày càng nhiều tin tuyển dụng giới hạn độ tuổi của ứng viên là 35. Những lời than vãn tràn ngập trên các nền tảng mạng xã hội Trung Quốc. Truyền thông nhà nước thậm chí đặt tên cho xu hướng này là "hiện tượng tuổi 35".
Anh David Huang là một trong số những công nhân trên 35 tuổi rơi vào tình cảnh khốn cùng. Sau khi xưởng sản xuất quần áo nhỏ ở tỉnh Quảng Đông của anh đóng cửa hồi năm ngoái, anh Huang đi hết khu chợ này đến khu chợ khác để bán nốt 10.000 chiếc quần áo còn lại.
"Tôi đã gần 50 tuổi. Tôi có định tìm việc không? Không. Chẳng còn việc gì cho tôi ở ngoài kia. Tìm kiếm việc làm quá khó khăn", anh Huang than thở.
"Hiện tượng tuổi 35"
"Chỉ cần nhìn vào việc kinh doanh tồi tệ của các cửa hàng bán lẻ quần áo ở Quảng Châu, sẽ biết được mức độ tệ hại của ngành bán buôn và sản xuất hàng may mặc lúc này", anh nói thêm.
Trên nền tảng Zhihu, chủ đề thảo luận có tên: "Làm thế nào để một người thất nghiệp trên 40 tuổi sống tiếp?" đã đạt 27 triệu lượt xem kể từ năm 2019. Trong từng bài đăng, người dùng chia sẻ nỗi thất vọng khi tìm việc làm ở tuổi trung niên. Và tình hình trở nên tệ hại hơn vì đại dịch.
Theo báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu Phát triển của Hội đồng Nhà nước Trung Quốc, gần 2/3 số người từ 35 tuổi trở lên bị mất việc làm hồi tháng 3/2020 hiện vẫn tìm việc.
Từ tháng 2 đến tháng 9/2020, số lượng người trên 35 tuổi nộp hồ sơ trên cổng thông tin việc làm Zhaopin đã tăng 15% so với năm 2019. Tỷ lệ cao gấp đôi nhóm dưới 35 tuổi.
Số hồ sơ xin việc tăng cao trong các ngành bị ảnh hưởng bởi đại dịch. Theo nghiên cứu, gần 50% người xin việc trên 35 tuổi rơi từ nhóm thu nhập trung bình hoặc cao xuống thu nhập thấp.
Số người lao động mất việc làm tăng cao trong các ngành bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Ảnh: Getty Images. |
Hơn 70% người cho biết phải đối mặt với áp lực trả tiền thế chấp và các chi phí khác. Nghiên cứu chỉ ra 1/3 người chỉ đủ tiền chi trả trong vòng 3 tháng tới.
Những hạn chế về tuổi tác đặc biệt nghiêm trọng ở Trung Quốc - quốc gia đang đối mặt với tình trạng dân số già nhanh, lực lượng lao động bị thu hẹp sau hơn 30 năm áp dụng chính sách một con.
Nhiều công ty ưu tiên sinh viên mới tốt nghiệp trẻ, năng động hơn những lao động trung niên. Bởi họ có thể nhận mức lương thấp hơn cho công việc tương tự.
Xu hướng này được thể hiện rõ ràng nhất trong lĩnh vực công nghệ đang phát triển mạnh ở Trung Quốc. Một số công ty Internet có văn hóa "996" - làm việc từ 9h sáng đến 9h tối sáu ngày mỗi tuần. Hầu hết nhà phát triển trên 35 tuổi được coi là quá già.
Tôi không đủ tự tin để gửi hồ sơ xin việc. Nhiều công ty chỉ muốn nhân viên dưới 35 tuổi. Tất cả những gì tôi có thể làm là cố bám trụ công việc này
- Cô Tang Ying, 36 tuổi
Gần đây, cô Tang Ying, 36 tuổi, rơi vào tình trạng mất ngủ và trầm cảm vì khả năng mất việc. Cô là một nhân viên hành chính - lễ tân tại một công ty công nghệ nhỏ ở Quảng Châu.
