Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cơn ác mộng của thành phố còi xe kêu như sấm

Với người dân thủ đô Ấn Độ, tiếng còi xe giờ cao điểm là cơn ác mộng, tới nỗi các chuyên gia phải cảnh báo về những hậu quả nghiêm trọng của thực trạng này với sức khỏe con người.

7 triệu chiếc xe - chiếm hơn một nửa của tổng số xe cộng lại ở 3 thành phố lớn khác của Ấn Độ - chen chúc nhau chạy trên các con đường ở Delhi mỗi ngày. Ngoài tiếng ồn của động cơ, tiếng ken két của phanh xe, người dân nơi đây còn phải chịu đựng tiếng kêu to khủng khiếp của những chiếc còi xe ôtô.

Ở các giao lộ, những lái xe nôn nóng muốn rẽ phải vượt vào tất cả các làn đường, cản những ai muốn đi thẳng, dẫn tới một loạt tiếng còi inh ỏi thể hiện tâm trạng giận dữ.

Thay vì đi chậm lại khi sắp rẽ hoặc tới ngã ba ngã tư thì lái xe lại bấm còi để cảnh báo người khác về sự hiện diện của họ. Họ còn bóp còi cảnh báo người đi bộ, đi xe đạp, trẻ nhỏ, thậm chí cả chó, bò hay bất cứ con vật nào khác đang di chuyển chậm hơn họ.  

Ngay sau khi đèn giao thông chuyển sang màu xanh, "cuộc tấn công" bằng còi xe lập tức bắt đầu. Thường thì những chiếc xe nhỏ nhất lại gây ồn ã nhất. Xe máy thì lượn lách rất nguy hiểm trên đường, phát ra những tiếng vè vè quá khích. Buổi tối đến lượt của còi xe tải, với những âm thanh tựa sấm khi chúng lao ầm ầm trên các tuyến đường vắng mà ban ngày bị cấm hoạt động.

Hàng triệu chiếc còi xe đã là quá đủ, nhưng điều tồi tệ hơn là âm thanh của chúng to hơn bất kỳ loại còi nào được bán ở châu Âu hay ở Mỹ. Và các lái xe thường thích thay những chiếc còi xe lắp sẵn bằng những chiếc kêu to hơn nhiều.

"Mọi người ở đây sẽ không tránh đường nếu bạn không thực sự có một chiếc còi to", một người bán còi xe cho biết.

Theo quy định, bóp còi bị cấm ở gần các trường học, bệnh viện và giao lộ tại Delhi nhưng gần như chẳng ai tuân thủ.

Và ô nhiễm tiếng ồn nghiêm trọng tới mức mà thực trạng này đang ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân. Một nghiên cứu mới đây cho thấy nó đang tác động tiêu cực đến học sinh và bệnh nhân, góp phần làm tăng căng thẳng và các bệnh về tim mạch, gây điếc liên quan tới tuổi tác sớm hơn 15 năm so với bình thường.

Không chịu nổi trước thực tế, một người tên là Ravi Kalra ở Delhi đã viện đến các "chiến thuật du kích" để nhắc nhở các tài xế. Trong 5 năm qua, ông cùng những người tình nguyện của mình đã có nhiều hành động nâng cao nhận thức của cánh lái xe, chẳng hạn như dán sticker "Không nhấn còi xe" vào xe của họ.  

http://vietnamnet.vn/vn/quoc-te/160509/con-ac-mong-cua-thanh-pho-coi-xe-keu-nhu-sam.html

Theo Vietnamnet

Bạn có thể quan tâm