Theo Sở GTVT, vừa qua Sở đã tổ chức cuộc họp với các nhà khoa học và các ban ngành liên quan để phân tích có nên trồng dừa trên các tuyến phố và ven kênh rạch ở TP HCM hay không.
Các nhà khoa học đã thống nhất không trồng cây dừa trên đường phố, thay vào đó cần chọn loài cho nhiều bóng mát. Tán lá của cây dừa không đáp ứng được tiêu chí này.
Về khía cạnh an toàn, cây dừa có trái to, khi rụng sẽ gây nguy hiểm cho người đi đường. Về mặt cảnh quan, cây dừa cũng có nét đặc thù nhưng không phải là cây đẹp để trồng tạo cảnh quan ven đường.
Trường hợp kết hợp mục tiêu kinh tế thì việc khai thác trái hoặc chiết xuất mật hoa đều không khả thi trong điều kiện tại TP HCM…
Tuy nhiên, các nhà khoa học cũng thống nhất có thể trồng dừa ven kênh rạch nhưng chỉ trồng ở những nơi không có đường ven kênh, ít người qua lại.
Các đơn vị quản lý và chăm sóc cây xanh cũng đề nghị không nên trồng dừa ở nơi công cộng nhằm tránh tình trạng rụng trái gây nguy hiểm cho người dân.
Từ nhiều năm qua, Công ty TNHH MTV Công viên Cây xanh TP đã đốn hạ và thay thế dần cây dừa do người dân trồng tự phát trên đường phố và khu vực công cộng trước đây.
Về vấn đề này, quan điểm của Sở GTVT là nâng cao tính phong phú, đa dạng về chủng loại cây trồng trên địa bàn TP, trong đó tùy theo đặc điểm của khu vực trồng cây mà lựa chọn cây trồng và hình thức bố trí phù hợp.
Do đó, tương tự nhiều loài cây khác, cây dừa sẽ được Sở tiếp tục duy trì hoặc có thể trồng mới để tạo cảnh quan tại các vị trí phù hợp.
Nếu không muốn ra trái thì chiết xuất mật hoa dừa
Dù với diện tích và quy mô nào, nếu TP HCM muốn trồng dừa ven kênh rạch thì hiệp hội sẵn sàng kết hợp để thực hiện. Tôi hiểu nỗi lo dừa rụng trái gây nguy hiểm nhưng thực tế mình có thể định hướng cho cây dừa mọc nghiêng ra phía rạch. Trái dừa rụng khi khô, còn trái dừa tươi thì ít rụng. Nếu không muốn dừa ra trái thì chiết xuất mật hoa dừa.
Bà Nguyễn Thị Kim Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Dừa Việt Nam (người đề xuất trồng dừa ở TP HCM)