Năm 2020 là một năm ác mộng đối với cô Tang. Cuộc hôn nhân đổ vỡ, cô phát hiện mình mắc bệnh lao.
Khi trở lại công việc, cô bị công ty giao nhiều việc hơn bình thường. Cô Tang cho rằng công ty làm vậy để ép cô nghỉ việc. Tuy nhiên, cô Tang vẫn phải ở lại vì không còn lựa chọn nào khác.
"Tôi rất sợ hãi. Tôi không đủ tự tin để gửi hồ sơ xin việc. Nhiều công ty chỉ muốn nhân viên dưới 35 tuổi. Tất cả những gì tôi có thể làm là cố bám trụ công việc này", cô Tang tuyệt vọng.
Ưu tiên lao động trẻ
"Bằng tốt nghiệp đại học và kinh nghiệm làm việc ở một số công ty công nghệ lớn nhất quốc gia cũng chưa chắc mang lại lợi thế cho bạn", anh Jim Yang, 38 tuổi, tiết lộ. Anh từng là nhân viên kinh doanh tại hãng viễn thông khổng lồ Huawei, nhưng bị sa thải cách đây 3 năm.
Theo anh Yang, việc mở rộng tuyển sinh tại các trường đại học đã khiến giá trị bằng cấp trở nên thấp hơn so với cách đây một thập kỷ.
"Một trở ngại khác đối với cựu nhân viên của các công ty lớn như Huawei là những khó khăn khi cáng đáng nhiều công việc hơn tại các công ty nhỏ", anh nói thêm.
Anh Yang đã mất 3 tháng để tìm được công việc mới tại một nhà sản xuất robot nhỏ và phải nhận mức lương thấp hơn. Trong khi đó, sau thời gian dài chật vật tìm việc, một số đồng nghiệp cũ của anh quay lại Huawei, làm việc như một đối tác độc lập với thu nhập và phúc lợi xã hội kém đi.
"Trong số những người bạn trên 35 tuổi đã rời Huawei của tôi, chỉ khoảng 40% giữ được cuộc sống đàng hoàng", anh tiết lộ.
Trong lĩnh vực công nghệ đang phát triển mạnh ở Trung Quốc, những người lao động trên 35 tuổi bị xem là quá già để xử lý khối lượng công việc lớn. Ảnh: Getty Images. |
"60% còn lại khá chật vật. Họ đã nghỉ việc từ lâu, đầu tư cổ phiếu hoặc hợp tác với những người khác để kinh doanh. Một số ly hôn, không có việc làm, bán nhà và về quê", anh Yang nói thêm.
Theo bà Sunny Dong, giám đốc tuyển dụng tại một công ty tư vấn giáo dục có trụ sở ở Thượng Hải, nhiều công việc đặt giới hạn độ tuổi là 35, nhưng yêu cầu này không quá khắt khe.
"Nhiều nhà tuyển dụng không muốn ứng viên trên 35 tuổi. Nhưng nếu ứng viên đó làm việc tốt, họ vẫn sẽ thuê anh ta. Vì vậy, yêu cầu này không phải tuyệt đối", bà nói thêm.
“Tất nhiên, cũng có nhiều người thất nghiệp trên 35 tuổi. Tôi có rất nhiều hồ sơ ở đây, ứng viên sinh năm 1980 hay 1981, thậm chí có người có thẻ xanh của Anh. Nhưng họ không thể tìm được việc làm tại cả Anh và Trung Quốc", bà Dong tiết lộ.
"Nếu tất cả những gì bạn làm trong công việc cũ là viết báo cáo, tôi có thể tìm một sinh viên mới tốt nghiệp để làm", bà chia sẻ.