Những nạn nhân nhỏ bé của virus gây teo não Zika. Ảnh: AP |
AFP dẫn thông báo chính thức của Viện Y tế Quốc gia Colombia (CNIH) kết luận, các bệnh nhân qua đời sau khi tiếp xúc với virus Zika. Một biến chứng hiếm gặp về rối loạn hệ thần kinh cũng đã xảy ra, gọi là triệu chứng Guillain-Barre, khi hệ miễn dịch "tấn công" hệ thần kinh.
Phần lớn người bị triệu chứng Guillain-Barre có thể hồi phục. Tuy nhiên, trong những trường hợp xấu, nó có thể khiến bệnh nhân bị liệt hoặc thậm chí tử vong. Trong đại dịch Zika, các bác sĩ đã cho rằng Guillain-Barre có thể xảy ra song song.
Tại tâm dịch châu Mỹ, Brazil là quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất với 1,5 triệu ca nhiễm; theo sau là Colombia với hơn 20.000 bệnh nhân. "Một số trường hợp tử vong khác do virus Zika có thể sắp xảy ra. Thế giới ngày càng nhận thức rằng virus này nguy hiểm chết người. Tỷ lệ tử vong có thể không cao, nhưng nó gây chết người", nhà dịch tễ học Martha Lucia Ospina, giám đốc CNIH nói.
Trong tuần này, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã ban bố tình trạng khẩn cấp quốc tế về triệu chứng teo não ở trẻ sơ sinh nhiễm virus Zika. WHO lo ngại rằng virus có thể lây nhiễm đến 4 triệu người ở châu Mỹ và lan ra thế giới. Một trong những biện pháp phòng ngừa đầu tiên theo khuyến cáo của WHO là ngưng tiếp nhận máu hiến tặng từ những người đã từng đi đến các nước có dịch.
Vào ngày 5/2 Tây Ban Nha xác nhận 7 người nước này, trong đó có một phụ nữ mang thai vừa trở về từ Colombia, được chẩn đoán nhiễm virus gây teo não Zika. Đây là những ca nhiễm virus Zika đầu tiên phát hiện ở châu Âu
Trước đó, hôm 3/2, Mỹ phát hiện người đầu tiên nhiễm virus gây teo não Zika tại bang Texas. Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) cho biết đây là trường hợp không lây truyền qua đường muỗi đốt mà có thể qua quan hệ tình dục.
Những phản ứng khẩn cấp của các nước và tổ chức quốc tế cho thấy giới chuyên gia hiểu biết rất ít về sự nguy hiểm của virus Zika, dù nó đã được xác định lần đầu tiên tại châu Phi từ năm 1947.