Thể loại: Tâm lý, âm nhạc, hài hước
Đạo diễn: Sian Heder
Diễn viên: Emilia Jones, Eugenio Derbez, Troy Kotsur, Ferdia Walsh-Peelo, Daniel Durant, Marlee Matlin
Zing.vn đánh giá: 8,5/10
Được remake từ phim nói tiếng Pháp La Famille Bélier (2014), CODA là dự án tâm huyết của đạo diễn Heder. Bộ phim thắng bốn giải lớn ở LHP Sundance (Mỹ) đầu năm nay, trước khi được Apple mua lại quyền phát hành với mức giá khủng là 25 triệu USD.
Hành trình của giọng ca vàng từ gia đình khiếm thính
Ở Gloucester (Massachusetts, Mỹ), Ruby (Emilia Jones) là thành viên duy nhất có thể nghe trong gia đình Rossi. Bố mẹ cô, Frank và Jackie (Troy Kotsur và Marlee Matlin), cùng người anh Leo (Daniel Durant), đều là người khiếm thính. Họ sống bằng nghề đánh bắt hải sản, với Ruby giữ vai trò giao tiếp với thương lái mỗi khi mua bán, kiểm tra.
Bén rễ từ gia đình như vậy, khó ai ngờ Ruby lại có giọng hát trời phú. Cô đăng ký vào đội hợp xướng và được hướng dẫn bởi người thầy nghiêm khắc Bernardo Villalobos (Eugenio Derbez). Thầy giáo nhận ra tài năng thiên bẩm và khuyến khích cô theo học nghệ thuật tại một trường danh giá. Cô gái trẻ đứng trước quyết định phải đuổi theo đam mê hay tiếp tục gắn bó với gia đình của mình.
Gia đình trong CODA. |
Không hiểu sao tạo hóa đã bày chuyện trớ trêu để một giọng ca như Ruby sinh trưởng trong gia đình khiếm thính. Ở trường, cô gái trẻ có mặc cảm nhất định về hoàn cảnh của mình, cũng như hay ngượng ngập, bối rối trước các bạn. Đó là hậu quả của việc cô từng bị bắt nạt khi còn bé bởi cách nói chuyện kỳ cục (do lớn lên cùng người khiếm thính).
Là người có thể nghe duy nhất, Ruby không thể thiếu trong việc khởi nghiệp kinh doanh của gia đình. Bố và anh trai cô không thể tiếp tục ra khơi mà không có một người có thể đi cùng để nghe các yêu cầu và hướng dẫn trên đài. Không dừng lại chuyện kinh tế, hoàn cảnh đặc biệt của gia đình này tạo ra một lớp ý sâu hơn cho xung đột của câu chuyện.
Ba người thân khiếm thính không thể tận hưởng những giai điệu tuyệt vời mà Ruby cất lên. Làm sao cô có thể lấy được niềm tin từ những người tưởng chừng như không thể hiểu được sự kỳ diệu của âm nhạc?
Hành trình của Ruby khắc họa rất nhiều diễn biến tâm lý của cô gái trẻ, từ sự sợ sệt đám đông, dần tự tin với giọng hát, rung cảm đầu đời, cảm giác trách nhiệm với gia đình, niềm vui và cả tội lỗi khi giải phóng cảm xúc. Đạo diễn Sian Hender cho thấy khả năng xử lý mượt mà những tình tiết đã quen thuộc: loạt phân cảnh học đường, buổi trình diễn ở trường, tình cảm lứa đôi hay cãi vã trong gia đình.
Ruby đứng trước lựa chọn giữa âm nhạc và công việc kinh doanh gia đình. |
Hầu hết khán giả không thể hiểu được thủ ngữ mà các vai khiếm thính sử dụng. Nhưng qua nét mặt và các động tác hình thể, từng cảnh phim đều truyền tải được cảm xúc của nhân vật. Không quá cầu kỳ về mặt hình ảnh nhưng Hender vẫn tạo ra nhiều trích đoạn ấn tượng như cảnh Ruby khoe giọng hát một mình giữa thiên nhiên. Cảnh cô vui đùa cùng bạn trai phô diễn sự tự do tuổi trẻ được dựng đan xen với hoàn cảnh éo le của bố và anh cô trên biển.
