Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Coi Hong Kong là nhà, nhiều người nước ngoài vẫn bị chối bỏ

Mặc dù cố gắng tránh xa những thứ liên quan đến Ấn Độ, Steven vẫn phải đối mặt với sự phân biệt chủng tộc ở Hong Kong (Trung Quốc) hàng ngày suốt 26 năm qua.

danh mat ban sac dan toc anh 1

Hong Kong (Trung Quốc) là quê hương của Steven kể từ năm anh 8 tuổi, khi gia đình anh chuyển từ Ấn Độ đến thành phố này.

Anh thông thạo tiếng Quảng Đông, có hôn thê là người địa phương và sử dụng phương tiện công cộng như hầu hết người Hong Kong, theo Straits Times.

Thế nhưng, người đàn ông 33 tuổi vẫn cảm thấy mình lạc lõng ở thành phố nơi anh coi là nhà.

Đánh mất bản sắc để hòa nhập

Sau 26 năm sinh sống tại trung tâm tài chính nhộn nhịp này, Steven đã trải qua các mức độ phân biệt chủng tộc khác nhau - một “nét văn hóa” không thể tách rời khỏi xứ Cảng thơm.

Hồi còn nhỏ, những người bạn đồng trang lứa học chung trường quốc tế với anh, bao gồm các học sinh đa sắc tộc và cả giới giàu có tinh hoa của Hong Kong, thường chú ý đến văn hóa Ấn Độ mà Steven thể hiện.

“Chỉ vì mang đồ ăn Ấn Độ có mùi vị đậm đà đến trường, tôi trở thành mục tiêu bị bắt nạt”, anh kể lại.

danh mat ban sac dan toc anh 2

Steven coi nạn phân biệt chủng tộc là "chuyện thường lệ" trong cuộc sống cá nhân của mình. Ảnh: Morgan Lam.

Anh tự gọi bản thân là “đứa trẻ của nền văn hóa thứ ba”. Anh không ăn bốc nữa và gọi mẹ là “mom” thay vì “ah mah”. Anh đồng hóa bản thân đến mức “không cảm thấy văn hóa Ấn Độ trong mình nữa”.

Mặc dù cố gắng hòa nhập và “tránh xa những thứ khiến đối phương liên tưởng đến một người Ấn Độ”, Steven vẫn phải đối mặt với sự phân biệt chủng tộc hàng ngày do màu da khác biệt.

Khi sử dụng phương tiện công cộng, mọi người thường bỏ cách một ghế trống so với chỗ ngồi của Steven. Anh cũng hay bị các sĩ quan cảnh sát kiểm tra đột xuất.

Khoảng 5 năm trước, anh bị hiểu nhầm là một tên trộm khi sử dụng chiếc ví của mình để cứu nguy người đàn ông lên cơn co giật trên đường khỏi cắn vào lưỡi.

“Sau khi tôi rời đi, cảnh sát hét vào mặt tôi kiểu: ‘Này, mày đã ăn trộm ví của anh ta!’. Các đồng nghiệp của người đàn ông co giật kia phải giải thích với đám sĩ quan ấy. Đó không phải sự hiểu lầm đơn giản nữa, mà là phân biệt chủng tộc”, Steven nhớ lại.

danh mat ban sac dan toc anh 3

Dù sống ở Hong Kong suốt 26 năm qua, Steven vẫn chịu ánh nhìn miệt thị của người địa phương. Ảnh: Morgan Lam.

Thậm chí, có những người còn hỏi Steven về vấn nạn hiếp dâm ở Ấn Độ, chẳng hạn “Tại sao người dân các anh thích làm trò đó vậy?”.

“Tôi cứ như thể là phát ngôn viên đại diện cho 1,2 tỷ người dân Ấn Độ vậy. Ban đầu tôi cảm thấy bị xúc phạm, chứ giờ tôi thấy câu hỏi đó thật nực cười bởi nó thể hiện cách nghĩ ngớ ngẩn của một số người”.

