P.V.D. (27 tuổi, Hà Nội), đã tiêm 2 mũi vaccine phòng Covid-19. Khi đủ thời gian để tiêm mũi thứ 3, địa phương nơi anh sinh sống gửi thư mời đến trung tâm y tế để tiêm chủng, song D. không đến. Anh muốn mắc Covid-19 để có miễn dịch tự nhiên.
Chấp nhận mắc Covid-19
Khi biết một người bạn đang là F1, D. vẫn tiếp xúc gần, không tuân thủ 5K.
"Tôi có đọc thông tin trên nhiều trang và thấy rằng người bị mắc Covid-19 sau khi khỏi sẽ có miễn dịch lâu dài hơn so với tiêm vaccine. Tôi chấp nhận bị nhiễm. Bạn bè của tôi khá nhiều người đã trở thành F0 nhưng không bị nặng", P.V.D. nói.
T.H. (28 tuổi, Hà Nội) vừa có kết quả xét nghiệm âm tính sau 5 ngày tự điều trị Covid-19 tại nhà. H. bất ngờ khi mắc bệnh mà không rõ nguồn lây.
T.H. có kết quả dương tính với nCoV nhưng không rõ nguồn lây. Ảnh: NVCC. |
"Từ khi tiêm đủ 2 mũi vaccine Covid-19, tôi gặp gỡ bạn bè và di chuyển thoải mái hơn trước. Khi ngồi quán xá cùng các bạn, chúng tôi cũng không đeo khẩu trang và dùng nước rửa tay. Tất cả đều có tâm lý đã tiêm đủ liều nên không còn sợ lây nhiễm, nếu không may mắc cũng sẽ bị nhẹ", H. cho hay.
Cách đây 5 ngày, H. thấy đau mỏi người, sốt cao nên đã test nhanh và có kết quả dương tính với nCoV. Cô không biết mình lây nhiễm từ nguồn nào do lịch trình di chuyển và tiếp xúc nhiều người. Sau khi mắc Covid-19, cô đã thông báo cho bạn bè của mình để chuẩn bị tâm lý. Đa số họ không cảm thấy lo lắng nhiều vì "sớm muộn rồi cũng mắc Covid-19".
Rủi ro cao hơn nhiều so với lợi ích
Trao đổi với Zing, TS.DS Phạm Đức Hùng, Bệnh viện Cincinnati, Ohio, Mỹ, cho rằng tâm lý cố tình nhiễm SARS-CoV-2 hay chờ đến lượt mắc bệnh là không nên. Đây là ý tưởng nguy hiểm.
Theo TS Hùng, khi "bình thường mới", người dân đi lại, tiếp xúc nhiều hơn, dù sử dụng khẩu trang nhưng vẫn có nguy cơ lây nhiễm.
"Bạn nên nghĩ rằng ai cũng có thể là F0 để cẩn trọng khi tiếp xúc, bảo vệ bản thân tốt hơn thay vì cho rằng trước sau gì cũng sẽ mắc bệnh", TS Hùng nói.
Chuyên gia này cho hay người trẻ đã tiêm đủ liều vaccine Covid-19 vẫn nguy cơ bị nặng và tử vong. Chúng ta không thể dự đoán chính xác mức độ nghiêm trọng khi mắc Covid-19 của mỗi người. Việc tính toán rủi ro và lợi ích ở đây rất rõ ràng. Rủi ro cao hơn nhiều so với lợi ích bạn có thể gặt hái được.
"Ngay cả trước biến chủng Omicron, dữ liệu cho thấy những người bị nhiễm không bị bệnh nặng và ít có khả năng phải nhập viện hơn trường hợp nhiễm các chủng trước đó. Dù nhiễm Omicron ở mức độ nhẹ hơn so với các biến chủng khác, nó vẫn sẽ là 'thảm họa' đối với một số trường hợp như người già, người suy giảm miễn dịch", TS Hùng chia sẻ.