CODA giữ nhịp phim tương đối nhanh, xoay chuyển các tình tiết liên tục với giọng điệu hơi hóm hỉnh. Nhưng phần cuối thật sự đẩy cao cảm xúc với ít nhất ba phân cảnh có thể gây xúc động mạnh. Đó là cảnh đạo diễn chơi đùa với âm thanh để đưa khán giả vào thế giới của người khiếm thính, là cảnh kết nối giữa người cha và con gái, và buổi thử giọng với tình tiết bất ngờ có thể chinh phục những trái tim cứng rắn nhất.
Trích đoạn thứ ba, được bao phủ trong thanh âm và ca từ ngọt ngào, đã hòa quyện tất cả chủ đề phim: trưởng thành, vượt lên giới hạn bản thân và tình cảm gia đình.
Màn trình diễn nâng tầm bộ phim
Emilia Jones - ngôi sao sinh năm 2002 - trở thành linh hồn của bộ phim với vai Ruby. Chất giọng của Jones chiếm thiện cảm người xem, còn nỗ lực của cô đã giúp khắc họa nhiều cung bậc cảm xúc của nhân vật.
Đây là một vai không hề dễ dàng, xét đến hoàn cảnh đặc thù của Ruby. Jones vừa phải hát, vừa đóng những cảnh trò chuyện bình thường lẫn giao tiếp bằng thủ ngữ với nhóm diễn viên còn lại. Cảm xúc liền mạch được nuôi dưỡng xuyên suốt và chân thật qua các phân đoạn này.
Emilia Jones có vai diễn đột phá trong sự nghiệp. |
Marlee Matlin, diễn viên khiếm thính duy nhất từng đoạt Oscar, được đạo diễn chọn từ đầu cho vai người mẹ. Ban đầu, các nhà đầu tư không muốn dùng thêm diễn viên khiếm thính cho vai người bố và anh trai. Nhưng Matlin đe dọa bỏ dự án nếu yêu cầu này không được thực hiện. Cuối cùng, ê-kíp chấp nhận tuyển Troy Kotsur và Daniel Durant, đều là người khiếm thính. Điều này mang đến sự chân thực cho nhiều phân cảnh của gia đình.
Marlee Matlin xuất hiện với ít sự nghiêm trang hơn đa phần vai diễn trước của cô. Cô hóa thân vợ của một người đánh cá, khá hài hước, bạo dạn và hay gấu ó với chồng mình. Nhân vật của Troy Kotsur, với mái tóc dài cùng bộ râu, tạo dáng vẻ dữ dằn và khó chịu, nhưng thật ra ẩn chứa trái tim biết cảm thông. Còn vai của Durant cũng có dấu ấn nhờ sự quả quyết ủng hộ em gái.
Những người khiếm thính trong phim được mô tả theo hướng tích cực. Họ có cuộc sống, việc làm và chí hướng rõ ràng chứ không than trách số phận. Hai bố con Frank và Leo thậm chí còn mạnh mẽ hơn nhiều người đánh cá đồng nghiệp. Các phân đoạn tình dục vừa hài hước, vừa thể hiện sự bình thường hóa về góc nhìn của bộ phim dành cho các nhân vật này.
Người thầy dạy nhạc cũng là vai diễn được chăm chút trong phim. |
Một mảnh ghép thú vị khác của phim là Bernardo Villalobos, thường gọi là thầy V. Ông sớm nhận ra tài năng của Ruby, khuyên cô theo đuổi sự nghiệp âm nhạc. Thầy V biết cách khuyến khích học trò nhưng cũng nghiêm khắc trong việc rèn giũa cô.
Ông thẳng thắn nhận định dù có chất giọng tốt, nếu không cố gắng thì Ruby chẳng đi đến đâu. Kiểu vai người thầy âm nhạc nghiêm khắc từng được J. K. Simmons thể hiện rất thành công trong Whiplash (2014). Ở CODA, Eugenio Derbez biết cách thổi hồn cho nhân vật khác biệt với đàn anh, bớt cực đoan và gần gũi đời thường hơn. Thầy V gây ấn tượng mỗi lần xuất hiện và cũng góp sức vào phân cảnh cao trào của phim.
CODA là câu chuyện về sự trưởng thành, về lựa chọn giữa gia đình hay ước mơ. Cốt truyện này vốn không quá xa lạ ở Hollywood, nhưng Heder và dàn diễn viên đã biến kịch bản này thành một bộ phim tràn ngập cảm xúc và lôi cuốn từ đầu đến cuối. Nó một lần nữa nhắc nhở mọi người rằng những tác phẩm mang đến dư vị tích cực, lạc quan chưa bao giờ là lỗi thời, một khi người nghệ sĩ đặt trái tim vào đó.