Suốt thời gian đó, nguy cơ bất ổn an ninh từ chuyện vàng bạc châu báu dưới ngôi cổ mộ bị phá cửa lăng làm chính quyền địa phương hết sức đau đầu. Rất may mắn, đúng thời điểm đó, các nhà khảo cổ đã có mặt tiến hành việc khai quật ngôi cổ mộ.
Từ những cổ vật được đưa lên từ lòng đất, không chỉ lời đồn thổi về kho vàng được làm rõ, mà quan trọng hơn, một giai thoại lịch sử liên quan trực tiếp đến người anh hùng áo vải Quang Trung cũng dần hé lộ.
Ngôi mộ cổ được khai quật giúp hóa giải lời đồn kho vàng từ lòng đất. |
Lời đồn kho báu khổng lồ
Sau khi bị cơ quan Công an huyện Thanh Trì (cũ), công an xã và tổ cá của làng Linh Đường vây bắt, kế hoạch “xâm chiếm” ngôi mộ cổ của những tên “mộ tặc” bị thất bại. Tuy nhiên, ngay cả khi nhóm trộm táo tợn bị bắt giữ, thì nỗi lo vật báu dưới cổ mộ bị mất vẫn khiến cơ quan chức năng mất ăn mất ngủ.
Liên tiếp những ngày sau đó, Công an huyện Thanh Trì (cũ) phải cử trinh sát phối hợp cùng địa phương mai phục, đón lõng nhưng không phát hiện thêm động tĩnh gì. Tên cầm đầu nhóm trộm mộ vì sợ hãi đã bỏ trốn.
Điều đáng nói là sau khi những tên trộm dùng mìn đánh sập ngôi cổ mộ, trong dư luận địa phương lại xuất hiện hàng loạt thông tin đồn thổi liên quan đến “kho tàng” dưới lòng đất. Lời đồn thổi cho rằng bên trong ngôi mộ đá chắc chắn phải chứa rất nhiều vàng bạc, của cải mới khiến bọn trộm vất vả bày mưu, liều lĩnh dùng mìn phá cửa lăng.
Về những thông tin gây hoang mang xuất hiện trong thời điểm đó, các cụ cao niên ở làng Linh Đường nhận định: “Có thể, người dân tin rằng vua chúa hoặc những người làm quan lớn trong triều đình phong kiến khi qua đời thường táng theo nhiều vật quý báu để phục vụ cuộc sống ở thế giới bên kia”.
Với niềm tin ấy, nên dù chưa từng biết chắc chắn trong ngôi cổ mộ có vàng bạc châu báu hay không, người dân vẫn không ngừng bàn tán xôn xao. Trước thực tế đó, chính quyền địa phương cũng đã phải vào cuộc, cố gắng giải thích cho bà con biết đó chỉ là những tin đồn không có căn cứ.
Nhưng nhiều người dân vẫn không khỏi thắc mắc, nghi ngờ về số “kho báu khổng lồ” liệu có còn ẩn mình trong ngôi cổ mộ. Thậm chí có người còn hoang mang lo lắng, vì những tin đồn về kho của cải trong ngôi cổ mộ bay xa, khi ấy người kẻ gian lại tìm đến vùng đất linh thiêng này để ăn trộm.
Suốt thời gian đó, nguy cơ bất ổn an ninh từ chuyện vàng bạc châu báu dưới ngôi cổ mộ bị phá cửa lăng làm chính quyền địa phương hết sức đau đầu. Chính vì vậy, UBND huyện Thanh Trì và các cơ quan chức năng đã nhờ Viện khảo cổ học, khẩn trương tiến hành khai quật, nghiên cứu. Rất may mắn, đúng thời điểm đó, các nhà khảo cổ đã có mặt tiến hành việc khai quật ngôi cổ mộ.
Lời giải cho những bí ẩn trong ngôi cổ mộ
Lần giở lại ký ức hơn 20 năm về trước, TS. Nguyễn Mạnh Cường, người trực tiếp khai quật ngôi cổ mộ cho biết: “Ngay sau khi nhận được đề nghị từ chính quyền địa phương, đoàn khảo cổ học đã xuống hiện trường, kết hợp với cơ quan chức năng tiến hành công việc khai quật.
Khi nắp quan tài được các nhà khảo cổ lật ra, lần lượt từ trong ra ngoài có một tấm chăn đại liệm gồm vỏ chăn gấm và ruột bông trắng tinh, năm lớp vải đại liệm loại mộc màu trắng ngà, một mảnh vải lụa màu vàng che mặt, hai mũ đội đầu bằng gấm và vải...
Tử thi được mặc nhiều lớp váy áo, trong đó có bốn lớp áo gấm đặc biệt như áo gấm trang trí hoa văn đồng tiền, hoa văn kiểu hoa hướng dương. Sau bốn lớp áo này, còn có ba kiểu áo khác gồm áo may kép, trên ve áo có hai chữ Hán là “Mụ đình”; áo gấm màu vàng có trang trí hình rồng và sóng nước; áo gấm màu vàng óng trang trí hình rồng chầu mặt nguyệt... Ngoài ra, sát thân còn hơn chục lớp áo khác. Tổng cộng có cả thảy 33 lớp áo cùng 9 lớp váy.