Nền giáo dục chối bỏ đa sắc tộc

Bên dưới “lớp vỏ” quốc tế, 92% dân số Hong Kong chủ yếu là gốc Hoa với ngôn ngữ chính là tiếng Quảng Đông.

Do từng là thuộc địa của Anh trong quá khứ, đặc khu hành chính Hong Kong không lạ với vấn đề phân biệt chủng tộc, trong đó nhiều thế hệ thuộc nhóm dân tộc thiểu số đến từ Nam Á và Đông Nam Á là nạn nhân.

Những thành kiến mà Steven phải trải qua rất có thể bắt nguồn từ giữa những năm 1800, khi những người lính Ấn Độ bị đem đến Hong Kong bởi chủ thuộc địa.

Ít nhất, Steven là thế hệ đầu tiên trong gia đình anh lớn lên ở Hong Kong. Nhiều người địa phương thuộc nhóm dân tộc thiểu số khác vẫn còn cảm thấy lép vế tại thành phố này dù 3, 4 đời nhà họ coi đây là nhà.

Phyllis Cheung, giám đốc điều hành của nhóm vận động dân tộc thiểu số Hong Kong Unison, chỉ ra rằng hệ thống trường công lập nơi đây ít có học sinh không phải gốc Hoa theo học.

“Nếu bạn không lớn lên với những người thuộc nhóm dân tộc thiểu số, hoặc tiếp xúc với tư cách bạn cùng lớp, bạn sẽ chẳng thể hiểu họ, biết họ, dẫn đến đối xử với họ như người ngoài hành tinh”, bà ám chỉ người dân Trung Quốc nói chung.

danh mat ban sac dan toc anh 4

Cách đây 7 năm, chỉ 30/1.000 trường học ở Hong Kong chấp nhận học sinh thuộc nhóm sắc tộc thiểu số. Ảnh: The Standard HK.

Trước khi nhóm Hong Kong Unison vận động hành lang thành công vào năm 2014, chỉ 30 trên tổng số 1.000 trường tiểu học và trung học ở thành phố này chấp nhận hồ sơ của trẻ em không phải gốc Hoa. Hiện con số này đã tăng lên 200.

“Ngày đó, 80-90% học sinh ở 30 ngôi trường ấy thuộc sắc tộc khác nhau, từ Ấn Độ, Pakistan, Nepal đến Philippines, Indonesia. Tuyệt nhiên rất hiếm trẻ em Trung Quốc”, bà Cheung cho biết.

Bên cạnh đó, tiếng Anh không còn là ngôn ngữ giảng dạy ở hầu hết trường học ở Hong Kong kể từ năm 1997, khi thành phố này chính thức trở thành đặc khu hành chính của Trung Quốc.

Điều này khiến cho việc hòa nhập của các học sinh không nói tiếng Trung trở nên khó khăn hơn, từ học tập ở trường đến triển vọng nghề nghiệp.

Khó tìm kiếm chỗ ở

Ngoài ra, tung tâm tài chính Hong Kong từ lâu có tham vọng tiếp tục phát triển, trở thành trung tâm công nghệ và đổi mới. Thế nhưng, sự phân biệt chủng tộc ngăn cản thành phố này thu hút nhiều nhân tài, bà Cheung cho biết.

Dựa trên những đơn khiếu nại mà Hong Kong Unison nhận được, nhà ở là một trong những điểm phổ cập nhất khi nhắc đến sự phân biệt đối xử ở thành phố này, bên cạnh vấn đề việc làm.

danh mat ban sac dan toc anh 5

Dù có điều kiện kinh tế, người dân thuộc nhóm dân tộc thiểu số cũng khó để thuê được nhà ở Hong Kong. Ảnh: Ảnh: Sam Tsang.

