“Giải quyết nhanh” và “chủ động” là điều mà đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, nói về việc thành lập tổ công tác đặc biệt để thu hút dòng dịch chuyển vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Ông Ngân cho rằng tổ công tác giống như “đặc phái viên” của Thủ tướng, có thể chủ động đàm phán, kêu gọi các nhà đầu tư tới Việt Nam. Tổ này cũng có thể giúp giải quyết nhanh những vấn đề vướng mắc về thể chế, mà các doanh nghiệp không phải qua quá nhiều cấp trung gian.
Thu hút những dự án gì?
Trao đổi với Zing, đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân cho biết tổ công tác đặc biệt về thu hút FDI mới được Thủ tướng đồng ý thành lập về mặt chủ trương, là tín hiệu tích cực trong việc Việt Nam chủ động thu hút dòng dịch chuyển vốn đầu tư sau dịch Covid-19.
Ông cho biết hiện nay vấn đề thu hút vốn FDI đã có 2 nghị quyết quan trọng là Nghị quyết 50/2019 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 58/2020 của Thủ tướng mới ban hành, triển khai thu hút vốn.
Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng. Ảnh: Hoàng Hà. |
Mục tiêu chung là thu hút các dự án đảm bảo đúng nguyên tắc phải có chọn lọc. Ưu tiên những dự án chất lượng, hiệu quả, có độ lan tỏa, chuyển giao công nghệ, kết nối sản xuất trong nước, đảm bảo môi trường và an ninh quốc phòng.
Gần đây, Việt Nam duy trì được ổn định kinh tế vĩ mô, chính trị ổn định, có tiềm năng phát triển, nên các dòng vốn FDI tăng nhanh qua các năm.
“Với nhà đầu tư, nếu thấy an toàn và sinh lời thì họ sẽ đổ vốn vào. Tuy nhiên, hơn lúc nào hết chúng ta phải thận trọng. Chúng ta cần, nhưng không cần bằng mọi giá mà phải chọn lọc”, ông nói.
Nói về công việc của tổ công tác đặc biệt thu hút vốn FDI, ông Trần Hoàng Ngân khuyến nghị một số nguyên tắc.
Thứ nhất, thực tế hiện nay các địa phương đang cạnh tranh với nhau trong việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài với những ưu đãi hấp dẫn. Trong khi đó, khi “trải thảm đỏ”, chính sách quá hấp dẫn có thể tạo nguy cơ doanh nghiệp FDI chèn ép doanh nghiệp trong nước.
“Do vậy cần có một tổ giúp việc đặc biệt cho Thủ tướng để giải quyết vấn đề này, dung hòa sự cạnh tranh giữa các địa phương”, ông Ngân nói.
Thứ hai, để thu hút các nhà đầu tư chiến lược, có công nghệ, có độ lan tỏa lớn thì phải tiếp cận và xúc tiến. Tuy nhiên, các nhà đầu tư thường gặp khó khăn về thể chế, vướng những thủ tục đầu tư. Do vậy, tổ công tác đặc biệt sẽ giúp giải quyết những thủ tục liên ngành về thể chế.
Huy động FDI nhưng vẫn phải ưu tiên doanh nghiệp trong nước
Ông Trần Hoàng Ngân cũng cho rằng trong bối cảnh hiện nay Việt Nam cần vốn FDI, nhưng không nên huy động bằng mọi giá. Ông nhấn mạnh sự ưu tiên vẫn là phát triển khu vực kinh tế tư nhân trong nước, đó là nội lực quan trọng của nền kinh tế.
Ông dẫn ví dụ trong dịch Covid-19 vừa qua, nước nào phụ thuộc vào đầu tư nước ngoài nhiều thì sẽ gặp khó khăn. Nước nào ít phụ thuộc vào đầu tư nước ngoài, tự chủ được nền kinh tế thì sẽ ít gặp khó khăn hơn. Do đó, để nâng cao tính tự chủ thì phải ưu tiên doanh nghiệp trong nước trước, tránh bị khối FDI chèn ép.
Trong khi đó, TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, cho rằng vấn đề thể chế cần được quan tâm hàng đầu trong bối cảnh hiện nay để thu hút được dòng FDI dịch chuyển vào Việt Nam.
Chuyên gia cho rằng Việt Nam cần ưu tiên những dự án FDI chất lượng, hiệu quả, có độ lan tỏa, chuyển giao công nghệ, kết nối sản xuất trong nước. Ảnh: Hoàng Hà. |
Ông cho rằng nên áp dụng cơ chế theo “thời chiến” để đạt hiệu quả cao, nhanh chóng giữa các cơ quan có thẩm quyền với nhau để giải quyết hồ sơ, thủ tục.
GS Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp FDI Việt Nam, dự báo năm nay Việt Nam có thể hút khoảng 20 tỷ USD vốn FDI thực hiện. Ông nhấn mạnh nếu số vốn này thay đổi chất lượng, sẽ giúp tăng hiệu quả kinh tế cho Việt Nam rất lớn.
“Bây giờ tôi không lo vấn đề số lượng mà lo về chất lượng. Để tăng chất lượng thì phải tăng cường năng lực lựa chọn của các bộ, ngành, chính quyền địa phương, ban quản lý khu kinh tế, khu công nghiệp”, ông nói.
GS Mại cho rằng việc lựa chọn vốn FDI hiện tại đã là quyền của Việt Nam. Ông đánh giá chưa bao giờ Việt Nam có cơ hội tốt như hiện nay để thu hút FDI. Trong 30 năm qua, Việt Nam đã có nhiều cơ hội nhưng hiện tại là rõ nhất và lớn nhất. Tuy nhiên, ông cho rằng 80% đầu tư vào Việt Nam vẫn đến từ châu Á, còn lại 20% là từ Mỹ và EU.
Do vậy, trong tương lại thu hút FDI cũng phải hướng đến các nhà đầu tư châu Âu và Mỹ. Cần tận dụng và nghiên cứu doanh nghiệp châu Âu và Mỹ thay đổi chiến lược sau đại dịch, hướng vào ngành như trí tuệ nhân tạo, big data, robot…
Để thu hút được dòng vốn từ Mỹ và châu Âu, ông khuyến nghị 3 điểm.
Thứ nhất, cần giảm thiểu mức thấp nhất tình trạng tham nhũng, nhũng nhiễu của công chức Nhà nước. Ông nhấn mạnh, với các nhà đầu tư từ Mỹ và EU thì vấn đề tham nhũng là khó chấp nhận.
Thứ hai, hệ thống pháp luật của Việt Nam đã tương đối đầy đủ nhưng việc thực thi chưa tốt. Các vấn đề như hàng lậu, hàng nhái, ăn cắp bản quyền… cần phải được xử lý mạnh tay, nếu không thay đổi thì không thể thu hút công nghệ cao.
Thứ ba, thời gian xử lý các thủ tục minh bạch, nhanh chóng.
“Khi họ đã muốn dịch chuyển đầu tư thì không thể bắt chờ đợi 6 tháng hay 1 năm. Tôi nghĩ rằng nếu làm tốt, chúng ta sẽ không chỉ dừng lại ở việc thu hút vài chục tỷ USD”, ông Mại nói.