Đồ tuỳ táng chôn theo gồm một chiếc quạt giấy 14 nan còn nguyên vẹn, một túi đựng trầu gồm 37 miếng trầu còn tươi xanh như vừa mới hái, 34 quả cau, một chuỗi tràng hạt đeo cổ gồm 105 hạt, trong đó có 104 hạt táo và 1 hạt ngọc... Những nét văn hóa trên đồ tùy táng trong ngôi cổ mộ cho thấy người quá cố phải mang dòng dõi quý tộc.
Toàn bộ số hiện vật được đưa lên từ lòng đất trước sự chứng kiến của đông đảo người dân, qua đó góp phần chấm dứt đồn thổi vô căn cứ về kho của cải dưới ngôi cổ mộ. Thực chất, chẳng có vàng bạc châu báu nào trong đó cả.
Sau một thời gian bỏ ra nhiều công sức, các nhà khảo cổ đã ngày đêm nghiên cứu và đưa ra những lời giải cụ thể cho những điều bí ẩn xung quanh ngôi cổ mộ. Căn cứ vào hiện vật chôn theo, cùng các hoa văn trên quần áo, mũ, tất cho phép chúng ta đoán định, người chết được chôn vào nửa cuối thế kỷ XVIII.
Trong mộ cổ có hai tấm vải, đó là những tấm vải hình chữ nhật, màu vàng, mỏng và rất dai, dài 2m, rộng 0,6m, mỗi tấm vải đều có in chữ Hán. Sau khi dịch nghĩa, khảo cứu nội dung văn bản, các nhà nghiên cứu cho rằng, không hề có một dòng chữ nào nói về tên tuổi của người đã khuất. Cũng theo các số đo nhân học cho phép đoán định người chết nằm trong mộ là một người phụ nữ, cao khoảng 1,50m, mất vào khoảng 62 - 64 tuổi.
Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Cường cho biết: “Quá trình tìm hiểu danh tính người dưới mộ, những nghiên cứu dựa trên tài liệu lịch sử lại dẫn tôi đến một câu chuyện lịch sử diễn ra cùng thời điểm”. Theo đó, năm Nhâm Tí (1792), vua Quang Trung băng hà. Lúc này, các đại thần triều Tây Sơn sớm phò tá thái tử Nguyễn Quang Toản lên ngôi, lấy niên hiệu Cảnh Thịnh.
Vị vua trẻ đã cử Ngô Thì Nhậm làm chánh sứ sang Trung Quốc. Vua Thanh đã chấp thuận phong Nguyễn Quang Toản làm An Nam quốc vương, cử Tề Bồ Sâm sang lễ điếu vua Quang Trung.
Như lệ thường, các phiên thần phải tuân theo điển lễ của thiên triều nhưng để chứng tỏ chủ quyền của Đại Việt, Cảnh Thịnh Nguyễn Quang Toản đã làm “động tác ngoại giao” đánh lừa nhà Thanh. Trong tấu sớ gửi vua Càn Long, Cảnh Thịnh đã báo cáo việc táng tiên đế Quang Trung ở Thăng Long, nhưng thực chất lại táng tiên đế ở Phú Xuân.
Triều đình Cảnh Thịnh đã chọn một ngôi mộ ở làng Linh Đường, chính là ngôi cổ mộ bị bọn mộ tặc phá hoại sau này, sửa thành mộ giả của vua Quang Trung để nhà Thanh gửi lễ sang viếng. Người bày ra mưu kế này rất có thể là Ngô Thì Nhậm vì ông là người Tả Thanh Oai, am hiểu vùng đất này hơn ai hết”.
Từ câu chuyện lịch sử này cộng thêm kết quả khai quật, tiến sĩ Cường đã kết luận: “Người nằm dưới cổ mộ chắc chắn không phải là vua Quang Trung. Nó cũng giúp các nhà sử học chính thức chấm dứt nghi vấn xung quanh giai thoại người anh hùng áo vải của dân tộc được táng thân tại vùng đất thiêng Linh Đường”.Thế nhưng ngôi cổ mộ đó được xây dựng từ bao giờ, người đàn bà quá cố nằm trong ngôi mộ cổ đó là ai, thân phận như thế nào - những câu hỏi ấy vẫn là một bí ẩn lớn, khiến các nhà khảo cổ đau đầu đi tìm lời giải đáp.
Ngôi mộ kỳ lạ bậc nhất lịch sử ngành khảo cổ
TS. Cường kể: “Đó là một ngôi mộ đặc biệt, bản thân tôi cũng chưa từng một lần bắt gặp trong suốt nhiều năm theo đuổi công tác khảo cổ. Mộ có cấu trúc gồm lăng đá, quách tam hợp và quan tài. Lăng đá được làm theo dạng khối hộp chữ nhật, bên trong có mái che.
Lăng đá dài 4,1m, rộng 3m, chiều cao từ đỉnh nóc xuống đến chân lăng khoảng 3m. Nằm trong lăng đá là lớp quách tam hợp, cũng được xây theo khối hộp chữ nhật rất kín.
Quách tam hợp này kích thước chỉ nhỉnh hơn áo quan đôi chút nhằm bảo vệ tuyệt đối xác ướp nằm bên trong. Quan tài được làm từ gỗ Ngọc am, đây là một loại gỗ quý hiếm, rất thơm và chống được mối mọt, được lấy từ lõi cây thông già.