Người dân di chuyển bằng tàu đường sắt trên cao tại Hà Nội. Ảnh: Việt Linh. |
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Quốc Thái, Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), cho biết ông cũng không ủng hộ tư tưởng cố tình nhiễm nCoV để có miễn dịch.
"Việc mắc Covid-19 khi không thể tránh được ta mới phải cam chịu. Người dân vẫn nên phòng bệnh hết mức có thể. Với người trẻ, đã tiêm đủ 2 mũi, thậm chí 3 mũi vaccine, khi mắc bệnh, bạn có thể trải qua nhẹ nhàng. Nếu làm lây lan bệnh cho những người trong gia đình, đặc biệt là người cao tuổi, có bệnh nền, họ có thể diễn tiến nặng, nguy kịch.
Mặt khác, không phải trường hợp nào tiêm vaccine rồi cũng chỉ bị nhẹ. Đã có những trường hợp bị Covid-19 tử vong dù tiêm đủ 2 liều vaccine. Do vậy, người dân cần tích cực phòng tránh Covid-19 bất cứ khi nào có thể", bác sĩ Thái phân tích.
TS Phạm Đức Hùng khuyến cáo người dân không nên tìm kiếm miễn dịch bằng cách nhiễm bệnh. Đến nay, người dân vẫn nhận được nhiều lợi ích từ việc tiêm vaccine đủ liều và mũi tăng cường.
"Nếu một số người cố tình mắc bệnh có khả năng gây lây lan virus nhanh chóng, nguy cơ làm bùng nổ số lượng bệnh nhân. Hậu quả là hệ thống y tế bị quá tải, tăng tỷ lệ bệnh nhân nặng và tử vong", TS Hùng cho biết.
Theo khuyến cáo của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp quốc, các biện pháp phòng dịch hiện tại vẫn có hiệu quả trong chống lây nhiễm nCoV. Để bảo vệ bản thân và gia đình, bạn nên đeo khẩu trang thường xuyên, che kín mũi, miệng; rửa sạch tay trước khi đeo, tháo khẩu trang; giữ khoảng cách tối thiểu một m với người xung quanh.
Đặc biệt, chúng ta nên tránh những không gian kín, tụ tập đông người, mở cửa sổ để thông thoáng gió. Thói quen rửa sạch tay bằng xà bông, nước sát khuẩn vẫn cần được duy trì. Hiện tại, vaccine Covid-19 vẫn là công cụ hiệu quả để ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh và chuyển nặng khi nhiễm nCoV.
Dịch Covid-19
Phát hiện mới về hậu quả của Covid-19
Nghiên cứu mới cho thấy Covid-19 gây hại cho hệ vi sinh vật đường ruột, có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe khác như đầy hơi và trào ngược axit.
Covid-19 vẫn gây chết người nhưng đã thay đổi về nhân khẩu học
Bang California, Mỹ, đang có sự thay đổi về nhân khẩu học trong số ca tử vong. Theo các chuyên gia, xu hướng này tương tự với toàn nước Mỹ và nhiều nước khác trên thế giới.
Phát hiện virus bí ẩn giống SARS-CoV-2 ở Nga
Với protein gai có thể dễ dàng bám vào tế bào người như nCoV, loại virus này khiến các nhà khoa học lo lắng. Đặc biệt, vaccine và kháng thể Covid-19 không có tác dụng với nó.
Đại dịch mới ở những người khỏi Covid-19
Nghiên cứu mới cho thấy ngay cả người nhiễm nCoV nhẹ cũng có nguy cơ bị đau tim, đột quỵ cao hơn. Điều này dấy lên mối lo về đại dịch bệnh tim mạch ở những người khỏi Covid-19.
Triệu chứng nhiễm biến chủng BA.5
Về cơ bản, người nhiễm BA.5 sẽ có các triệu chứng như những chủng Covid-19 trước đó. Song, tần suất gặp phải của từng triệu chứng lại khác nhau.