“Các chủ nhà không thích cho người dân tộc thiểu số thuê nhà, kể cả những người có nguồn thu nhập cao, lên tới 40.000 HKD/tháng (khoảng 5.100 USD)”, nữ giám đốc trao đổi với Straits Times.

Steven, người đàn ông gốc Ấn Độ, tiết lộ rằng anh thường xuyên bị chủ nhà từ chối. Hiện mọi giao dịch với chủ cho thuê phải để hôn thê của anh, một người Hong Kong bản địa, phụ trách.

“Trước đó, cha mẹ tôi cũng phải đối mặt với vấn đề này. Chúng tôi luôn gặp khó khăn trong việc tìm kiếm chỗ ở. Các chủ nhà thường thẳng thừng từ chối chỉ vì chúng tôi là người Ấn Độ”, anh kể lại.

'Chĩa mũi rìu' sang đối tượng khác

Sau gần 26 năm đối mặt với định kiến phân biệt chủng tộc, Steven cho biết tình hình ngày càng được cải thiện khi người dân nơi đây tiếp xúc với đa dạng nền văn hóa hơn.

Tuy nhiên thực tế, vấn đề sắc tộc chỉ bị lu mờ do xung đột giữa đặc khu hành chính Hong Kong với Trung Quốc nổ ra, đặc biệt vào năm 2019.

Khi đó, nhiều cư dân dù mang sắc tộc khác nhưng vẫn tham gia biểu tình, khiến cho người Hong Kong có cái nhìn thiện cảm hơn về họ, đồng thời chuyển sang “chĩa mũi rìu” vào những người đến từ đại lục.

Amy Zhang (33 tuổi), nhân viên ngân hàng gốc Nam Kinh (Trung Quốc) sinh sống ở Hong Kong từ năm 2007, nhớ lại khoảng thời gian khi người đến từ đại lục “được chấp nhận” tại thành phố này.

danh mat ban sac dan toc anh 6

Sinh viên Yue Meng Ying gặp khó khăn khi hòa nhập ở môi trường mới dù đã chuyển tới sống ở Hong Kong được 5 tháng. Ảnh: Morgan Lam.

Ngày ấy, dù có quan điểm chính trị khác nhau với người dân địa phương, cô vẫn được họ hỗ trợ ổn định cuộc sống mới. Nhưng giờ đây, những gì Amy cảm nhận được là sự phẫn nộ của họ.

Thậm chí, đôi khi cô phải dùng tiếng Anh để giao tiếp với người dân địa phương nhằm tránh cái nhìn không mấy thiện cảm của họ đối với tiếng Quan Thoại - ngôn ngữ chính của người Trung Quốc đại lục.

Yue Meng Ying (26 tuổi), sinh viên ĐH Baptist Hong Kong, cũng gặp khó khăn tương tự. Rào cản ngôn ngữ đã tạo nên “một rào chắn vô hình” giữa cô và người địa phương, dù Ying đã chuyển tới thành phố này được 5 tháng.

Mặt khác, đối với người đàn ông gốc Ấn Steven, việc nói tiếng Quảng Đông thành thạo hay không cũng chẳng ngăn cản anh kết bạn với người bản xứ. Tuy nhiên, trong đầu anh vẫn luôn thường trực một thắc mắc.

“Dù mọi khía cạnh cuộc sống của bạn được định hình bởi chính thành phố này, bạn vẫn không thể gọi bản thân là một người Hong Kong. Ấy là tôi còn sinh sống và làm việc tại đây suốt 26 năm qua. Vậy vấn đề thực sự nằm ở đâu chứ? Rốt cuộc, bạn phải làm quen với sự phân biệt đó và tiếp tục sống thôi”, anh đặt câu hỏi.

Khu phố Ấn Độ ở Trung Quốc vắng lặng vì dịch Covid-19

Mặc dù cách xa quê nhà hơn 4.200 km, các nhà hàng Ấn Độ ở xứ tỷ dân vẫn chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid-19.

Ánh Dương

Bạn có thể quan tâm