Mảnh vỡ máy bay Pháp nổi trên Đại Tây Dương. Ảnh: AFP |
Tạp chí Vanity Fair dẫn nguồn tin từ các điều tra viên vụ tai nạn máy bay của hãng hàng không Air France, Pháp tiết lộ những tình tiết ngoài sức tưởng tượng về vụ tai nạn làm 228 người thiệt mạng ngày 31/5/2009. Nó làm dấy lên hàng loạt câu hỏi về an toàn hàng không dân dụng và “văn hóa” của phi công Air France.
Theo dữ liệu mà Vanity Fair công bố, hai trong 3 phi công điều khiển chuyến bay số hiệu 447 đang ngủ trước khi một người hét lên “***, chúng ta đang chết” không lâu trước khi máy bay lao xuống biển. Nó được trích từ đoạn hội thoại mà hộp đen ghi âm buồng lái của chiếc Airbus 330 lưu lại trong hành trình định mệnh từ Rio de Janeiro Brazil tới Paris, Pháp.
Alain Bouillard, người đứng đầu cuộc điều tra vụ tại nạn máy bay Air France, cho biết: “Nếu cơ trưởng Marc Dubois của chiếc Airbus A330 tỉnh táo khi nó bay qua cơn bão trên Đại Tây Dương, kinh nghiệm của ông có thể ngăn thảm họa xảy ra. Tuy nhiên, tôi tin rằng sự mệt mỏi không phải nguyên nhân chính khiến Marc Dubois ngủ. Nó dường như là hành vi thông thường, một phần trong văn hóa của phi công Air France”.
Cũng theo ông Bouillard, phi công có quyền chợp mắt trong những hành trình dài nhưng thông thường, một người có trách nhiệm sẽ không đi ngủ trong trường hợp máy bay chuẩn bị đi vào vùng nhiễu động. Người ta cũng xác đinh phi công Marc Dubois đã ở cùng bạn gái một đêm tại Rio de Janeiro, người cũng có mặt trên chuyến bay.
Một phút 38 giây sau khi phi công phát hiện sự cố, cơ trưởng Dubois xuất hiện trong khoang lái. Phi công David Robert 37 tuổi thốt lên: “***, chúng ta sắp lao xuống. Nó không thể là sự thật. Chuyện gì đang xảy ra vậy?”. Sau đó, một trong hai phi công là David Robert hoặc Pierre-Cedric Bonin, 32 tuổi hét lên: “***, chúng ta chết rồi”. Nó cho thấy nỗ lực giành quyền kiểm soát máy bay của phi không phát huy hiệu quả.
Nhiều ngày sau khi chuyến bay 447 mất tích, người ta tìm thấy thi thể hành khách đầu tiên. Hai năm sau, lực lượng cứu hộ mới tìm thấy toàn bộ thi thể của 216 hành khách và 12 thành viên phi hành đoàn cùng hộp đen máy bay. Hiện tại, cả Air France và Airbus đều đối mặt với tội ngộ sát do tòa án ở Paris thụ lý.